Hôm 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hà Lan ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo phán quyết của tòa, Bắc Kinh không có quyền kiểm soát vùng biển và nguồn tài nguyên tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Tờ New York Times cho biết, đoán rằng Mỹ xúi giục Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc lên PCA, một bộ phận dân chúng Trung Quốc muốn tẩy chay hàng hóa Mỹ. Họ chọn thương hiệu gà rán KFC vì cho rằng nó tượng trưng cho những lợi ích của Mỹ.
Vì thế, hệ thống cửa hàng của KFC tại hàng chục thành phố ở Trung Quốc – bao gồm Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang, Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam, Giang Châu ở tỉnh Giang Tô – trở thành mục tiêu của những cuộc biểu tình và chiến dịch tẩy chay từ hôm 18/7, theo trang tin Sohu.
Người dân biểu tình trước một cửa hàng KFC ở miền bắc Trung Quốc hôm 18/7. Ảnh: China Business Watch. |
Dấu hiệu đầu tiên của chiến dịch tẩy chay KFC là việc ai đó treo một băng rôn bên ngoài một cửa hàng KFC ở tỉnh Hà Bắc hôm 17/7. “Hãy tẩy chay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Chúng ta phải yêu người Trung Quốc. Các bạn đang ăn thực phẩm của KFC và khiến tổ tiên hổ thẹn”, New York Times dẫn nội dung của băng rôn.
Người phát ngôn của Yum Brands, công ty mẹ của KFC, nói rằng công ty chẳng làm gì sai và phải chịu thiệt thòi oan uổng.
"Những người tẩy chay KFC không hiểu tinh thần yêu nước thực sự. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để bản địa hóa hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc", người phát ngôn khẳng định.
Những chiến dịch tẩy chay hàng ngoại từng xảy ra từ rất lâu tại Trung Quốc. Năm 1919, sau khi thua trong Thế chiến thứ nhất, Đức phải nhường tô giới của họ ở Trung Quốc cho Nhật Bản theo Hiệp ước Versaille, sinh viên Trung Quốc đã tổ chức phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản.
Hồi năm 2005, phong trào biểu tình và tẩy chay hàng Nhật Bản bùng phát ở Trung Quốc do sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản bỏ những nội dung liên quan tới sự tàn bạo của quân đội Thiên hoàng trong Thế chiến thứ hai.
Trước Thế vận hội Olympic tại Bắc Kinh vào năm 2008, người dân Trung Quốc tẩy chay Carrefour, một tập đoàn bán lẻ Pháp, do những cuộc tuần hành ủng hộ độc lập cho Tây Tạng ở Paris trong giai đoạn rước đuốc Olympic.
4 năm trước đó, làn sóng tẩy chay bùng nổ do chính phủ Nhật Bản mua những đảo nhỏ mà Trung Quốc đòi chủ quyền trong biển Hoa Đông.
Hãng KFC bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc từ năm 1987 và đã mở hơn 5.000 cửa hàng tại đây. Ảnh: latimes.com. |
Hành động tẩy chay hàng hóa ở Trung Quốc có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát, gây nên những hậu quả khó lường.
Trong năm 2012, đám đông phá ôtô Toyota của một người đàn ông Trung Quốc ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Khi chủ xe cố gắng ngăn cản, họ đánh anh liệt một phần cơ thể bằng khóa xe đạp. Sau đó nhiều người mang biểu ngữ với dòng chữ “Xe hơi của tôi là hàng Nhật Bản, nhưng trái tim tôi vẫn hướng về Trung Quốc” để tuần hành trên các đường phố ở Trung Quốc.
Nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc muốn tránh những cuộc biểu tình trên diện rộng trong năm nay. Họ kiểm duyệt rất kỹ các cụm từ như “Biển Đông” hay “KFC” trên mạng xã hội trong mấy ngày qua, New York Times dẫn Weiboscope, dịch vụ theo dõi mạng xã hội của Đại học Hong Kong.
Mặc dù giới truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích phán quyết của tòa về vụ kiện Biển Đông, họ vẫn “dội nước lạnh” vào những cái đầu nóng muốn phát động biểu tình.
China Daily cảnh báo rằng chiến dịch tẩy chay KFC cũng gây tổn hại cho người Trung Quốc.
“Nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Trung Quốc như KFC đã được địa phương hóa và phần lớn họ thuê người dân địa phương, mua nguyên liệu thô tại đất nước chúng ta”, China Daily giải thích.
KFC là cụm từ viết tắt của Kentucky Fried Chicken - Gà Rán Kentucky, một trong các thương hiệu thuộc Tập đoàn Yum Brands Inc (Hoa Kỳ). Hãng chuyên về các sản phẩm gà rán và nướng, với các món ăn kèm theo và các loại sandwich từ thịt gà tươi. Đây là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh thành công nhất tại Trung Quốc.