Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bất bình đẳng tàn khốc ở nơi giàu nhất Ấn Độ, ca Covid-19 vượt Vũ Hán

Phản ứng chậm của chính quyền, sự bất bình đẳng giàu nghèo quá lớn và mật độ dân số dày đặc khiến thành phố Mumbai trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Ấn Độ.

Mumbai, thành phố giàu có nhất Ấn Độ đang oằn mình trước sức nặng từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Thành phố này là thủ phủ tài chính và giải trí của đất nước, nơi tập trung các doanh nghiệp quốc tế và thế giới đầy sức hút của Bollywood, CNN cho biết.

Thành phố này cũng là trung tâm vận tải với dân số dày đặc và sự bất bình đẳng giàu nghèo rất rõ rệt, yếu tố mà các chuyên gia cho rằng là lý do khiến Covid-19 lan rộng ở mức mất kiểm soát.

Chỉ riêng Mumbai đã báo cáo hơn 50.000 ca nhiễm Covid-19, gần một phần năm tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ, nhiều hơn cả thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên. Tiểu bang Maharashtra, nơi thành phố Mumbai tọa lạc ghi nhận số ca nhiễm nhiều hơn cả Trung Quốc.

Ấn Độ xác nhận hơn 286.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó ít nhất 8.100 ca tử vong, theo Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình. Mumbai dù là thành phố giàu có, nhưng sự giàu có của nó được nắm giữ bởi một nhóm nhỏ các triệu phú, những người có đủ khả năng để điều trị tại các bệnh viện tư nhân đắt đỏ.

Trong khi đó, phần lớn bệnh nhân được đưa đến các bệnh viện công đã nhanh chóng bị áp đảo bởi số lượng người bệnh quá lớn vào tháng 4 và tháng 5. Tại các bệnh viện công, bác sĩ còn không đủ sức khỏe để chăm lo cho bản thân họ, thì làm sao có thể điều trị cho bệnh nhân.

Mumbai lỡ nhịp chống dịch

Khách du lịch, người buôn bán đến và đi từ Mumbai, với nhiều người đến từ Thái Lan, Malaysia, những nơi đã bị virus corona tấn công trước Ấn Độ.

Dai dich Covid-19 anh 1

Việc giãn cách xã hội bên trong khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ ở Mumbai gần như là điều không thể. Ảnh: New York Times.

“Rất nhiều người đã đến đây, virus đã bén rễ trong cộng đồng. Mumbai là nơi bận rộn nhất Ấn Độ”, Rajeev Sadanandan, cựu giám đốc Y tế bang Kerala, giám đốc điều hành Nền tảng chuyển đổi hệ thống y tế, một tổ chức phi lợi nhuận ở Ấn Độ nói.

Mumbai có lượng lớn lao động nhập cư, những người này đi lại từ vùng ngoại ô trên các phương tiện công cộng, tiến sĩ Deepak Baid, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Y tế cho Mumbai cho biết.

Các biện pháp phòng ngừa có thể giúp ngăn chặn sự lây lan, như theo dõi khách du lịch đến từ các vùng dịch đã không được thực hiện ở Mumbai. Khi virus bắt đầu lây lan qua các cộng đồng, các nhà chức trách mới đua nhau tìm cách phản ứng, nhưng đã quá muộn để ngăn chặn nó, đặc biệt bang Maharashtra chưa thiết lập hệ thống để theo dõi sự tiếp xúc của bệnh nhân.

“Cơ hội để ngăn chặn sự bùng phát là rất nhỏ và Mumbai đã bỏ lỡ nó”, ông Sadanandan nói.

Hàng triệu người trong khu ổ chuột

Với dân số khoảng 18,3 triệu người, Mumbai là thành phố đông dân nhất Ấn Độ. Các tuyến đường của thành phố này luôn chật cứng xe cộ. Số lượng người trên các phương tiện giao thông công cộng luôn “chật như nêm”.

Những người thuộc tầng lớp trung lưu có thể đủ khả năng sống trong các căn hộ cao cấp và thêm một chút không gian để giãn cách xã hội, nhưng cuộc sống hàng ngày bận rộn và trong các doanh nghiệp đông nhân viên thì người giàu cũng khó tránh được virus.

Dai dich Covid-19 anh 2

Mỗi căn nhà bên trong khu ổ chuột ở Mumbai là nơi ở của hàng chục người, điều kiện lý tưởng cho virus lây lan. Ảnh: New York Times.

Bà Sayli Udas-Mankikar, thành viên cao cấp của Tổ chức Nghiên cứu và Quan sát (ORF), cho biết rất nhiều tài xế, giúp việc sống trong các khu ổ chuột chật chội ở Mumbai đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, điều đó đồng nghĩa với việc họ mang virus đến nơi làm việc.

Trong các thành phố lớn của Ấn Độ, khu ổ chuột ở Mumbai là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất. Hơn 60% dân số Mumbai sống trong các khu ổ chuột, nơi có rất ít nước sinh hoạt hoặc điều kiện vệ sinh, bà Udas-Mankikar cho biết.

"Bạn đặt mọi người vào bên trong cái hộp diêm, sự lây lan không thể dừng lại, một khi có người nhiễm bệnh trong khu ổ chuột, sẽ không mất nhiều thời gian để tăng lên theo cấp số nhân”, bà Udas-Mankikar nói.

Ngày 1/4, Dharavi, một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á ở Mumbai đã xác nhận cái chết đầu tiên do Covid-19. Dharavi là nhà của khoảng 1 triệu người với mật độ dân số gấp 30 lần New York, Mỹ.

Ở thời điểm đó, Ấn Độ chỉ xác nhận khoảng 2.500 ca nhiễm trên toàn quốc, nhưng các bác sĩ cảnh báo cái chết ở Dharavi báo hiệu đợt tấn công sắp tới của đại dịch. Các nhà chức trách đã hành động, cử nhân viên y tế đến hiện trường để kiểm tra người dân để truy tìm dấu vết bệnh nhân.

Nhưng số ca nhiễm ở khu ổ chuột và rộng hơn ở Mumbai đã tiếp tục bùng nổ trong những tuần tiếp theo. Dharavi hiện ghi nhận hơn 1.900 ca nhiễm.

Bệnh viện không có thiết bị

Khi số ca nhiễm bắt đầu tăng chóng mặt vào tháng 5, các bệnh viện công đã hết thiết bị và nhân lực. “Ở một thành phố với GDP cao, bất bình đẳng cũng rất cao. Khi hệ thống của chính phủ tràn ngập bệnh nhân, phần lớn mọi người sẽ không thể tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân đắt đỏ”, ông Sadanandan nói.

Các bác sĩ của bệnh viện công cho biết tình hình đã đến mức tồi tệ nhất trong tháng 5, khi không đủ thiết bị hoặc không gian để xử lý bệnh nhân. Nhiều thiết bị bảo hộ và hỗ trợ khác được đặt hàng bởi chính quyền thành phố phải mất nhiều tuần mới đến được các bệnh viện.

Dai dich Covid-19 anh 3

Một bệnh viện dã chiến được dựng lên để đáp ứng số lượng bệnh nhân tăng chóng mặt. Ảnh: New York Times.

“Không còn giường trống, chúng tôi đang hoạt động hết công suất, tình hình ở Mumbai rất nghiêm trọng đến nỗi không có giường để điều trị cho người nhiễm Covid-19”, Abhishek Mane, bác sĩ nội trú tại Bệnh viện KEM cho biết.

Một vấn đề khác là trong khi các bệnh viện dã chiến, trung tâm phản ứng với dịch bệnh mới được xây dựng có thiết bị phù hợp, các bệnh viện công đơn giãn chỉ là điểm đến cho bệnh nhân mà không có thêm thời gian chuẩn bị hoặc vật tư cần thiết trong việc đối phó bệnh truyền nhiễm, một bác sĩ tại Bệnh viện Nair cho biết.

“Ở đây chúng tôi không có đủ khẩu trang hoặc bình oxy. Chúng tôi đang cố hết sức, nhưng khi nhiều bệnh nhân chết vì những vấn đề hành chính này thì điều đó thật tồi tệ và nó làm giảm tinh thần của chúng tôi”, tiến sĩ Baid bày tỏ sự thất vọng.

Ông cho biết thêm đối với các bệnh viện chính phủ cần có kế hoạch hành chính tốt và không nên nhầm lẫn, phải có những người có chuyên môn trong mỗi bộ phận và tầm nhìn xa đó phải có từ chính phủ.

Iqbal Chahal, Giám đốc của Brihanm ERIC City Corporation, cơ quan dân sự của Mumbai, thừa nhận đã có vấn đề trong phản ứng ban đầu. “Tôi đồng ý rằng một bộ phận bác sĩ đã quá căng thẳng, nhưng ban đầu đã có rất nhiều vấn đề xảy ra bởi vì đây là một tình huống không lường trước được và nó chưa từng có”, ông Chahal nói.

Nhưng ông đã chỉ ra một số biện pháp giảm bớt căng thẳng trong những tuần gần đây, chẳng hạn như nhập khẩu nhân viên y tế và thiết bị hỗ trợ từ các bang khác.

Bà Udas-Mankikar cũng ca ngợi các biện pháp của chính phủ, nói rằng chính quyền đã căng mình hết mức có thể. Thực tế thành phố bị áp đảo quá nhanh và rất tệ, điều đó chỉ ra bất cập trong đầu tư cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, một vấn đề đã tồn tại rất lâu từ trước đại dịch.

Các bác sĩ hy vọng điều tồi tệ nhất sắp đi qua với tình hình đang có dấu hiệu cải thiện trong những tuần gần đây. Vật tư y tế đã được tăng cường, thời gian chờ giường trống giảm từ vài ngày xuống còn vài giờ.

Hàng trăm chốt kiểm dịch đã được thiết lập trong khu ổ chuột để hạn chế tiếp xúc và ngăn chặn sự lây lan thêm. Chính phủ cũng đang cung cấp ưu đãi tài chính cho bác sĩ, y tá và sinh viên tốt nghiệp ngành y để trợ giúp các bệnh viện.

Em bé cố đánh thức người mẹ đã chết ở ga tàu Video ghi cảnh đứa bé cố đánh thức mẹ đã chết tại nhà ga bang Bihar, Ấn Độ hôm 25/5, khiến nhiều người đau xót, đồng thời gây phẫn nộ về một thảm họa nhân đạo giữa Covid-19.

New Delhi nóng nhất trong 18 năm, Ấn Độ hứng 5 thảm họa cùng lúc

Ấn Độ đang trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ một số nơi lên tới 50 độ C. Đất nước này cũng đang đối mặt với dịch bệnh, tình trạng thiếu nước, dịch châu chấu và cả lũ lụt.

Ác mộng Covid-19 bao trùm thành phố đông dân nhất Ấn Độ

Sự bùng phát đại dịch Covid-19 mà Ấn Độ từng lo sợ ở thành phố đông dân nhất đất nước đã trở thành hiện thực trong khu ổ chuột ở Mumbai, nơi việc giãn cách xã hội là không thể.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm