Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Barca học được gì từ thảm họa Anfield?

Barcelona dẫu sao cũng không còn lạ lẫm gì với việc thất bại trong cuộc chiến tranh vé vào chung kết Champions League. Điều quan trọng là họ rút ra được bài học gì?

Thế giới coi trận đại bại ở Anfield là dấu hiệu cho sự sụp đổ của Barcelona. Tuy nhiên, đây có vẻ như là những quan điểm được nâng cao thái quá. 3 mùa gần đây, Barca đều dừng bước từ tứ kết Champions League, thì việc tiếp tục không vào nổi chung kết mùa này về cơ bản cũng mang lại cảm giác thất vọng y như 3 năm gần đây.

Cứ nhìn sang đại kình địch Real Madrid mà học hỏi. Real từng trải qua 11 mùa liên tiếp không vào được chung kết Champions League, trong đó có tới 6 mùa liền thậm chí dừng bước từ vòng 1/8. Họ nung nấu khát khao và trở lại vô cùng hoành tráng bằng cú hat-trick vô địch.

Vậy nên, điều quan trọng là Barca đã học được những gì từ thảm họa Anfield rạng sáng 8/5? Theo tờ Marca, có 4 bài học mà đội chủ sân Nou Camp cần thấm nhuần.

Barcelona thua tham truoc Liverpool anh 1
Một mình Messi làm sao đối chọi lại 11 chiến binh của Liverpool? Ảnh: Metro.

Ngừng hỏi “Messi ở đâu”

Tờ Mundo Deportivo mang tới cho độc giả một thống kê vô cùng thú vị: Người hâm mộ (NHM) Barca cứ trung bình 71 giây lại nhắc đến tên Messi một lần trong bài tường thuật trực tiếp trên Mundo Deportivo.

Chiến thắng của Liverpool là tuyên ngôn mạnh mẽ về sức mạnh của tập thể, trong khi đó Barca hễ thua trận lại đòi hỏi và trách móc Messi phải làm một điều gì đó. Barca từng trách móc, mỉa mai đội tuyển Argentina quá phụ thuộc vào Messi nhưng rồi, họ lại biến bản thân thành một phiên bản khác của vũ đoàn Tango.

Người hâm mộ Barca hãy nhớ Messi chỉ là thiên tài chứ không phải siêu nhân. Hơn thế nữa, thực tế là trước Liverpool, Messi cũng thực hiện 3 đường chuyền có thể chuyển hóa thành bàn thắng, nhưng các đồng đội của anh đã bỏ lỡ. Vậy rốt cuộc anh đáng trách ở điểm nào?

Barcelona thua tham truoc Liverpool anh 2
Mohamed Salah dù không thi đấu vẫn góp thêm ngọn lửa tinh thần cho các đồng đội. Ảnh: Milenio.

Thái độ quan trọng hơn trình độ

Có hình ảnh đối nghịch hoàn toàn đã xuất hiện tại Anfield: Mohamed Salah không thể ra sân, nhưng vẫn góp sức thổi tinh thần chiến đấu cho các đồng đội bằng việc mặc chiếc áo in dòng chữ “Never give up” (không bao giờ bỏ cuộc).

Trong khi đó, Barca có lợi thế 3 bàn dẫn trước Liverpool nhưng lại chơi bóng hời hợt, thậm chí có không ít thời khắc giễu cợt đối thủ. Hình ảnh Arturo Vidal một mình chống lại cả tập thể Liverpool khiến nhiều người giận dữ và thất vọng. Tấn công thì phó mặc cho Messi, chiến đấu thì đổ dồn trọng trách lên vai Vidal, phần còn lại của Barca phải chăng không còn khát vọng chơi bóng hay sao?

Tờ AS cho rằng Barca đã quen với vị thế cửa trên, và những trận đấu như dạo chơi tại La Liga nên không rèn luyện cho chính họ thái độ thi đấu chuyên nghiệp, máu lửa. Tuy nhiên, lời bao biện vụng về đó không lọt tai giới chuyên môn.

Truyền thông Tây Ban Nha lại cho rằng Barca đã thành công quá dễ dàng nhờ lứa cầu thủ thiên tài. Từ những thành công đó, họ tạo dựng được vị thế độc tôn và dễ dàng hút thêm nhiều siêu sao đến với Nou Camp. Thành công cứ như được lập trình sẵn khiến Barca thậm chí chẳng buồn lo lắng đến thời khắc chuyển giao thế hệ.

Barca luôn nghĩ thế giới kính nể và kinh sợ họ. Hy vọng rằng những thất bại như trước Liverpool sẽ đưa gã khổng lồ xứ Catalonia thoát khỏi sự ảo tưởng đó để bắt đầu nung nấu lại khát khao.

Barcelona thua tham truoc Liverpool anh 3
Barca cần thêm nhiều ngọn lửa chiến đấu như Arturo Vidal. Ảnh: Reuters.

Bóng đá không phải sân khấu

Một trong những cú đánh chí mạng mà Liverpool dành cho Barcelona chính là cách tiếp cận bằng sức mạnh và sự máu lửa. Trước đối thủ dường như không có gì ngoài thể lực, Barca lộ ra là đội bóng yếu ớt về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cả 3 lần gần nhất Barca bị đối phương lội ngược dòng tại Champions League (trước Atletico Madrid mùa 2015/16, Roma mùa trước và Liverpool mùa này), họ đều bị choáng ngợp và bối rối trước đối thủ tấn công bằng sức mạnh cơ bắp. Barca luôn tự hào về bản thân đại diện cho thứ bóng đá vị nghệ thuật, mềm mại như dải lụa nhưng sắc tự dao cạo.

Tuy nhiên, bóng đá nói riêng và thể thao đối kháng nói chung sau cùng vẫn có những thời khắc được định đoạt bằng sức mạnh cơ bắp. Đây là điều mà Barcelona nên rút kinh nghiệm nếu không muốn chứng kiến thêm những bi kịch tương tự trong tương lai.

Tìm kiếm thủ lĩnh tinh thần

Thế giới từng mỉa mai Cristiano Ronaldo diễn quá lố trong trận chung kết EURO 2016, khi làm thay cả nhiệm vụ của huấn luyện viên bên đường pitch. Tuy nhiên, một nhân vật như Ronaldo lại chính là những gì Barca đang thiếu.

Messi không phải hình mẫu thủ lĩnh tinh thần. Khi đối phương vùng lên quá mãnh liệt, đến cả Messi cũng không thoát khỏi áp lực tâm lý. Nhiều đồng đội nhìn vào Messi và cũng trở nên hoang mang, hoảng sợ. Barca cần một nhân vật kiểu như Roy Keane của Man United năm xưa.

Bàn thắng 4-0 'nhấn chìm' Barca nhìn từ khán đài Phút 79 trong trận bán kết lượt về Champions League gặp Barca, Trent Alexander-Arnold có pha đá phạt góc tinh quái giúp Divock Origi ghi bàn ấn định chiến thắng 4-0 cho Liverpool.

HLV Darby: 'Chỉ kẻ khờ dại mới đòi sa thải Klopp'

Ngay cả khi Liverpool trắng tay ở mọi đấu trường mùa này, HLV Juergen Klopp chắc chắn vẫn được ban lãnh đạo đội bóng giữ lại.

Trent Alexander Arnold - kẻ không biết sợ hãi đánh sập Barca

Màn trình diễn của Alexander Arnold trước Barca trên sân Anfield xứng đáng nhận được điểm cao nhất, khi anh có 2 pha kiến tạo thành bàn.

Kiều Phong

Bạn có thể quan tâm