Lặng đi một thời gian dài không phát biểu thì bầu Đức bất ngờ có những chỉ trích nhắm vào Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi. Ông bầu đội bóng phố núi muốn dẹp ghế ông Mùi vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Sự bất lực của bầu Đức và bầu Thắng
Một số ủy viên ban chấp hành và ông Nguyễn Văn Mùi cho rằng bầu Đức đã phát biểu không đúng chỗ. Và sâu xa chuyện đòi đuổi ông Mùi ngay sát giờ diễn ra cuộc họp Hội đồng quản trị VPF dường như có chủ đích, động cơ rất rõ ràng của bầu Đức: mượn định kiến dư luận gây sức ép lên cuộc họp của VPF.
Ông Nguyễn Văn Mùi không chấp nhận từ chức Trưởng ban trọng tài. |
Tuy nhiên, bầu Đức đã lần thứ 2 thất bại trong việc muốn ông Mùi nghỉ. Quyền lực của ông Mùi chỉ bị giảm đi chút đỉnh khi “tiểu ban” 4 người ra đời để lấn sâu vào chuyện phân công trọng tài, còn ghế Trưởng ban trọng tài vẫn bền vững.
Tại buổi họp, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng cho biết từng bảo vệ ông Mùi tại cuộc họp Ban chấp hành VFF hồi năm ngoái, tức ông Thắng là 1 trong 16 người đã bỏ phiếu giữ lại ghế Trưởng ban trọng tài cho ông Mùi. Nhưng ông Thắng chỉ muốn ông Mùi làm hết mùa bóng 2016.
Chuyện ông Thắng tiết lộ chỉ muốn ông Mùi làm đến hết mùa bóng 2016 và ra đời “tiểu ban” 4 người có đến 3 thành viên thuộc VPF được xem là hành động của VPF đối với Ban trọng tài, và ông Nguyễn Văn Mùi.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn đã phát biểu: “VPF chỉ là công ty tổ chức sự kiện. Họ không có quyền can thiệp vào chuyên môn, cụ thể ở đây là công tác phân công trọng tài. VPF chỉ được đề xuất các phương án, nhằm phối hợp tốt hơn với Ban trọng tài trước mỗi vòng đấu”.
Điều ấy đồng nghĩa hành động lấn sâu vào công tác trọng tài của VPF đã bị VFF “tuýt còi” và Ban trọng tài vẫn được bảo vệ quyền lực ở mức cao nhất. Kết quả đã ngã ngũ, bầu Đức và bầu Thắng đã thua ông Mùi.
Đến cuộc đua quyền lực
Thời gian qua, xảy ra nhiều chuyện liên quan đến Ban trọng tài và ghế Trưởng ban của ông Mùi. Đã đến lúc đặt vấn đề vì sao mọi chuyện lại liên tục nhắm vào 2 nhân tố trên, trong khi nỗi xấu hổ cho cả nền bóng đá, với tấn bi hài trên sân Thống Nhất thì ông Trưởng ban tổ chức giải xin nghỉ vẫn được tại vị. Có lẽ cần nhắc lại một câu chuyện trong quá khứ.
Ông Mùi (trái) nhận được sự cảm thông từ ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF). Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Tháng 9/2011, Chủ tịch Lê Hùng Dũng sắm vai Phó chủ tịch VFF, từng có phát ngôn khiến dư luận giật mình là “có một nhóm trọng tài mafia thao túng cuộc chơi”. Ông Dũng đề xuất phải cải tổ công tác trọng tài và muốn ông Mùi nghỉ chức Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia.
6 năm sau, dù Hội đồng trọng tài quốc gia đã bị dẹp để thành lập Ban trọng tài, câu chuyện trọng tài vẫn là vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam. Chỉ khác biệt là ông Dũng đang ngồi ghế Chủ tịch VFF và ông Mùi sau khi bị phế đã ngồi ghế Trưởng ban trọng tài, một cách vững chắc.
Thời điểm còn làm Phó chủ tịch VFF, ông Dũng đòi cải tổ công tác trọng tài, đòi thay ông Mùi. Nhưng trong tư thế quyền lực tối cao nhất, vị Chủ tịch VFF không hành động sau một loạt sự cố trọng tài diễn ra từ mùa bóng 2016 đến nay.
Do vậy, chiếc ghế Trưởng ban trọng tài của ông Mùi bền vững phải liên quan đến những người có trách nhiệm cao nhất của bóng đá Việt Nam. Vì phần nổi thì ai cũng nhìn thấy trọng tài sai liên tục, dư luận ai cũng muốn ông Mùi nghỉ, bầu Đức hết lần này đến lần khác đòi đuổi.
Nhắc đến chuyện bầu Đức công khai đuổi ông Mùi, có khả năng cũng chỉ là bề nổi của vấn đề. Ông bầu này tuyên bố: “Cứ đuổi ông Mùi là xong hết”. Nhưng bầu Đức đã từng chứng kiến nhiều lần người nắm quyền tối cao nhất về trọng tài bị thay, kết cục mọi thứ đâu có khá hơn.
Người đánh động mượn dư luận để đuổi, kẻ bất chấp định kiến dư luận, cái sai để bảo vệ. Chuyện trọng tài vẫn cứ xoay đều, không có hồi kết và ông Mùi trở thành cái tên bị nhắc nhiều nhất. Vị Trưởng ban cũng bất chấp những “lời khuyên” từ chức, cứ ngồi giữ ghế.
Xâu chuỗi lại mọi thứ thì Ban trọng tài giống như đích ngắm để một số người khẳng định quyền lực. Cần nhắc lại là nhiệm kỳ của ông Dũng sắp hết (Chủ tịch VFF khóa VII từ năm 2014-2018). Những ai muốn ngồi ghế Chủ tịch VFF chắc chắn cần củng cố sức mạnh lẫn sự tín nhiệm ngay từ bây giờ.
Cuối năm 2013, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã từ chức vì lý do sức khỏe, ông Lê Hùng Dũng đắc cử chức Chủ tịch VFF với số phiếu gần như tuyệt đối là 60/62. Tuy nhiên, ông Dũng có vấn đề sức khỏe nên Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm mọi việc trong thời gian qua.