Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt cóc ảo - cơn ác mộng của nhiều gia đình Mỹ

Các chuyên gia nhận định bắt cóc ảo là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng, dai dẳng nhất trong thời gian gần đây tại Mỹ.

“Con trai của ông đang bị tôi bắt cóc. Nếu muốn báo cảnh sát, tôi sẽ giết đứa bé”, một giọng nói ở đầu dây bên kia điện thoại vang lên.

Ông Joseph Baker 61 tuổi cùng vợ là Maggie đã nhận được cuộc gọi này vào một buổi chiều đầu tháng 4 khi đang lái xe vòng quanh thành phố Charlotte, bắc Carolina.

Số hiển thị trên màn hình smartphone của Joseph là số điện thoại của Jake, con trai ông và cặp đôi hoàn toàn tin điều đó là sự thật. Kẻ bắt cóc yêu cầu vợ chồng Baker tạo ra 2 thẻ ngân hàng, mỗi thẻ có 750 USD trong tài khoản để chuyển tiền chuộc.

bat coc ao anh 1
Thủ phạm đã dùng một số ứng dụng đặc biệt cho phép thay đổi số điện thoại hiển thị khi gọi đến tương tự cách hoạt động của robocall. Ảnh: CNN.

Sau khi cúp máy, ông lập tức báo cho cảnh sát về tình trạng trên. Cảnh sát cùng một đội y tế đã vội vã đến nhà của Joseph, nhưng Jake vẫn đang ngồi trong nhà an toàn. Tất cả chỉ là một vụ lừa đảo.

“Nó quá giống thật. Mọi người sẽ làm bất cứ điều gì vì những người thân yêu. Tôi vẫn đang suy nghĩ về mọi thứ. Tôi có thể làm gì để ngăn chặn điều tương tự xảy ra trong tương lai?”, Maggie Baker chia sẻ với CNN.

Theo CNN, những trường hợp tương tự câu chuyện của gia đình Baker đang ngày càng trở nên phổ biến. Thủ phạm sử dụng phương pháp tương tự robocall nhằm thay đổi số điện thoại, đồng thời kết hợp với những thông tin mà chúng tìm được trên Internet về nạn nhân để giả mạo tình huống giống như một vụ bắt cóc.

Kẻ lừa đảo giả mạo vụ bắt cóc ảo như thế nào?

“Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các vụ bắt cóc ảo trong vài năm qua. Hung thủ có thể dễ dàng kiếm lợi, trong khi các cơ quan thực thi pháp luật khó có thể phát hiện", Matthew Horton, chỉ huy đơn vị chống tội phạm quốc tế của FBI, người từng theo dõi nhiều vụ bắt cóc ảo trao đổi với CNN.

“Nó là một cách nhanh chóng để kiếm tiền. Hơn nữa, cách thực hiện một vụ bắt cóc ảo cũng đơn giản hơn nhiều”, Horton nói.

CNN cho biết việc giả mạo cuộc gọi có thể thực hiện dễ dàng thông qua Skype hoặc một số ứng dụng chuyên biệt cho phép người dùng nhập số máy họ muốn hiển thị. "Bất cứ ai cũng có thể làm được điều này", CNN viết.

Trong một số trường hợp, các nạn nhân cho biết họ nghe thấy tiếng la hét thất thanh ở phía xa vọng lại, giống như tiếng của các bé trai và bé giá bị bắt cóc. Những vụ bắt cóc ảo có thể khiến nạn nhân bị lừa hàng nghìn USD và mang nhiều tổn thương về tinh thần.

bat coc ao anh 2
Bắt cóc ảo đang dần trở thành vấn nạn tại Mỹ. Ảnh: CBS7.

Horton cho biết rất khó có thể xác định được vị trí và thủ phạm gây ra các vụ bắt cóc ảo. Theo một cuộc điều tra của FBI vào năm 2017, phần lớn các vụ bắt cóc ảo có nguồn gốc từ Mexico. Ban đầu, các cuộc gọi nhắm đến những người nói tiếng Tây Ban Nha sống ở khu vực Los Angeles và Houston. Tuy nhiên hiện nay, chúng đã thực hiện hành vi này bằng tiếng Anh và lan rộng sang nhiều thành phố khác tại Mỹ.

Horton cho biết thủ phạm thường gây áp lực buộc các nạn nhân phải trả tiền nhanh chóng. Thậm chí, trong một số trường hợp chúng đã đòi hỏi số tiền nhiều hơn sau khi giao dịch đầu tiên hoàn tất.

Trong nhiều năm, FCC đã nỗ lực giảm thiểu cuộc gọi lừa đảo từ các số giả mạo, nhưng chưa đạt được nhiều hiệu quả. Gần đây, các gã khổng lồ viễn thông tại Mỹ như AT&T, Comcast và Verizon đã nghiên cứu thành công công cụ có tên Stir/Shaken. Nó có thể xác định và theo dõi các cuộc gọi giả mạo. Dự kiến, công cụ này sẽ được áp dụng vào cuối năm 2019.

Những ai có thể trở thành nạn nhân?

Tarun Wadhwa, người sáng lập công ty tư vấn công nghệ Day One Insights nhận định các vụ bắt cóc ảo là hành vi lừa đảo.

“Đây là một trong những mối đe dọa an ninh mạng nghiêm trọng, dai dẳng nhất trong thời gian gần đây. Nó không đơn giản là một vấn đề công nghệ mà còn liên quan đến tâm lý của con người”, Wadhwa nói.

Theo CNN, một số người không báo cáo lại các vụ bắt cóc ảo vì họ cảm thấy xấu hổ khi rơi vào cái bẫy lừa đảo, muốn quên đi những gì đã xảy ra. Một số khác lại cho rằng đó là một thách thức đối với các cơ quan thực thi pháp luật để tìm ra thủ phạm.

Horton cho rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Do đó, khi bị lừa đảo, người dân cần báo cáo cho các cơ quan thực thi pháp luật để có các biện pháp theo dõi, đồng thời tuyên truyền đến cho những người khác hiểu rõ.

bat coc ao anh 3
Các chuyên gia nhận định bắt cóc ảo là một trong những mối đe dọa an ninh mạng nghiêm trọng, dai dẳng nhất trong thời gian gần đây. Ảnh: NewYorkPost.

“Nếu rơi vào tình huống đó, chúng tôi khuyên mọi người nên giữ bình tĩnh và tiếp tục duy trì cuộc điện thoại. Hãy cố gắng liên lạc với nạn nhân bằng cách khác như điện thoại hoặc các phương tiện mạng xã hội”, Horton nói. Ông cũng nhấn mạnh, mọi người cần nhận thức rõ về vấn đề này và chuẩn bị trước tâm lý để không bị mắc bẫy của kẻ lừa đảo.

Gia đình Baker cũng đang thực hiện hàng loạt biện pháp khác nhau để đảm bảo tình huống tương tự sẽ không lặp lại. CNN cho biết họ đã xóa thông tin cá nhân trên các trang mạng. Điều này sẽ khiến những người lạ khó khăn hơn trong việc tìm hiểu chi tiết về gia đình họ.

“Con trai tôi đã an toàn và tôi rất vui vì điều đó. Tuy nhiên, tôi lo rằng điều tương tự có thể xảy đến với tất cả các bậc cha mẹ khác ngoài kia trong tương lai”, Maggie Baker nói.

Robocall - cơn ám ảnh mỗi ngày của người Mỹ Đây là những cuộc gọi được ghi âm sẵn tới những số điện thoại cố định, di động nhằm thu hồi nợ tín dụng hoặc tiếp thị, nhưng cũng có không ít trong số đó là để lừa đảo.

Spam khách hàng với 300 cuộc gọi, một công ty phải đền 459.000 USD

Người phụ nữ từ bang Tennessee, Hoa Kỳ đã nhận được khoản đền bù gần 500.000 USD khi kiện công ty nội thất liên tục làm phiền mình bằng 300 cuộc gọi.




Đức Hải

Bạn có thể quan tâm