Một nhà đầu tư Trung Quốc cho biết ông đã thương lượng các thỏa thuận khai thác mỏ tiềm năng tại Triều Tiên trong vài tháng qua. Người này định chi 1,46 triệu USD vào trang thiết bị và chia sẻ rằng việc Bình Nhưỡng nối lại quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh và Washington là động lực chính cho quyết định của ông.
“Triều Tiên giàu tài nguyên khoáng sản và giá cả hiện nay tương đối thấp”, doanh nhân giấu tên nói. “Quy trình phê duyệt cũng không phức tạp như ở Trung Quốc, và chúng tôi không phải trả tất cả phí môi trường cùng một lúc”.
Tuy nhiên, quan ngại lớn nhất của ông và giới đầu tư nước ngoài vẫn là câu hỏi “khi nào thì lệnh cấm vận được dỡ bỏ?”.
“Chừng nào lệnh trừng phạt vẫn còn duy trì thì việc đưa sản phẩm tới Trung Quốc là bất khả thi và tôi sẽ không kiếm được một đồng nào”, ông chia sẻ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát nhà máy tại tỉnh Kangwon vào tháng trước. Ảnh: KCNA. |
Theo South China Morning Post, vào tháng 4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói rằng Bình Nhưỡng sẽ chuyển hướng từ phát triển vũ khí hạt nhân sang cải thiện nền kinh tế với lý do Bình Nhưỡng đã hoàn thành mục tiêu vũ khí.
Là đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố sẽ ủng hộ nước này phát triển kinh tế để cải thiện điều kiện sống. Hợp tác kinh tế cũng là một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự tại các cuộc gặp gần đây giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un.
Giới đầu tư Trung Quốc là những người đầu tiên “đánh hơi” được cơ hội kinh doanh tại Triều Tiên. Hồi tháng 3, các cố vấn chính trị tại Hồn Xuân, thị trấn biên giới ở tỉnh đông bắc Cát Lâm, đề xuất chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa để thiết lập dự án chung với Đặc khu Kinh tế Rason của Triều Tiên.
Được thành lập năm 1991, đặc khu kinh tế giáp ranh với Trung Quốc và Nga là một trong những đặc khu đầu tiên của Triều Tiên nhằm gia tăng xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, chủ yếu là từ các nước láng giềng.
Từ năm 2011, Rason tổ chức một trong những hội chợ thương mại quốc tế lớn nhất Triều Tiên. Đây là dịp các công ty trong đặc khu, doanh nghiệp trên toàn quốc và cả thương nhân nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) quảng bá và trao đổi sản phẩm, gồm nhiều loại đồ gia dụng.
Công nhân làm việc tại nhà máy dệt ở Bình Nhưỡng ngày 31/7. Ảnh: AP. |
Theo Michael Spavor, giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Paektu, hội chợ năm nay dự kiến sẽ là dịp bận rộn nhất từ trước đến nay. Paektu chuyên tư vấn kinh doanh liên quan tới Triều Tiên và đang tổ chức chuyến đi tới sự kiện trong tháng này.
“Năm nay, chúng tôi sẽ đưa tới số lượng người gấp 6 lần những năm trước”, Spavor cho biết. Ông cũng nhận định nếu tình hình chính trị năm 2017 có thể được mô tả là "khói lửa giận dữ" thì năm nay là những cái bắt tay và cái ôm thân mật.
“Nếu một vài lệnh cấm vận được dỡ bỏ, giới làm ăn Trung Quốc chắc chắn sẽ là những người đầu tiên có cơ hội hưởng lợi từ tiềm năng đầu tư và thương mại mới”.
Tuy nhiên, theo Michael Kovrig, nhà tư vấn cấp cao của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, đầu tư vào Triều Tiên vẫn còn nhiều rủi ro bởi hệ thống kinh tế dễ tổn thương.
“Môi trường kinh doanh kém phát triển, mức độ can thiệp chính trị cao và thiếu cơ sở hạ tầng khiến Triều Tiên trở thành một nơi khó đầu tư, và cũng không dễ để trao đổi thương mại. Kể cả nếu lệnh trừng phạt được giảm bớt, rất ít doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng mạo hiểm nếu không có chính phủ hỗ trợ”, ông Kovrig nhận định.