Nhưng cuốn sách của Roth không đề cập đến công lý theo đường thẳng, với những trật tự quy ước xã hội. Ở đây, là sự phô bày những mưu cầu công lý của ý chí con người. Và rồi đặt ra một câu hỏi hiện sinh mà cơ bản con người băn khoăn suốt đời “làm thế nào?”
Mùa hè năm 1944, Bucky Cantor, một thầy giáo thể dục, và là người quản lý sân chơi tại thành phố Newark, là một trong số ít những người đàn ông không phải ra chiến tranh. Thay vào đó, Cantor phải đương đầu với một cuộc chiến đau đớn khủng khiếp của bệnh bại liệt. Anh là người đã chứng kiến những ca bệnh đầu tiên, và từ ấy, bệnh bại liệt ập đến, cướp đi sự sống, sự hoạt động, và niềm vui của con người. Cả một bầu không khí mùa hè đặc quánh, ngột ngạt, bã bời, mang hình hài của thần chết vẫn bao trùm khắp cả thành phố.
Những căn nhà đóng kín, những khuôn mặt sầu não, hoang mang, những đường phố ủ dột... dưới cái nắng ngày một gắt gao của mùa hè. Không khí gợi lên một niềm tang tóc, bi thương đến khốn khổ. Người ta bất lực kêu gào, nhưng không có một phương cách nào cứu giúp họ. Thành phố khi ấy như ngục tù, đi loanh quanh, loanh quanh cũng không tìm nổi chỗ thoát thân. Ai cũng có thể bị bệnh bại liệt viếng thăm, và người ta chờ đợi điều ấy trong mòn mỏi, sợ sệt.
Tác phẩm Báo ứng của nhà văn Philip Roth. |
Đọc Báo ứng, nhiều người hẳn sẽ liên tưởng ngay đến tác phẩm Dịch hạch nổi tiếng của Albert Camus, và có lẽ cũng thầm hi vọng Cantor trở thành một vị anh hùng, một người đứng ra để tranh đấu lại với dịch hạch. Nhưng nhân vật của Philip Roth có những diễn biến tâm lý vô cùng mâu thuẫn, đã lựa chọn những điều tưởng chừng như tuyệt vời nhất, để rồi sau đó, lại rơi vào sự mất mát không thể lường tới. Ấy là sự báo ứng, hay thực chất nó chỉ là sự ngẫu nhiên của số phận mà bản thân con người chúng ta không thể nào lường trước được.
Cantor vốn cứ nghĩ rằng, việc anh nghe theo lời người yêu, chuyển đến khu trại Indian Hill, sẽ tránh xa khỏi vùng nguy hiểm, sẽ được tận hưởng những ngày tháng hạnh phúc, bên người yêu trong một vùng không khí trong lành, cùng những đứa trẻ khỏe mạnh. Nhưng Cantor có lẽ không bao giờ có thể ngờ rằng, rồi số phận của anh sẽ rẽ lối sang một hướng khác, chỉ có bất hạnh, mất mát và đau thương.
Con người có quyền lựa chọn cách sống cho mình, những gì tốt nhất cho mình, nhưng rốt cuộc ngay từ lúc lựa chọn, chúng ta không thể biết được rằng, phía trước có thực sự rực rõ ánh nắng đẹp đẽ như chúng ta đã tưởng, hay nó chỉ là một đường vòng vèo mà ta không bao giờ biết được đau thương sẽ ập tới.
Roth đã viết về những điều thực sự nghiêm túc về cuộc đời, về lựa chọn, về tinh thần, về tranh đấu... nhưng sự nghiêm túc có thực tồn tại trên đời không, hay Cantor cũng chỉ là biểu hiện cho một trò đùa của số phận. Sự lạnh lùng, sầu não và hoài nghi, vì thế mà ắp đầy trên những trang viết của Roth, khiến người đọc Báo ứng không chỉ sợ hãi vì nỗi ám ảnh bại liệt, mà còn vô cùng hoang mang trước những cuộc chơi đầy ngẫu hứng của số phận mà Roth đã lạnh lùng chỉ ra. Nó cũng là câu chuyện khiến nhà văn băn khoăn, về lý tưởng và đời sống, về lựa chọn và số phận. Cuối cùng con người làm được điều gì khi mắc kẹt giữa những câu hỏi ấy?
Báo ứng được viết bằng lối trần thuật tỉnh táo, nhưng đây được xem là cuốn sách dịu dàng và sâu sắc nhất của Roth. Mặc dù, cuốn sách phần lớn phô bày những buồn bã bi thương, nhưng người đọc vẫn có thể tìm thấy những khoảng ấm áp xoa dịu trong tác phẩm, như đoạn trò chuyện của Cantor và cha của Marcia trong căn nhà phụ đầy cây xanh. Không khí xung quanh như dịu lại, và giọng nói cũng vì thế tĩnh lặng, dễ chịu. Ấy là lúc tâm hồn Cantor đã được an ủi, trở nên ngập đầy yêu thương, trái ngược hẳn với những gì bên ngoài kia, khi bệnh bại liệt đang khiến anh trở nên khắc nghiệt hơn. Hay đoạn đối thoại trong bệnh viện giữa Cantor và người yêu Marcia, chính là đoạn viết sâu sắc, đẹp đẽ và bi ai nhất về nỗi đau đớn, tình yêu và sự dằn vặt của con người.
Đó là khoảnh khắc hiếm hoi trong tác phẩm khiến người đọc dễ chịu, còn lại, ngay ở những cảnh đối thoại yêu đương giữa Marcia và Cantor, ta cũng sẽ dễ thấy, nỗi ám ảnh về bại liệt vẫn vướng vất ở giữa, đầy mùi chết chóc và chia lìa.
Báo ứng là cuốn sách thứ 32 của Philip Roth, được xuất bản vào năm 2010, sau khi Roth đã khẳng định tài năng của mình bằng vô số những giải thưởng văn chương, bằng những tác phẩm đậm tính chất suy tư về bản chất tha nhân. Ông là nhà văn luôn nắm bắt được những điểm cốt yếu nhất của cuộc sống, và truyền tải nó bằng sự chuẩn xác và bình thản của một con người trải nghiệm.