Trong một bài báo khá dài, Thời báo Hoàn Cầu tường thuật lại cuộc họp ngày 4/1 giữa Bộ trưởng giao thông Việt Nam Đinh La Thăng với Tổng thầu Trung Quốc EPC liên quan đến tai nạn sập giàn giáo làm chết một người ngày 28/12/2014, trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Dự án do công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thi công.
Không còn như ban đầu!
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc Bộ trưởng Đinh La Thăng "chửi té tát" vào mặt nhà thầu cũng như Cục quản lý chất lượng công trình thuộc Bộ giao thông và dọa đưa Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vào danh sách đen khiến bản chất của vụ việc không còn như ban đầu.
Bài báo này cho rằng phản ứng của ông Đinh La Thăng cũng như các quan chức Bộ giao thông đang khiến cho mối quan hệ Việt - Trung trở về thời kỳ “có nhiều gút mắc”.
Tờ báo tường thuật trong bản tin tối 6/1, trên truyền hình phát nội dung cuộc họp giữa Bộ giao thông và nhà thầu Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ giao thông Việt Nam Đinh La Thăng giận dữ, chỉ thẳng vào nhóm người Trung Quốc lớn tiếng không hài lòng.
Thời báo Hoàn Cầu báo viết rằng một nhân viên phía Trung Quốc từ đầu đến cuối không có thời gian để gật đầu. Một nhân viên người Trung Quốc khác cũng không nói được tiếng nào, tùy nghi để ông Đinh La Thăng quở trách.
Thời báo Hoàn Cầu bình luận rằng do nạn nhân là học viên của Học viện an ninh Việt Nam mà nhà thầu xây dựng lại là của Trung Quốc nên mới bị truyền thông Việt Nam soi kỹ.Thời báo Hoàn cầu còn dẫn nhiều thông tin trên các báo đưa thêm về các động thái xử lý vụ việc của Bộ Giao thông vận tải VN.
Đồng thời, báo này cũng thông tin Thứ trưởng Bộ giao thông Việt Nam Nguyện Hồng Trường còn đem vụ việc và các vấn đề liên quan mở cuộc họp với đại sứ quan Trung Quốc ở Việt Nam
Thời báo Hoàn Cầu còn dẫn thông tin trên tạp chí “Diplomat” của Nhật Bản ngày 9/1 cho rằng dự án đường sắt Cát Linh- Hà Nội là do chính phủ Trung Quốc ưu đãi cho vay nhưng do nhiều lần do dự nên trước mắt hạng mục này đã ngốn của chính phủ Việt Nam gần 3 triệu USD.
Hoàn cầu Thời báo cho biết đã cho phóng viên của mình liên hệ với Tổng thầu Trung Quốc EPC nhưng không ai trả lời điện thoại.
Không đánh đổi tính mạng
Trước đó, tại cuộc làm việc với Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vào chiều 4/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cảnh cáo tổng thầu vì để mất an toàn thi công, xảy ra tai nạn chết người ngày 6/11 và sự cố sập giàn giáo ngày 28/12.
Đồng thời ông Thăng cũng ra những điều kiện buộc tổng thầu thực hiện và xem đây là cơ hội cho tổng thầu, nếu không sẽ kiến nghị Chính phủ chấm dứt hợp đồng.
Theo ông Thăng, việc thực hiện dự án quá kém của tổng thầu dẫn đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thực hiện kém cỏi nhất trên đất nước Việt Nam. Việc ảnh hưởng môi trường, đi lại, tai nạn từ dự án gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Dù Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía tổng thầu không chịu thực hiện.
Sau những lần tổng thầu hứa nhận khuyết điểm và để xảy ra sự cố, ông Thăng nói thẳng bản thân ông không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của tổng thầu nữa.
Bộ trưởng Thăng nói: “Điều tối thiểu tôi yêu cầu khi đổ bêtông thì tạm ngăn đường mà các ông làm ăn như vậy. Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn thì các ông lại nhận khuyết điểm rồi cứ trơ ra vậy thôi. Tôi đề nghị phải thay tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định, đuổi toàn bộ thầu phụ, thay bằng các nhà thầu phụ lớn của Việt Nam."
"Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực. Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được” - ông Thăng chỉ trích.