Ngay trong lời mở đầu phiên họp thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận, căng thẳng trên Biển Đông từ vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tuy mới một tháng nhưng đã có tác động đến tình hình kinh tế đất nước.
Trong đó, việc xuất hiện biểu tình tự phát dẫn đến bị kích động, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp trong và ngoài nước gây mất an ninh trật tự ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, TP HCM và một số nơi khác. Các sự cố này tuy được ngăn chặn song đã gây ảnh hưởng, thiệt hại sản xuất, kinh doanh cũng như hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư.
Chủ trương nhất quán được Thủ tướng khẳng định là Việt Nam tiếp tục các biện pháp đấu tranh để bảo vệ chủ quyền song vẫn cố gắng giữ các quan hệ giao thương một cách bình thường, không kích động, bài Hoa.
Thủ tướng yêu cầu làm tốt cả hai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VGP. |
“Sự kiện này sẽ tác động tới kinh tế xã hội thế nào? Tôi yêu cầu phải chỉ đạo một mặt bảo vệ chủ quyền, vừa giữ ổn định chính trị xã hội, vừa đưa kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, đạt chỉ tiêu GDP 5,8%”, Thủ tướng đặt vấn đề và nêu yêu cầu với các thành viên Chính phủ.
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận, sự việc đã gây những ảnh hưởng đến thị trường tài chính - tiền tệ. Thị trường chứng khoán đầu tháng 5 giảm điểm mạnh do tâm lý bất ổn, nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu; Giá vàng, giá USD tăng mạnh do nhu cầu của người dân tăng nhằm tích trữ tài sản phòng ngừa rủi ro.
“Tuy nhiên, vào cuối tháng 5, tình hình đã ổn định trở lại. Thị trường chứng khoán đã dần hồi phục, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn. Tỷ giá VND/USD trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết mua, bán tại các ngân hàng thương mại ổn định và thấp hơn nhiều so với mức biên độ trần”, ông Vinh khẳng định.
Trong khi đó, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, ngay sau khi vụ việc diễn ra Ngân hàng Nhà nước đã họp với các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt 4 ngân hàng của Trung Quốc và Đài Loan. Qua đối thoại, tất cả các ngân hàng đều tỏ ra bình tĩnh và vẫn cam kết hoạt động lâu dài, thậm chí có ngân hàng còn đề xuất cho phép nhanh chóng mở chi nhánh tại Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Sau bất ổn vừa xảy ra, không có hiện tượng doanh nghiệp ngoại chuyển tiền về nước. Thậm chí, số tiền gửi trên hệ thống còn tăng hơn một chút so với trước đó".
Thời gian tới, theo Thống đốc điều đáng lo ngại là an ninh mạng. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động yêu cầu các ngân hàng thương mại phải gia cố thật chặt, tăng cường bảo mật, an ninh mạng đề phòng bị tấn công.
Tái cơ cấu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Nhìn sự việc như một cơ hội để tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam tích cực mở rộng thị trường nước ngoài; tăng cường khai thác tiềm năng thị trường trong nước. Chia sẻ quan điểm này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, lần này Việt Nam dứt khoát cơ cấu nền kinh tế theo hướng bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Phó thủ tướng cho rằng, bối cảnh Việt Nam hiện nay đã khác với trước. Chúng ta có quan hệ với hơn 100 quốc gia về thương mại, đầu tư.
“Vị thế chúng ta hiện nay khác. Tiềm lực kinh tế khác tạo cho chúng ta sự tự tin hơn trước. Ngoài ra, quan hệ Việt - Trung là cả đôi bên có lợi nên tôi không tin rằng họ sẽ hoàn toàn cắt đứt quan hệ kinh tế với chúng ta”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan hệ lợi ích giữa hai nước là đan xen, qua lại. Nếu Trung Quốc không xuất khẩu qua Việt Nam thì cũng bị thiệt. Không những thế, họ còn có nhu cầu về cao su, lúa gạo… nếu phải mua chỗ khác thì giá chắc chắn đắt hơn Việt Nam. Trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn cố gắng giữ quan hệ để hai bên cùng có lợi
Nhìn trong bối cảnh toàn cầu hóa, về lâu dài, Thủ tướng khẳng định, cần phải tính toán gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng thị trường từ xuất - nhập khẩu, du lịch cho đến đầu tư, lao động… để khi có khó khăn thì có thị trường thay thế, chủ động. Mục tiêu là tiến tới cân bằng xuất – nhập với Trung Quốc (hiện Việt Nam đang nhập siêu hơn 20 tỷ USD từ Trung Quốc).
“Đương nhiên, để có bước chuyển cần chi phí, thời gian nhưng chúng ta vẫn chủ động được. Không phải không còn thị trường Trung Quốc thì Việt Nam không còn thị trường nào khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chốt lại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân tập trung đấu tranh để bảo vệ chủ quyền. Đồng thời, cũng không vì thế mà để ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Công việc trước mắt là các bộ, ngành vẫn phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thu hút đầu tư và giúp đỡ thực sự cho các doanh nghiệp khó khăn. Bên cạnh đó là các giải pháp để thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô cho năm 2014.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện mục tiêu đấu tranh để Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý chưa đạt được nhưng qua đó cũng đã cho thấy những điểm làm tốt. Vụ việc cho thấy sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân. Người dân tin vào quyết tâm của Đảng.
“Bạn bè thế giới lên tiếng ủng hộ Việt Nam một cách rộng rãi với mức độ khác nhau. Chưa có lãnh đạo chính phủ ủng hộ Trung Quốc hay tuyên bố việc làm của Trung Quốc hoàn toàn đúng đắn”, Thủ tướng nói.