Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bảo vệ chủ quyền Biển Đông còn nhiều thách thức'

Đánh giá tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội được nâng lên nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng trình bày báo cáo kinh tế - xã hội sáng 20/10.
Thủ tướng trình bày báo cáo kinh tế - xã hội sáng 20/10.

Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2010-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, giai đoạn 2006-2010 kinh tế phát triển khá, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. 

Tuy nhiên, từ năm 2011, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, giá dầu thô giảm sâu, căng thẳng gay gắt ở Biển Đông... đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Chúng ta vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hoà bình, ổn định vừa nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015. Trên hầu hết các lĩnh vực đều đạt kết quả quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Nhờ vậy, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng niềm tin vào tiền đồng, khắc phục tình trạng đôla hóa, vàng hóa. Tăng trưởng năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất 5 năm qua; bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 5,9%/năm.

"GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 2.228 USD, tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD. Số doanh nghiệp đang hoạt động là 525.000, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông tin.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tai nạn giao thông giảm cả về số vụ và số người chết. 

Về mục tiêu của giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng chỉ rõ, năm 2016 GDP bình quân đầu người khoảng 2.450 USD, năm 2020 là 3.750 USD; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. 

Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực. Các hành vi tham nhũng được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đã giải quyết được 512/528 vụ việc khiếu nại kéo dài. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; Giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; Ngập lụt ở một số thành phố lớn khắc phục còn chậm.

"Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức. An ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật. Tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm", ông nhấn mạnh các hạn chế.

Báo cáo Quốc hội về TPP, Thủ tướng cho biết, đây là hiệp định toàn diện tiêu chuẩn cao với sự tham gia của 12 nước, quy mô chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt, và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11/2010. 

Sau 5 năm, các nước đã kết thúc quá trình đàm phán vào ngày 5/10/2015. Trong quá trình đàm phán, Chính phủ nhiều lần báo cáo theo nghị quyết và chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảo lợi ích quốc gia, các nước tôn trọng thể chế chính trị và dành cho Việt Nam lộ trình hội nhập. 

Theo thỏa thuận, các bên sẽ tiếp tục rà soát văn bản thủ tục để ký cuối 2015 hoặc đầu năm 2016. Sau đó, các nước sẽ phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực vào giữa 2017 hoặc đầu 2018. 

"TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức", Thủ tướng nói thêm.

Rồi ông nhấn mạnh tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn thách thức, phát huy tối đa cơ hội, thuận lợi, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện Hiệp định TPP. Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định.

Các đại biểu dự khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Các đại biểu dự khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Theo dự kiến chương trình, kỳ họp này sẽ kéo dài hơn một tháng và bế mạc vào ngày 28/11. Trong đó, có khoảng 10 buổi được phát thanh, truyền hình trực tiếp (bao gồm phiên khai mạc).

Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.

Tiếp đến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Mở đầu phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp này có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội sẽ xem xét và quyết định một số nội dung quan trọng như công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được xác định là nội dung trọng tâm. 

"Quốc hội cũng sẽ xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ báo cáo kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016;  cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo thẩm tra cũng được các Ủy ban trình bày trước Quốc hội ngay sau đó.

Phiên chất vấn kéo dài trong 2,5 ngày

Tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ dành thời gian thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể, 19 ngày được dành để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 14 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật.

Quốc hội dành 12 ngày cho công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế  hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016…

Phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày, với sự tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ và Thủ tướng. Ngoài các Bộ trưởng, Thủ tướng cũng sẽ trả lời những vấn đề liên quan và bao quát lại những vấn đề chung.

Thủ tướng trả lời chất vấn về 'phong trào' xây quảng trường

Ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản số 1261 trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề “phong trào” quảng trường hoành tráng.

Công Khanh - Tiến Dũng

Bạn có thể quan tâm