Daily Mail đưa tin cảnh sát Malaysia bắt các nghi phạm tại thủ đô Kuala Lumpur và bang Kedah tuần trước. Chúng thuộc một nhóm khủng bố cực đoan mới hình thành và âm mưu đánh bom tấn công các quốc gia Hồi giáo.
Tàu lặn Blufin-21 tham gia tìm kiếm ở phía nam Ấn Độ Dương ngày 14/4. Ảnh: CNN |
Các điều tra viên quốc tế, bao gồm thành viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo Anh (MI6), tham dự cuộc thẩm vấn các nghi can. Các phần tử khủng bố khoảng 22 đến 55 tuổi, bao gồm sinh viên, công nhân, doanh nhân và một góa phụ trẻ. Chúng phải trả lời nhiều câu hỏi về sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370.
Một quan chức Malaysia hôm qua nhận định vụ bắt 11 nghi can càng khiến dư luận tin phi cơ Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines biến mất do khủng bố.
“Khả năng ai đó cố ý chuyển hướng chiếc máy bay vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của cuộc điều tra. Trong khi đó, các điều tra viên quốc tế đã yêu cầu một báo cáo toàn diện về nhóm khủng bố mới”.
Quân nhân Australia trên tàu HMAS Perth tìm máy bay Malaysia trên Ấn Độ Dương hôm 10/4. Ảnh: Reuters |
Vài phần tử khủng bố thừa nhận âm mưu tấn công các địa điểm khác nhau ở Malaysia nhưng khẳng định chúng không liên quan tới phi cơ mất tích.
Tại phiên xử Sulaiman Abu Ghaith, con rể của trùm khủng bố Osama Bin Laden, vào tháng 12/2013, Saajid Badat, một kẻ chỉ điểm của mạng lưới khủng bố Al Qaeda, thú nhận, bọn chúng đã lên kế hoạch giấu bom trong đế giầy nhằm làm nổ tung máy bay Malaysia hồi năm 2001. "Tôi đem một chiếc giày chứa bom trên chiếc máy bay để phá cửa buồng lái", Badat khai.
Trong nhiều giả thuyết về sự mất tích của phi cơ Boeing 777 vào ngày 8/3, dư luận cho rằng vụ việc liên quan tới 20 hành khách trong số 239 người trên máy bay. Họ là nhân viên của Freescale Semiconductor, một công ty Mỹ sản xuất chất bán dẫn dành cho các loại vũ khí công nghệ cao và thiết bị điều hướng máy bay. 20 người này làm việc tại một số cơ sở sản xuất ở Kuala Lumpur và thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
3 tàu của Hải quân Bangladesh vừa tìm máy bay Boeing 777 ở vịnh Bengal. Ồn Rashed Ali, Giám đốc tình báo Hải quân Bangladesh, thông báo rằng đội tàu chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào. Trước đó, quyền Bộ trưởng Bộ giao thông Malaysia, ông Hishammuddin Hussein, cho biết, ông đang xem xét kế hoạch đưa tàu tới vịnh Bengal dù khả năng thấy máy bay ở khu vực này rất thấp.