Theo ghi nhận của báo chí quốc tế, tại Trung Quốc đang có phong trào tẩy chay các sản phẩm của Mỹ, Philippines.
Một số người Trung Quốc nhằm mục tiêu vào sản phẩm iPhone của Apple. Họ đập vỡ các thiết bị và chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội, thúc giục người khác làm theo.
Một số khác kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Philippine như xoài, cũng như các chuỗi nhà hàng của Mỹ.
Tại các tỉnh Hà Bắc và An Huy, hàng chục người đã kéo đến các cửa hàng KFC tại địa phương, giăng biểu ngữ kêu gọi tẩy chay sản phẩm.
Căn nguyên của làn sóng tẩy chay, theo Wall Street Journal, chính là từ các chỉ trích của giới chức, học giả và báo chí Trung Quốc về phán quyết của tòa quốc tế về vụ kiện Biển Đông, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền đường chữ U của nước này ở Biển Đông. Các phát ngôn bóng gió rằng Mỹ đứng đằng sau dàn dựng vụ kiện, bằng cách hỗ trợ Philippines chống lại Trung Quốc.
Tờ này nhận định, các cuộc biểu tình nhỏ tại địa phương phản ánh một thách thức lâu dài đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc: làm thế nào để khai thác chủ nghĩa yêu nước để phục vụ cho tính chính danh về chính trị của đảng, đồng thời làm dịu những cơn bộc phát mang tính chủ nghĩa dân tộc quá mức có thể đe dọa ổn định xã hội.
Các hoạt động tẩy chay đã bị cảnh cáo bởi phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, Wall Street Journal đưa tin.
Tờ báo dẫn bài bình luận vào tuần này của Tân Hoa Xã cho rằng, trong đó, nhật báo Trung Quốc viết, yêu nước là một tình cảm đáng hoan nghênh, nhưng những hành động trái pháp luật và phá hủy trật tự xã hội được dán mác “lòng yêu nước” thì đáng lên án.
"Với những người Trung Quốc làm việc trong chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh, ai sẽ nuôi họ nếu họ mất việc?", một bài báo viết. Ảnh: AP |
Các cuộc tẩy chay lần này, theo Wall Street Journal, "tương đối nhỏ so với các đợt bùng phát trước đó, thứ mà giới chức Trung Quốc dung túng nhằm gây áp lực ngoại giao."
Năm 1999, chính quyền Trung Quốc tổ chức các cuộc biểu tình lớn bên ngoài cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô, nhằm phản đối các vụ đánh bom của NATO vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, Serbia.
Gần đây hơn, Trung Quốc cho phép làn sóng biểu tình phản đối chống Nhật vào năm 2012, sau khi Tokyo quốc hữu quyền kiểm soát một nhóm các quần đảo tranh chấp giữa hai nước – người Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Lần này, theo nhận định của tờ Wall Street Journal, Trung Quốc dường như muốn kiểm soát cơn phẫn nộ. Không có cuộc biểu tình lớn nào diễn ra trong khu ngoại giao của Bắc Kinh. Giới chức cũng tăng cường an ninh bên ngoài Đại sứ quán Philippines trong một nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình tiềm năng.
Trong khi đó, phương tiện truyền thông nhà nước phải tìm cách hạ nhiệt người dân. Tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc giải thích rằng, tẩy chay sản phẩm của Mỹ sẽ gây tổn hại cho lợi ích quốc gia và kêu gọi người dân tuân theo pháp luật.
“Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, nhiều sản phẩm được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, lớn và nhỏ, được tạo ra bởi sự kết hợp giữa Trung Quốc và Mỹ. Bạn không thể tẩy chay chúng”, tờ Nhân dân Nhật báo nói trong một bài viết đăng vào hôm 19/7.
“Với những người Trung Quốc làm việc trong chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh, bạn sẽ nuôi họ nếu họ mất việc? Internet là phát minh của người Mỹ, vậy liệu chúng ta nên tẩy chay nó và trở về thời kỳ tiền Internet?”, bài báo viết.
Tờ Nhân dân Nhật báo công khai chỉ trích các cuộc biểu tình chống KFC là một chương trình của “chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến"
“Lòng yêu nước không phải là những hành động lộn xộn mượn cớ yêu nước. Cũng không phải có thể sử dụng như một lời biện hộ cho các hành động cực đoan vi phạm pháp luật”, bài báo viết.