Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Barca và Messi đang bị Chủ tịch Bartomeu hủy hoại

Trong tuyên bố chính thức về việc sẽ ở lại Barca, Messi vẫn không quên nhấn mạnh khả năng điều hành của Chủ tịch Josep Bartomeu là "thảm họa".

Trong tuyên bố chính thức về việc sẽ ở lại Barca, Messi vẫn không quên nhấn mạnh khả năng điều hành của Chủ tịch Josep Bartomeu là "thảm họa".

Ngoài mặt, Bartomeu tỏ ra tiếc nuối khi Messi yêu cầu được ra đi. Ông tuyên bố muốn số 10 ở lại để tiếp tục dự án tái thiết sau thảm bại trước Bayern. Song tất cả là giả dối.

Một nguồn tin thân cận với The Athletic cho rằng chính Bartomeu chứ không phải ai khác là kẻ chủ mưu bán Messi. “Các anh không hiểu ông ta bằng tôi đâu”, nguồn tin này nói.

“Tôi chắc chắn Bartomeu muốn Messi ra đi. Ông ta gây ra khoản thâm hụt ngân sách và muốn sửa chữa bằng việc bán Messi. Nếu Barca nhận 200 triệu euro từ Messi và tiết kiệm 100 triệu euro tiền lương, tài chính năm tài khóa sau sẽ cân bằng.

Tôi không loại trừ khả năng chính Bartomeu đạo diễn màn kịch này. Hoặc là Sandro Rosell. Họ là bạn cực thân của nhau”.

Bartomeu chưa bao giờ được đánh giá cao cho chức chủ tịch Barca. Khi bị tòa án điều tra vụ chuyển nhượng Neymar, người tiền nhiệm Sandro Rosell bất ngờ từ chức vào tháng 1/2014. Trước thời điểm đó, rất ít người tin Bartomeu sẽ kế nhiệm.

Sinh ra tại Barcelona vào tháng 2/1963, Bartomeu là hội viên Barca từ năm 11 tuổi, dù ông yêu bóng rổ. Ông thi đấu cho tuyến trẻ Barca trước khi chơi trung phong trong đội kình địch Espanyol.

“Ông ta không nổi bật”, một phóng viên bóng rổ tại Catalan nói về Bartomeu trong thập kỷ 1980 và 1990.

Bóng rổ đưa Bartomeu trở lại Barcelona, cũng như thiết lập mối quan hệ thân thiết với Sandro Rosell, khi hai người gặp nhau ở trường kinh doanh ESADE, nơi chắp cánh cho nhiều chính trị gia và giới doanh nhân đầu sỏ.

Hai người nằm trong đội của Joan Laporta chiến thắng cuộc đua chức chủ tịch Barca năm 2003, và Bartomeu được chân giám đốc phụ trách bóng rổ cùng bóng ném.

Ban lãnh đạo bao gồm những con ngựa bất kham, trong đó có giám đốc điều hành hiện nay của Man City là Ferran Soriano.

Sau đó, Bartomeu liên minh với Rosell trong cuộc đua với chính Laporta, và vào tháng 3/2005, ông bị tước mọi quyền hành khi Laporta phủ quyết lựa chọn HLV mới cho đội bóng rổ CLB. Laporta tuyên bố quyết định trước báo chí như động thái làm nhục Bartomeu. Chức giám đốc được bảo toàn nhưng chỉ vài tháng sau, Bartomeu cùng ba thành viên khác của ban lãnh đạo từ chức.

Sau khi Rosell thắng cuộc bầu cử chủ tịch năm 2010, Bartomeu trở lại với chức danh Phó chủ tịch.

Triều đại mới khởi đầu với nhiều quyết định gây tranh cãi, bao gồm cả việc tước bỏ chức danh chủ tịch danh dự của huyền thoại Johan Cruyff, để mời nhân vật bị nhiều người ghét là Josep Lluis Nunez.

Ban lãnh đạo mới trả thù người tiền nhiệm với cáo buộc Laporta làm thâm hụt 23 triệu euro ngân sách. Đích thân Bartomeu và Rosell làm chứng trước tòa vào năm 2014, trước khi cáo buộc này bị bãi bỏ vào năm 2017.

Khi Laporta cầm quyền, ông cố gắng đổi mới Barca theo hướng mạo hiểm và táo bạo hơn, thứ mà sau này nhiều người gọi là Laportismo hay Chủ nghĩa Laporta.

Trong khi đó, Rosell đi theo khuynh hướng bảo thủ của Nunez trước đây, cố gắng đưa mọi việc trở lại theo lề thói cũ.

Vì vậy khi Sandro Rosell lên cầm quyền, mọi thứ thuộc về Laportismo, Cruyffismo hay Guardiolismo mà những người thuộc ba thế hệ này dày công xây dựng suốt 10 năm, bị phá hủy hoàn toàn.

Bartomeu gần như đứng trong bóng tối cho đến một buổi sáng tháng 1/2014, khi chủ tịch Rosell đột ngột từ chức.

Tất cả đồng ý rằng Bartomeu sẽ tiếp quản chiếc ghế đó bởi ông là người bạn thân nhất của Rosell và có quan điểm trong mọi vấn đề gần như tương đồng với người tiền nhiệm.

Trong những năm đứng trong bóng tối, phần nào đó Bartomeu cũng chứng minh được cá tính của mình, dù có thông tin cho rằng khi ấy, Bartomeu không thật sự muốn kế nhiệm Rosell.

Ngày đầu làm chủ tịch của Bartomeu diễn ra trong phòng họp báo có mặt Raul Sanllehi, người vừa từ chức giám đốc bóng đá Arsenal sau một nhiệm kỳ gây tranh cãi, để bảo vệ quyết định chiêu mộ Neymar từ Santos.

Sanllehi trả lời các câu hỏi về tài chính, cố lý giải rằng Barca không hề lộ chi tiết điều khoản thanh toán với gia đình Neymar. Sau đó, đến lượt Bartomeu xử lý các câu hỏi thuộc về cảm xúc. “Chúng tôi không dối trá”, ông nói. “Bóng đá được định đoạt trên sân đấu chứ không phải sau những cánh cửa đóng kín. Chúng ta đã mất Alfredo Di Stefano sau những cánh cửa kín mít, nhưng không thể tiếp tục đánh mất Neymar”.

Những tháng sau đó, Bartomeu cố gắng chứng tỏ ông, Barcelona và Rosell không làm gì sai trong vụ chuyển nhượng. Ông cố gắng chứng minh có các thế lực căm ghét vụ Neymar, căm ghét xứ Catalonia và đội bóng, cố gắng làm hại ông và các nhân vật liên quan.

Bartomeu lặp lại điều này khi các công tố viên yêu cầu bỏ tù ông 2 năm 3 tháng cùng án phạt 3,8 triệu euro. Sau cùng, Bartomeu dàn xếp thành công với đám công tố: thừa nhận rằng CLB có các sai sót trong chuyển nhượng, nhưng những nhân vật liên quan đều trắng án.

Sau thất bại của triều đại Tata Martino, Bartomeu sa thải nhà cầm quân này và Giám đốc thể thao Andoni Zubizarreta, bổ nhiệm Luis Enrique lên thay thế.

Bộ ba MSN gồm Messi, Suarez, Neymar mang về cú ăn ba, tạo nên thông điệp cho cuộc bầu cử tiếp theo: “Cây đinh ba và cú ăn ba”.

Bartomeu tái đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu 54,63%. Trong khi đó, Laporta chỉ giành 33,03% phiếu.

Barca rất tự hào về mô hình do CĐV làm chủ với 110.000 hội viên đóng góp kinh phí và xây dựng các chính sách cho CLB. Họ có quyền tham gia bầu chủ tịch 6 năm một lần, góp tiếng nói xây dựng các quy chế, định hướng phát triển cho đội bóng.

Trong bối cảnh bóng đá bị ăn thịt bởi các ông chủ Trung Đông, những tài phiệt Nga bí ẩn, những tập đoàn Mỹ nổi tiếng thực dụng, mô hình của Barca tạo cảm giác dân chủ và minh bạch. Càng đáng nói hơn khi ở Real Madrid, Perez làm độc tài, dương dương tự đắc khi không có đối thủ trong cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2017.

Nhưng có một thực tế: các hội viên được quyền bầu chủ tịch nhưng không có quyền tham gia chọn các giám đốc cho đội bóng. Những người này do Chủ tịch chọn sau khi đắc cử, hoặc được bổ nhiệm giữa nhiệm kỳ. Kể từ khi tái đắc cử vào năm 2015, Bartomeu thâu tóm mọi quyền lực.

Ông càng nắm nhiều chức vụ hơn sau khi Susano Monje từ chức phó chủ tịch phụ trách tài chính vào tháng 11/2016, và Jordi Mestre từ chức phó chủ tịch phụ trách thể thao vào năm 2019.

Sự hỗn loạn có thể thấy được ở vị trí giám đốc thể thao. 6 năm thời Laporta, Barca chỉ dùng một giám đốc thể thao là Txiki Begiristain. Rosell bổ nhiệm Zubizarreta, người bị chính Bartomeu sa thải. Kể từ đó, 4 người kế nhiệm ở vị trí này là Robert Fernandez, Pep Segura, Eric Abidal và Ramon Planes.

Nhưng những giám đốc thể thao này gần như chỉ là bù nhìn, vì Bartomeu tham gia trực tiếp vào khâu chuyển nhượng. Ông kiên trì theo đuổi Antoine Griezmann dù bị từ chối vào năm 2018. Ông đến Amsterdam vào tháng 1/2019 để thuyết phục Frenkie de Jong chọn Barca thay vì Man City, sau khi Pep đã nói chuyện với chàng tiền vệ trẻ.

Các hội viên không hề được biết điều gì thật sự đang diễn ra. Rosell ngồi tù 20 tháng vì tội rửa tiền trước khi được tha bổng vào năm 2019, nhưng vào tháng 6/2020, bất ngờ nói rằng ông muốn duy trì ảnh hưởng ở Camp Nou.

“Bạn phải nhớ rằng ban bệ đang điều hành cùng Bartomeu là của Rosell dựng lên”, một nguồn tin nội bộ trả lời The Athletic. “Bartomeu là bạn thân của Rosell, đã giữ lại 80% nhân sự nhiệm kỳ cũ. Nhiều người tin rằng Rosell có nhúng tay trong việc làm ăn”.

Bartomeu thường xuyên trả lời phỏng vấn trên các kênh truyền thông Catalonia, nhưng không có nghĩa người hâm mộ và hội viên hiểu được nội tình. Sự thân thiện với báo chí tạo ra ấn tượng tốt, nhưng có gì đó không ổn ẩn sau những nụ cười.

“Bartomeu không thích chiếm sóng”, một nguồn tin nói. “Ông ta rất thân thiện trước đám đông nhưng không thật sự là người chân thành. Có nhiều thứ bị ẩn giấu. Rất khó đoán trước ông ấy nghĩ gì và làm gì. Đại loại, đó không phải người cởi mở”.

Sau khi làm công việc của một Giám đốc thể thao, Bartomeu kiêm luôn việc đàm phán hợp đồng với các cầu thủ trong đội. Nhưng một tình thế dở khóc dở cười diễn ra: Bartomeu đãi ngộ các công thần rất tốt, nhưng họ lại căm ghét ông.

Năm 2016, tiền vệ Sergio Busquets khẳng định anh sẽ đến Man City nếu Bartomeu không giữ lời hứa tăng lương cho anh. “Tôi hy vọng chủ tịch giữ lời”, Busquets nói vào tháng 2/2016.

Một giao kèo mới được thống nhất 7 tháng sau đó, với mức lương tăng lên 14 triệu euro/năm cho Busquets. Và nó khởi đầu cho trào lưu đòi tăng lương của các cầu thủ còn lại.

Cuộc đàm phán hợp đồng với Andres Iniesta diễn ra suốt năm 2017. Người đội trưởng nổi tiếng trung thành và chính trực lên tiếng phản bác tuyên bố của Bartomeu rằng hai bên đã đạt được “cam kết trọn đời”.

Tháng 10 năm đó, Iniesta gia hạn hợp đồng, nhưng những bất đồng nội bộ khiến anh không muốn tiếp tục. Anh bỏ sang Nhật đá cho Vissel Kobe vào tháng 6/2018.

Cầu thủ thể hiện sự căm ghét với Bartomeu khi đặt cho ông biệt danh “Nobita”. Đó là một nhân vật trong loạt truyện tranh Nhật Bản Doraemon. Bartomeu tiếp nhận với thái độ hài hước, khi trả lời trên Barca TV: “Vẻ bề ngoài đúng là giống thật”.

Các cựu binh lần lượt rời bỏ Barca vì bất mãn với Bartomeu. Sau khi Dani Alves sang Juventus vào năm 2016, Bartomeu trả lời một cuộc phỏng vấn về lý do ra đi: “Vấn đề cá nhân mà chỉ cậu ấy, vợ cậu ấy và tôi biết”. Sau đó, Alves đáp trả trên mạng xã hội: “Bartomeu là đồ dối trá”.

Hè năm ngoái, CLB thất bại trong nỗ lực gia hạn hợp đồng với Ivan Rakitic, cầu thủ trước đó cũng được hứa cho một bản hợp đồng mới. Sau khi Bartomeu bị CĐV la ó trên sân Camp Nou trước trận gặp Eibar ở La Liga, Rakitic trả lời phỏng vấn: “Ai cũng có quyền cất lên tiếng nói của mình”.

Các trụ cột như Pique, Busquets, Jordi Alba, Xavi, Iniesta đều được đãi ngộ rất hậu nhưng không ai đứng về phía Bartomeu. Ông cho Messi tiền bạc và quyền lực, đổi lại là Messi cũng muốn ra đi. Xavi thì từ chối dẫn dắt Barca chừng nào Bartomeu còn làm chủ tịch.

Trả lương cao khiến áp lực tiền bạc đè nặng lên Barca. Bartomeu cố gắng trấn an rằng doanh thu mùa này vẫn ổn dù dịch Covid-19 lấy đi mọi nguồn thu. Nhưng khi ông yêu cầu cầu thủ giảm lương để hỗ trợ CLB, Messi và Pique cố chứng minh trên Instagram rằng đội bóng không hạnh phúc: cầu thủ bị giảm lương còn thành viên ban lãnh đạo thì không?

Trường hợp của Messi đúng như những gì diễn ra với cầu thủ khác. Hợp đồng gần nhất được ký kết vào năm 2017 trị giá gần 50 triệu euro mỗi năm sau thuế. Thậm chí, nó còn bao gồm thỏa thuận bí mật cho phép Messi đơn phương ra đi sau mỗi mùa giải. Nhưng nó không giúp tăng thiện cảm cho Bartomeu lên chút nào.

Mùa 2019/20, Bartomeu dự định soạn lại bổn cũ của mùa 2014/15, khi vụ sa thải Andoni Zubizarreta trở thành chất xúc tác khiến đội bóng có thêm động lực thi đấu để đi đến cú ăn ba năm đó, cũng như giúp Bartomeu báo cáo công trạng dễ hơn ngay trước cuộc bầu cử chủ tịch.

Tháng 1/2020, ngay sau thất bại trước Atletico Madrid ở trận Siêu cúp Tây Ban Nha, Bartomeu đưa ra một quyết định quan trọng khác: sa thải Ernesto Valverde. Tuy nhiên, nó không giải quyết được vấn đề như ông lầm tưởng.

Messi lời qua tiếng lại với Giám đốc Abidal trên mạng xã hội, trong khi tân HLV Quique Setien chịu các thất bại liên tiếp: bị Bilbao loại khỏi Copa del Rey, dễ dàng để Real Madrid vượt mặt trong cuộc đua La Liga, và rồi thua trận lịch sử trước Bayern ở Champions League.

Bartomeu đã định làm gì đó cho cuộc bầu cử chủ tịch vào mùa hè 2021 nhưng dường như thời vận đã qua. 6 thành viên ban lãnh đạo đồng loạt từ chức, bao gồm Emili Rousaud, do chính Bartomeu bổ nhiệm năm 2015, và được nhận định là chủ tịch tương lai của CLB. 5 người còn lại đều làm ở các vị trí liên quan đến tài chính.

Vụ “Barcagate” là quả bom tồi tệ nhất. Barca được cho là đã thuê một công ty sử dụng mạng xã hội để hạ bệ các đối thủ của ban lãnh đạo hiện tại bao gồm cả những huyền thoại của chính họ: Guardiola, Carles Puyol, và Xavi, cùng Pique và Messi, cũng như hai ứng viên của cuộc bầu cử sắp tới, Benedito và Victor Font.

Vụ việc cho thấy sự chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ khi họ dùng thủ đoạn hãm hại nhau. Đối thủ của Barca không còn là Florentino Perez ở Madrid, hay chủ tịch cũ Laporta giờ đã chẳng còn quyền thế. Đối thủ lại là chính những người đồng nghiệp cũ, các huyền thoại trong quá khứ và hiện tại của CLB.

Bartomeu xử lý vị trí của 6 giám đốc bằng việc bổ nhiệm những người bạn thân quen lâu năm lên thế chỗ. Nhưng “Barcagate” khiến cho niềm tin dành cho Bartomeu sụp giảm nghiêm trọng.

Ông bác bỏ ý tưởng đổi tên sân Camp Nou thành Cruyff, và khẳng định đội bóng có kế hoạch bán tên sân. Bất cứ ai có mối liên hệ đến Cruyff, Larpota, Guardiola đều né Bartomeu.

Từ Qatar, Xavi không giấu ước mơ dẫn dắt Barca, nhưng lại từ chối lên thay Valverde hồi tháng 1. Puyol nhận một vị trí dưới quyền Bartomeu rồi nhanh chóng từ chức, sau khi người bạn thân Zubizarreta bị sa thải, và gần đây đăng thông điệp ủng hộ Messi. Abidal và Patrick Kluivert nhận lời nhưng không ai trưởng thành từ La Masia.

Chỉ mình Koeman đáp lại cuộc gọi của Bartomeu, gật đầu trở thành HLV thứ 5 của đội 1 Barca trong nhiệm kì 6 năm rưỡi của Bartomeu. Ông là người thực thi các quyết định của Bartomeu, khi mới đây gọi điện cho Suarez, tay săn bàn xuất sắc thứ ba lịch sử CLB, thông báo rằng anh không còn suất trong đội hình.

Bàn tay sắt của Koeman cũng sẽ đẩy Messi đi khỏi Barca, thực chất được tin rằng chính là ý tưởng do Bartomeu đề xướng.

Ngay sau trận thảm bại trước Bayern ở Champions League, Gerard Pique đã trả lời phỏng vấn thẳng thắn và không kiêng nể bất cứ ai: “CLB phải thay đổi và lỗi không hoàn toàn thuộc về HLV hay cầu thủ”, Pique nói. Vấn đề chính nằm ở ban lãnh đạo.

Trong đêm đó tại Lisbon, Bartomeu được hỏi trên sóng truyền hình Tây Ban Nha rằng, liệu ông có kêu gọi một cuộc bầu cử bất thường ở giai đoạn này không. Ông trả lời: “Tôi hiểu nỗi đau của CĐV sau thất bại, nhưng đây không phải lúc thích hợp để tổ chức một cuộc bầu cử. Barca đang gặp cuộc khủng hoảng về bóng đá chứ không có cuộc khủng hoảng nào về thể chế”.

Sau khi Messi tuyên bố muốn ra đi, làn sóng chống lại Bartomeu càng dữ dội. Các CĐV tụ tập bên ngoài Camp Nou hô vang: “Bartomeu hãy từ chức ngay”. Hai ứng viên Chủ tịch của quá khứ và tương lai là Jordi Farre và Font cầm đầu một nhóm hội viên thu thập chữ ký kêu gọi Bartomeu từ chức.

Nhưng Bartomeu không thay đổi quan điểm của mình: “Từ chức ngay lúc này thì quá dễ. Song đây chưa phải thời điểm phù hợp”.

Theo quy chế của Barca, nếu xảy ra một cuộc bầu cử bất thường, đội bóng sẽ có 3 tháng thu thập ý kiến của 110.000 hội viên. Trong thời gian đó, sẽ có ban lãnh đạo tạm quyền điều hành CLB, đảm bảo các khoản thu chi, nhưng không được ra các quyết định quan trọng như sa thải/thuê HLV, mua bán cầu thủ. Đặt đội bóng vào tình cảnh đóng băng ở giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh hiện nay là quá mạo hiểm.

Bartomeu đang cầm cự đến cuộc họp hội đồng quản trị gần nhất, và một khi vẫn giữ được ghế thì ban lãnh đạo của ông vẫn đủ quyền lực thực thi các thương vụ quan trọng, bao gồm cả làm đẹp sổ sách thu chi. Messi nằm trong ván bài này với hy vọng mang về cho Barca một khoản tiền lớn để bù vào thâm hụt, trước khi Bartomeu báo cáo lên hội đồng quản trị.

Bất chấp dịch Covid-19, các thương vụ vẫn diễn ra. Barca đã đồng ý chi 50 triệu euro cho các cầu thủ mới là Francisco Trincao từ Braga, Pedri từ Las Palmas và Matheus Fernandes từ Valladolid. Sau đó, vụ trao đổi kì lạ Arthur – Miralem Pjanic diễn ra vào tháng 7, với mục đích không gì khác là cắt giảm quỹ lương để bù đắp thâm hụt. Nhiều tin đồn cho rằng, Barca còn chi 80 triệu euro nữa cho Lautaro Martinez từ Inter.

Khoản ngân sách trên 600 triệu euro đã được dự trù để cải tạo Camp Nou khi Barca đồng ý hợp tác với Goldman Sachs, nhưng nó cần được phê duyệt trong đại hội cổ đông vào mùa thu năm nay. Ban lãnh đạo mới có thể đồng ý hoặc phủ quyết kế hoạch này, nhưng triều đại của Bartomeu chỉ cố gắng đẩy nó đi xa nhất có thể trước khi ra đi.

Khi Messi gửi bản burofax yêu cầu ra đi nghĩa là anh đã bắn một mũi tên không thể lấy lại. Messi trở thành quân bài trong ván cờ của Bartomeu, mang ý nghĩa cứu vãn sổ sách tài chính trong nhiệm kỳ hiện tại, khi Bartomeu và các cộng sự hiểu rằng họ không còn nhiều thời gian để hoàn tất các báo cáo tài chính, trước ngày bị phế truất.

Một lần nữa, những gì đang xảy ra hiện nay vẫn không đi theo bất cứ một kế hoạch có trước nào.

Ngay từ đầu, Bartomeu đã không hào hứng ngồi vào chiếc ghế Rosell để lại. Việc ông làm dường như luôn là tìm cách dập tắt các đám cháy trước mặt mỗi khi nó xuất hiện.

Sự kiên nhẫn trụ lại đến cùng vào lúc này cũng có thể là một phẩm chất. Nhưng có thể, Bartomeu sẽ bị chính những đám cháy này thiêu đốt mà thôi.

'Thật xấu hổ nếu để Messi tự do rời Barca' Người hâm mộ Barca cảm thấy nuối tiếc vì Lionel Messi không hội quân trước mùa giải mới và quyết tâm rời đội bóng xứ Catalonia trong hè này.

Barca có thể mất tất cả vì gây chiến với Messi

Truyền thống và lịch sử trong bóng đá được bán với giá như thế nào? Với Barca, 300 triệu euro là đủ.

Messi sẽ rơi mặt nạ khi rời Barca

“Messi rất giỏi, nhưng cậu ta chơi hay vì được hỗ trợ bởi những đồng đội xuất sắc. Nếu phải chọn giữa Messi và Cristiano Ronaldo cho một đội bình thường, ông sẽ chọn ai?".

Đỗ Hiếu

Bạn có thể quan tâm