Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 50.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 5 năm

Trong 5 năm (2010 - 2015), toàn quốc xảy ra hơn 158.000 vụ tai nạn giao thông làm chết hơn 48.000 người, bị thương hơn 162.000 người.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, theo báo cáo của Cục cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), trong 5 năm (tính từ 16/11/2010 đến 15/10/2015), toàn quốc xảy ra 158.125 vụ tai nạn giao thông (không xảy ra tai nạn giao thông hàng không) làm chết 48.015 người, bị thương 162.058.

Trung bình, mỗi ngày có gần 30 người tử nạn vì tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông đã cướp đi. Ảnh: Ủy ban ATGT Quốc gia/
Tai nạn giao thông đã cướp đi gần 50.000 sinh mạng trong vòng 5 năm. Ảnh: Ủy ban ATGT Quốc gia

Tai nạn đường sắt làm tăng hơn 13% người chết

Riêng đường bộ đã xảy ra hơn 155.000 vụ tai nạn chiếm 98,3%, làm chết hơn 46.000 người, bị thương hơn 160.000 người. So với 5 năm trước, số vụ tai nạn giao thông đường bộ giảm hơn 18%, giảm  hơn 20% số người chết và giảm hơn 22% số người bị thương.

Tuy nhiên số vụ tai nạn giao thông đường sắt lại tăng gần 5%, tăng hơn 13% người chết và hơn 10% số người bị thương tương đương với hơn 2.000 vụ tai nạn, làm chết hơn 1.000 người, bị thương 1.379 người.

Số người chết do tai nạn giao thông đã giảm từ 60.423 người (giai đoạn 2006-2010), xuống 47.897 (giai đoạn 2011-2015), tổng mức giảm trong cả giai đoạn là hơn 12.000 người. So với giai đoạn 2006-2010, số người chết do tai nạn giao thông trong giai đoạn 2011-2015 đã giảm bình quân 2.505 người/năm.

Mỗi năm mất hơn 50.000 tỷ đồng vì tai nạn giao thông

Theo ước tính của ADB, mỗi năm Việt Nam thiệt hại kinh tế gần 2,3 tỷ USD do tai nạn giao thông đường bộ.

Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp

Ủy ban An toàn giao thông đánh giá trong 5 năm qua từ năm 2011 – 2015, với nhiều giải pháp quyết liệt, tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu đô thị đông dân cư, các tuyến quốc lộ trọng điểm và tại Hà Nội, TP HCM trong giai đoạn 2011-2015 đã được khắc phục, hạn chế.

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Việt Hùng.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Việt Hùng.

Từ ngày 16/11/2010 đến ngày 15/10/2015, toàn quốc xảy ra 677 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài, xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và các khu vực đông dân cư, đô thị lớn thuộc các địa phương Thanh Hoá, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Nam... Nguyên nhân chính do tai nạn giao thông (chiếm 32,22%), do xe hỏng (chiếm 28,3%), do sạt lở, sửa chữa, thi công cầu, đường và lễ hội (chiếm 37,5%).

Hiện Hà Nội còn 44 điểm ùn tắc, giảm 34 điểm so với năm 2011, TP HCM không còn vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút, giảm 31 vụ so với năm 2011.

Tuy nhiên, Ủy ban An toàn giao thông đánh giá trong thời gian gần đây ùn tắc giao thông kéo dài tại các thành phố lớn và chủ yếu vào giờ cao điểm, giờ tan tầm (đặc biệt là Hà Nội và TP HCM) đang có diễn biến phức tạp

Trong mùa mưa, lũ, dẫn đến sạt lở đất, ngập sâu, đã gây ùn tắc giao thông tại một số địa phương, đặc biệt là tại TP Hà Nội.

Khu vực phía Nam tuy không xảy ra mưa, lũ lớn nhưng do ảnh hưởng kết hợp giữa mưa và triều cường gây ra hiện tượng úng ngập cục bộ dẫn đến ùn tắc giao thông tại TP HCM, Biên Hoà.

Ngoài ra, tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán vẫn xảy ra; một số khu vực trông giữ xe đạp xe máy trái phép, thu tiền quá quy định, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và trật tự giao thông đô thị. 

Sẽ giảm 5% đến 10% số vụ tai nạn giao thông

Ủy ban An toàn giao thông nhìn nhận tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải đã giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu, có đường biên giới với Trung Quốc và Lào.

Còn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương, chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Đề ra mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay sẽ giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương tai nạn giao thông hàng năm; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thuỷ nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải.

Tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Hà Nội ùn tắc, sao vẫn cho xây cao ốc ở trung tâm?

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội đã thiếu quyết liệt trong quản lý và quy hoạch đô thị dẫn tới áp lực lên hệ thống giao thông, gia tăng ùn tắc.



Công Khanh

Bạn có thể quan tâm