Ngày 3/7, số đầu tiên của báo Văn nghệ bộ mới ra mắt bạn đọc. Giới cầm bút và độc giả đều vui mừng vì ấn phẩm có bề dày truyền thống nay đã được làm mới.
Văn nghệ là cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam, ra đời năm 1948. Qua 73 năm, có lúc thăng, lúc trầm, đây là tờ báo gắn bó với giới văn chương nghệ thuật nước nhà.
Sau một thời gian có phần trầm lắng, giờ đây, báo Văn nghệ bộ mới được thực hiện, nhận được sự hưởng ứng của giới cầm bút.
Trang nhất báo Văn nghệ số 1 bộ mới, phát hành chính thức ngày 3/7. Ảnh: Báo Văn nghệ. |
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ cảm xúc khi cầm tờ báo mới từ nhà in: “Cảm động và vui. Không gì là không thể, khi tất cả muốn thay đổi và quyết tâm thay đổi”.
“Ai cũng mong những người từng yêu báo Văn nghệ từ mấy chục năm trước tiếp tục yêu và đón đọc mỗi tuần như những ngày hoàng kim thủa nào!”, tác giả Hậu thiên đường chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhà văn Phong Điệp gắn bó với báo Văn nghệ trong 16 năm. Giờ đây, khi đã chuyển công tác, chị vẫn dành sự trân trọng và háo hức trước bộ mới của báo.
“Đã lâu lắm mình mới có lại cảm giác háo hức, hồi hộp đi tìm mua báo và ngồi lần giở từng trang báo mới, dù không có bài đăng. Mình muốn tận mắt nhìn thấy sự hồi sinh trên trang báo”, Phong Điệp chia sẻ.
Được biết, sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10, nhiều ý kiến từ hội viên nói về hoạt động của Hội Nhà văn và tìm cách đổi mới báo Văn nghệ. Vì thế, Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa 10 coi đổi mới báo Văn nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đọc báo Văn nghệ bộ mới. Ảnh: Fb Huệ Nguyễn Thị Thu. |
Ngoài Ban biên tập, Thường vụ Hội Nhà văn gồm 5 thành viên tham gia cải cách báo. Đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà văn Bích Ngân.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thay mặt Ban chỉ đạo cải cách cho biết mục tiêu lớn nhất và trước tiên của việc đổi mới tờ báo không phải nâng số lượng mỗi kỳ.
Mục tiêu đổi mới là "nâng tư thế và trách nhiệm của nhà văn nhiều hơn nữa trước xã hội, mang đến một cách nhìn văn học, nghệ thuật đa dạng và khoa học hơn trước thực tế phát triển của nền văn học nghệ thuật đương đại".
Trong bức thư gửi hội viên và bạn đọc đăng tải trên website Hội Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Đổi mới một tờ báo cũng là thay đổi tư duy và luôn luôn gặp những khó khăn, thách thức rất lớn. Nếu không có khát vọng và ý chí thật sự, chúng ta sẽ không bao giờ dám dấn bước vào cuộc cải cách này”.