Khi khủng hoảng tiền đạo, Barca chọn phương án ký hợp đồng với một cái tên xa lạ Martin Braithwaite. Lúc này, câu hỏi những sản phẩm của La Masia trứ danh đang ở đâu lại được đặt ra.
Mùa giải 2019/20, 5 cầu thủ trẻ từ La Masia được đôn lên đội một Barca. Song, một mình Ansu Fati để lại được dấu ấn khi liên tục lập các kỷ lục ở La Liga cũng như Champions League. Từ chỗ không được định giá, tiền đạo trẻ giờ có giá trị 40 triệu euro (theo Transfermarkt) sau 3 tháng.
Sau thế hệ của Lionel Messi, Gerard Pique, sản phẩm duy nhất của lò La Masia giành được chỗ đứng ở đội một chỉ có Sergi Roberto. Lò đào tạo trẻ từng được đánh giá hàng đầu châu Âu, cho ra đời một thế hệ thống trị nền bóng đá lục địa già đang dần bị quên lãng.
Thời hoàng kim của La Masia
Năm 2008, HLV Pep Guardiola chính thức tiếp quản Barca từ Frank Rijkaard. Kể từ đó, chiến lược gia người Tây Ban Nha đưa đội bóng này từ thành công này đến chiến tích khác. Trong 4 năm HLV Guardiola nắm quyền, Barca giành 2 chức vô địch Champions League, 3 La Liga cùng hàng tá kỷ lục vô tiền khoáng hậu khác với lối đá tiki-taka trứ danh.
Ba học viên xuất sắc của La Masia chiếm 3 vị trí cao nhất trong cuộc bình chọn FIFA Ballon D'Or 2010. Ảnh: FC Barcelona. |
Trong chiến thắng 4-0 trước Levante ở La Liga vào năm 2012, Barca lần đầu ra sân với đội hình gồm 11 cầu thủ xuất thân từ lò La Masia. Đó là Victor Valdes, Martin Montoya, Carles Puyol, Gerard Pique, Jordi Alba, Sergio Busquets, Andres Iniesta, Xavi Hernandez, Cesc Fabregas, Pedro Rodriguez và Lionel Messi. "Los Blaugrana" làm chủ hoàn toàn thế trận với tỷ lệ kiểm soát bóng là 82% và tỷ lệ chuyền chính xác lên đến 92%.
Trước đó 2 năm, 3 ứng cử viên cuối cùng cho FIFA Ballon D'or đều là những người xuất thân từ La Masia: Messi, Xavi và Iniesta. Sau đó, danh hiệu này thuộc về ngôi sao người Argentina. Lúc đó, tỷ lệ cầu thủ từ La Masia ở đội một Barca lên đến 68%, một con số khủng khiếp.
Không chỉ ở Barca, La Masia còn tạo được sự ảnh hưởng của mình lên đội tuyển Tây Ban Nha. Dưới thời HLV Vicente Del Bosque, "La Roja" giành chức vô địch World Cup 2010 và Euro 2012 với lối đá tiki-taka quyến rũ.
Những cầu thủ trưởng thành từ La Masia như Pique, Alba, Busquets, Fabregas, Xavi, Iniesta cũng là trụ cột của tuyển Tây Ban Nha giai đoạn đó. Trong 2 trận chung kết đó, Iniesta ghi bàn quyết định vào lưới tuyển Hà Lan, còn Alba khiến Italy hết cơ hội khi nâng tỷ số lên 2-0.
Cú ra chân của Iniesta mang về chức vô địch World Cup 2010 cho Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images. |
Ở bình diện châu Âu, nhiều câu lạc bộ cũng có khả năng đào tạo trẻ tốt như Ajax Amsterdam (Hà Lan) hay Benfica (Bồ Đào Nha). Tuy nhiên, phần lớn cầu thủ trưởng thành từ đó có xu hướng chuyển sáng các đội bóng mạnh hơn. Với La Masia, họ làm được điều đặc biệt khi giúp Barca và tuyển Tây Ban Nha gặt hái nhiều thành công dựa trên bộ khung trưởng thành từ lò đào tạo. Song, chu kỳ thành công này không tồn tại mãi mãi.
Đoạn buồn của La Masia dưới thời Bartomeu
Ở bán kết Champions League mùa giải 2012/13, Barca bị Bayern Munich nghiền nát với tổng tỷ số 0-7 sau 2 lượt trận. Một năm sau, tại World Cup 2014, nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha bị loại ngay từ vòng bảng. Những thất bại đó cho thấy tiki-taka có dấu hiệu bị bắt bài.
Sau đó, dưới thời HLV Luis Enrique, Barca thay đổi với những sự bổ sung chất lượng là Ivan Rakitic, Luis Suarez và Neymar. Nhờ đó, họ lại bước lên đỉnh châu Âu vào mùa giải 2014/15.
Mọi chuyện dần tệ hơn từ năm 2016, thời điểm Josep Maria Bartomeu trở thành tân chủ tịch của Barca. Khác với những người tiền nhiệm là Joan Laporta hay Sandro Rossell, Bartomeu ưa thích việc đem về những hợp đồng bom tấn.
Coutinho là bản hợp đồng bom tấn thất bại của Barca. Ảnh: FC Barcelona. |
Trong 4 mùa giải vừa qua, Barca lỗ gần 320 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng. Bù lại, Bartomeu lại kiếm cho Barca những hợp đồng béo bở từ Nike hay Qatar.
Những bom tấn như Philippe Coutinho, Malcom, Ousmane Dembele không mấy thành công. Trong khi đó, Antoine Griezmann hay Frenkie de Jong cần thêm thời gian để khẳng định. Ở chiều hướng ngược lại, nhiều tài năng triển vọng thuộc La Masia như Gerard, Deulofeu, Cristian Tello... buộc phải ra đi. Thật khó để họ có thể cạnh tranh với những ngôi sao đã thành danh ở đội bóng khác.
Với chính sách này, ông Bartomeu bị chính cựu chủ tịch Laporta chỉ trích: "Ông Bartomeu đang nằm trong sự điều khiển của người Qatar và sẽ phá hủy lò đào tạo La Masia". Mới đây, Bartomeu còn khiến nội bộ Barca dậy sóng vì những vấn đề bên ngoài sân cỏ. Thậm chí, Pique còn gọi đương kim chủ tịch này là "con rối".
Ông Bartomeu bị cựu chủ tịch Laporta chỉ trích nặng nề. Ảnh: FC Barcelona. |
Năm 2018, lần đầu tiên sau 16 năm Barca ra sân mà không có cầu thủ trưởng thành từ học viện hoặc là người bản địa nào. Đội hình đó gồm Ter Stegen, Semedo, Yerry Mina, Thomas Vermaelen, Lucas Digne, Paulinho, Andre Gomes, Denis Suarez, Ousmane Dembele, Paco Alcacer và Coutinho. Lúc này, tỷ lệ cầu thủ thuộc La Masia ở đội một Barca chỉ còn 36%.
Cuộc tháo chạy của những mầm non
Tháng 5/2019, bóng đá thế giới chứng kiến cuộc lội ngược dòng lịch sử của Liverpool trước Barca trên sân Anfield. Đây là lần hiếm hoi người ta thấy hàng tiền vệ "Los Blaugrana" lép vế đến vậy.
Ở trận đấu này, độ tuổi trung bình của Barca, Liverpool lần lượt là 29,5 và 26 tuổi. Rõ ràng, đội bóng Tây Ban Nha cần một sự tươi mới. Người hâm mộ đội bóng này lại tranh cãi về việc bổ sung sẽ đến từ đâu, những bom tấn hay mầm non từ vườn ươm La Masia.
Trong số 14 cầu thủ Barca được ra sân ngày hôm đó, Sergi Roberto là người trẻ nhất được đôn lên từ La Masia. Tuy nhiên, điều đáng buồn là anh đã ra mắt từ năm 2010.
Sergi Roberto, học viên gần nhất của La Masia chắc suất ở đội một đã ra mắt được 10 năm. Ảnh: FC Barcelona. |
"Với Barca, bạn cần tài năng lớn để khoác áo đội một. Không phải lúc nào cũng tìm được những cầu thủ như vậy ở học viện để đủ sức thích nghi với áp lực ở một đội bóng luôn phải cạnh tranh danh hiệu trong nhiều mùa giải", Damia, cựu cầu thủ và giờ là HLV đội U18 Barca, chia sẻ.
"Bên cạnh đó, các nhà tuyển trạch tại châu Âu luôn để mắt đến những tài năng của Barca khi họ tròn 16 tuổi. Các cầu thủ giỏi đã rời đi có thể kể đến là Eric Garcia (Man City, 2017), Jordi Mboula (Monaco, 2017) và Sergio Gomez (Dortmund, 2018)". Damia nói thêm
Chiến lược gia này thừa nhận việc giữ chân những tài năng này là không dễ dàng. Các câu lạc bộ sẵn sàng chi nhiều tiền và trao cho họ cơ hội ra sân thường xuyên. Còn Barca không hề muốn đánh cược với cầu thủ trẻ.
Bằng chứng rõ ràng nhất là trường hợp của Xavi Simons, tiền vệ sinh năm 2003 của La Masia. PSG không ngần ngại trả cho anh mức lương 1 triệu euro/mùa, con số đáng mơ ước với một cầu thủ tuổi teen.
La Masia vẫn sản sinh được những tài năng trẻ chất lượng. Tuy nhiên, so với những gì mà thế hệ Messi, Pique, hay ít nhất là Roberto thể hiện, những mầm non ở tại đây vẫn chưa đáp ứng được. Munir El Haddadi, người ghi đến 11 bàn để giúp Barca vô địch UEFA Youth League 2014, giờ thuộc biên chế của Sevilla.
4 năm sau thế hệ của Munir, Barca lại vô địch giải trẻ châu Âu một lần nữa. Song, họ vẫn không nhận được sự chú ý từ đội một. Oscar Hernandez, HLV các đội trẻ Barca từ năm 2007 đến 2017 cho biết ban lãnh đạo ưa thích việc ký hợp đồng từ bên ngoài hơn là tận dụng, phát triển tài năng trẻ đang có.
Sau chuỗi ngày bị bỏ quên ở Barca, Grimaldo ra đi và tìm được chính mình ở Benfica. Ảnh: Getty Images. |
2 trường hợp nổi bật là Takefusa Kubo và Alex Grimaldo. Cầu thủ người Nhật Bản vốn là sản phẩm của La Masia, nhưng anh lại bị "bỏ quên" và giờ khoác áo Real Madrid.
Trong khi đó, Grimaldo mắc kẹt ở Barca B vài mùa và quyết định chuyển sang Benfica ở phiên chợ đông 2015. Tại đây, anh giành 3 chức vô địch quốc gia Bồ Đào Nha và được Transfermarkt định giá 32 triệu euro lúc này. Với HLV Hernendez, Grimaldo hoàn toàn đủ sức thay thế Alba trong tương lai, nhưng Barca không tin tưởng.
Hiện tại, ngoài Ansu Fati khẳng định được giá trị, HLV Damia còn chỉ ra những cái tên khác đủ tiềm năng để gánh vác Barca trong tương lai. Đó là Carles Perez, Riqui Puig, Ilaix Moriba và Carles Alena. Tuy nhiên, khi Chủ tịch Bartomeu còn tại vị, cơ hội khẳng định mình của những tài năng này vẫn còn là một dấu hỏi.