Trước thềm trận đấu giữa Barcelona và Bayern Munich trong khuôn khổ vòng bảng Champions League rạng sáng 15/9, cựu Chủ tịch Bayern Uli Hoeness hâm nóng bằng màn “cà khịa” đỉnh cao. Ông không ngần ngại gọi Barca là “đội bóng đã hoàn toàn sụp đổ”.
Uli Hoeness còn khiến không ít cổ động viên Barca tức tối khi kể lại cuộc hội thoại với David Alaba. Uli Hoeness nói: “Khi Alaba thổ lộ: Giấc mơ của tôi là được thi đấu cho Barca, tôi lập tức hỏi lại: Cậu muốn được đàm phán với chủ tịch câu lạc bộ hay tổ chức đã mất khả năng thanh toán".
Chủ tịch Barcelona, ông Joan Laporta, thừa nhận khoản nợ khổng lồ của câu lạc bộ. Ảnh: Reuters. |
Khoản nợ khổng lồ
Tất cả biểu tượng tạo nên thương hiệu của Barca đều đã ra đi, để lại Nou Camp hoang tàn, với những cầu thủ già cỗi và tuyệt vọng.
Barcelona bất khả chiến bại năm nào giờ đây phải sống dựa vào Sergio Busquets đã 33 tuổi, xuống phong độ rõ rệt, phải đặt niềm tin vào những cầu thủ đến Nou Camp theo dạng chuyển nhượng tự do (Sergio Aguero, Memphis Depay, Eric Garcia). Đó không phải là Barca mà chúng ta từng biết tới.
Tuy nhiên, dàn cầu thủ kém xa chất lượng so với quá khứ mà Barca đang phô bày ra thực tế chỉ là bề nổi của vấn đề. Điều đang giết dần Barca là khoản nợ khổng lồ tích tụ lại sau quá nhiều năm.
Theo tờ Marca, khoản nợ tạm tính của Barca hiện vượt qua mốc 1 tỷ euro. Tuy nhiên, đây chỉ là con số chưa chính thức. Đội bóng đang nhờ bên thứ ba kiểm toán để đánh giá tình hình thực tế. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, con số còn có thể cao hơn nhiều, và nó thậm chí không bao gồm khoản lương mà Barca chưa trả cho cầu thủ trong giai đoạn đại dịch.
Barca đang để quỹ lương chiếm 70% doanh thu của đội bóng. Đây là con số không thể chấp nhận được đối với câu lạc bộ chuyên nghiệp. Khả năng kinh tế của Barca tồi tệ đến mức kể cả Lionel Messi đồng ý giảm lương, thì đội chủ sân Nou Camp cũng không đủ khả năng giữ anh lại.
Sự ra đi của Lionel Messi là đỉnh điểm cho cuộc khủng hoảng tại Barca. Ảnh: AFP. |
Theo quy định của La Liga, câu lạc bộ phải có giới hạn lương để chi cho cầu thủ và huấn luyện viên dựa trên sự chênh lệch giữa thu nhập và chi phí. Vậy nên, kể cả Messi có chấp nhận giảm lương 50%, Barca vẫn không thể cân đối được thu chi của đội bóng, do khoản nợ họ gánh trên đầu là khủng khiếp.
Trong nỗ lực cứu vãn tình hình tài chính bi đát, Barca đã liên kết cùng Real Madrid, Chelsea và Juventus để cố gắng tạo ra European Super League. Nếu kế hoạch này thành công, doanh thu của Barca sẽ được cải thiện đáng kể. Tiếc rằng, bom tấn ESL đã nhanh chóng “xịt”.
Tình hình có thể tiếp tục tệ đi
Trong cơn bĩ cực, Barca buộc phải thuê ngân hàng Goldman Sachs giúp họ giải quyết các vấn đề tài chính. Trong thời gian qua, Goldman Sachs đã giúp Barca bán nhiều tài sản để thu về hơn 500 triệu euro. Ngoài ra, việc đẩy Messi khỏi Nou Camp sẽ giúp quỹ lương của Barca thu nhỏ đáng kể. Liệu đây có phải là những dấu hiệu khả quan hay không?
Đáng tiếc là không. Do sự thâm hụt quá lớn về doanh thu, ngân quỹ mua sắm của Barca sẽ giảm ít nhất 47% (trong khi đó Real Madrid giảm 26% sau khi đội bóng thuyết phục các cầu thủ giảm 10% lương).
Như vậy, viễn cảnh dễ nhìn thấy nhất là Barcelona sẽ không thể mua sắm cầu thủ có chất lượng trong vài “phiên chợ” nữa. Khoảng trống mà Leo Messi để lại vẫn sẽ là vết thương giết dần Barca.
Không chỉ để lại khoảng trống trên sân, Messi chắc chắn sẽ khiến doanh thu thương mại của Barca giảm nhanh. Thứ mà các chuyên gia ngay lập tức tính ra được là doanh thu bán áo. Không còn Messi, Barca sẽ mất ít nhất 2 triệu euro tiền bán áo đấu mỗi mùa bóng.
Không nhiều người hâm mộ hào hứng với hình ảnh của Barcelona mùa này. Ảnh: Fc Barcelona. |
Hợp đồng tài trợ mà Barca ký với tập đoàn Rakuten của Nhật Bản sẽ hết hạn vào tháng 6/2021, trong khi đó hợp đồng tài trợ áo đấu của Nike cũng sẽ đáo hạn vào năm 2023. Với sức hút đã kém đi rất nhiều, liệu Barca có thể nhanh chóng kiếm được đối tác thương mại mới hay không?
Doanh thu bán vé của Barca cũng không còn được như xưa, do sức hút giảm và lệnh hạn chế của chính phủ Tây Ban Nha trong thời đại dịch. Tổng hợp lại tất cả hoạt động kinh doanh, rõ ràng là cơ hội để Barcelona hồi phục về kinh tế là rất thấp. Và nếu cứ tiếp tục chìm trong khủng hoảng kinh tế như vậy, biết đến bao giờ Barca mới trở lại như thời hoàng kim?
Kể từ sau vụ cựu Chủ tịch Josep Bartomeu bị bắt để điều tra bê bối truyền thông bẩn ở Barca, nhiều người hâm mộ đã dự cảm về tương lai không sáng sủa chờ đợi gã khổng lồ xứ Catalan.
Nhưng thực tế đang diễn ra còn tồi tệ hơn cả linh cảm xấu nhất của người hâm mộ lúc đó. Từ quyền lực lớn của bóng đá châu Âu, Barca giờ đây trở thành con nợ, đội bóng mất khả năng thanh toán, địa chỉ thiếu tin cậy của các ngôi sao hàng đầu thế giới.