Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo tồn biệt thự cũ: Chưa ổn!

Nhiều biệt thự cũ tại TP.HCM dù được đưa vào danh sách bảo tồn, cách quản lý và sử dụng chưa như kỳ vọng.

Tính đến thời điểm hiện nay, TP.HCM đã phân loại 384 biệt thự cũ trên địa bàn để thực hiện công tác quản lý, sửa chữa và bảo tồn kiến trúc. Các biệt thự chủ yếu nằm ở quận 1 và quận 3, còn lại nằm rải rác ở quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, quận 5 và Phú Nhuận. Trong đó, quận 3 có 250 biệt thự cũ với 40 công trình được phân loại vào nhóm 1.

Quy định một đằng...

Năm 2013, TP.HCM ban hành chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn. Công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại biệt thự cũ được triển khai từ năm 2015 với sự kiện thành lập Hội đồng phân loại biệt thự; đến năm 2018, thành phố ban hành quyết định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ. Trước và trong khoảng thời gian đó, nhiều biệt thự cũ đã bị cải tạo, thậm chí đập phá và xây mới. Ngoài ra, một số nhầm lẫn trong quá trình khảo sát, đánh giá khiến cái nhìn tổng thể về thực trạng biệt thự trong thành phố bị "méo mó".

Năm 2019, UBND quận 1 báo cáo địa phương có 230 biệt thự xây trước năm 1975, trong đó có những căn đã hơn 100 tuổi, mang nhiều dấu ấn kiến trúc, lịch sử. Tuy nhiên, qua rà soát, quận 1 nhận thấy một số trường hợp không còn là biệt thự, một số địa chỉ đã xây dựng công trình mới, một số tách chủ quyền. Vì vậy, quận 1 loại ra 109 căn biệt thự, trong đó 49 căn không phải là biệt thự hoặc có nguồn gốc là nhà biệt thự nhưng nay không còn, 60 căn đã xây dựng công trình mới.

Tuy nhiên, trong năm 2019, khi kiểm tra thực tế, Báo Người Lao Động phát hiện địa chỉ 25 Nguyễn Thị Minh Khai được quận 1 xác định là "khu đất trống" thì hồ sơ quản lý nhà ở của Sở Xây dựng cho thấy nơi đây có công trình kiến trúc vững chắc, mái ngói âm dương và từng được Hội đồng phân loại biệt thự dự kiến đưa vào nhóm 1 để bảo tồn nguyên vẹn. Hay biệt thự 31 Lý Tự Trọng được kết luận "bị chia cắt, nhiều mảnh tháo dỡ" và loại ra khỏi danh sách bảo tồn dù không có dấu hiệu xuống cấp.

Cũng năm 2019, UBND quận 3 cũng có văn bản liệt kê hàng loạt căn biệt thự cũ thuộc đối tượng kiểm đếm, đánh giá để bảo tồn. Trong văn bản trên, nhiều biệt thự được báo cáo "không tồn tại địa chỉ" hoặc "không tồn tại" nhưng khi kiểm tra thì Hội đồng phân loại biệt thự phát hiện biệt thự vẫn còn đó. Dẫn chứng là biệt thự 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị "biến mất" với lý do "địa chỉ không tồn tại" nhưng thực tế công trình còn nguyên vẹn nét cổ kính, sau đó được xếp vào nhóm 1 trong quyết định phân loại biệt thự lần đầu của UBND TP.HCM (tháng 5-2020). Hiện 2 căn biệt thự này lần lượt là trụ sở của một công ty du lịch và nhà hàng sang trọng.

Để việc bảo tồn biệt thự hiệu quả, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã tập hợp danh sách khoảng 1.550 biệt thự cũ và đến nay hơn 400 biệt thự cũ đã được phân loại. Trong đó có 62 biệt thự nhóm 1 và gần 200 biệt thự thuộc nhóm 2, còn lại là nhóm 3.

Quyết định của UBND TP.HCM yêu cầu đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 1 thì phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Biệt thự cũ nhóm 2 phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Đối với biệt thự cũ nhóm 3 thì thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu các biệt thự thuộc nhóm 1 và nhóm 2 không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ. Không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng.

Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại phải thực hiện theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ. Đồng thời, không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.

Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu chủ sở hữu biệt thự cũ tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở. Trong đó, biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước phải thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trường hợp là biệt thự cũ có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa.

UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với các biệt thự cũ, nhất là những biệt thự thuộc nhóm 1 và 2. Các đơn vị có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo đúng quy định; đồng thời, các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tự ý tháo dỡ, chia cắt biệt thự cũ trái quy định pháp luật.

biet thu cu anh 1

Biệt thự 9A, 9B Tú Xương (quận 3, TP.HCM) thuộc nhóm 2, theo quy định phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài nhưng thực tế đã bị cải tạo nhiều.

... Bảo tồn một nẻo

Lần theo danh sách các biệt thự được phân nhóm bảo tồn tại quận 3, chúng tôi thấy một số biệt thự rất đẹp với kiến trúc độc đáo được chủ sở hữu sử dụng để ở, có biệt thự được chuyển công năng thành quán cà phê, nhà hàng. Tuy nhiên, đó là những hình ảnh hiếm gặp.

Ngay trên đường Tú Xương, đoạn giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 2 biệt thự liền kề số 9A, 9B thuộc nhóm 2 (bảo tồn nguyên trạng bên ngoài) vừa được phân loại vào đợt thứ 9 cuối tháng 4-2022 lại không được ứng xử cẩn trọng. Biệt thự 9A được cải tạo và phía trước xây dựng thêm một công trình để tăng diện tích, chuyển công năng thành nhà hàng hải sản. Trụ cổng được xây cao để kết hợp với giàn thép bên trong tạo thành mái che cho khoảng sân. Biệt thự 9B được cải tạo, sơn màu trắng, cửa sổ và cửa chính tầng trệt là khung kính; trên tầng 1, cửa sổ vẫn duy trì bằng gỗ nhưng cửa chính ra ban công lại là kính.

Biệt thự 283 Điện Biên Phủ được phân loại nhóm 2 hồi tháng 4/2021 đến nay thì cửa đóng then cài. Dãy nhà phía trước giăng biển báo là trung tâm sách, cửa hàng mắt kính nhưng cũng đã đóng cửa từ lâu và thông báo di dời địa điểm.

Trên đường Võ Thị Sáu, biệt thự tại số 201 được phân loại nhóm 1 nhìn khá tàn tạ. Biệt thự này án ngữ trên khu đất rộng, sân trước có một chiếc ôtô 4 chỗ xẹp lốp đậu, kính chắn gió đầy bụi và lá khô. Gần đó, ở số 177 Võ Thị Sáu, biệt thự được phân nhóm 1 hồi tháng 5/2020 nhưng quan sát hiện trạng thì thấy như bị bỏ hoang từ rất lâu với dây xích, ổ khóa hoen gỉ. Phía trước là ki-ốt phòng bán vé máy bay đã đóng cửa, bên trong cỏ dại um tùm, cành cây khô, gạch, kính vỡ, rác… dính chặt mặt sân.

Đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1 và 3) trước kia tập trung nhiều biệt thự cũ, nhiều cây cổ thụ rợp bóng thì nay cũng bị chia cắt bởi nhiều tòa cao ốc. Còn tại quận Phú Nhuận, chúng tôi tìm đến địa chỉ 305/5 Nguyễn Trọng Tuyển và nhận thấy công trình được phủ lớp sơn trắng, phía trước đổ mái bằng vuông vức. Khi được hỏi về quá trình khảo sát, đánh giá bảo tồn biệt thự, chủ nhân căn biệt thự này hờ hững trả lời đây là việc của cơ quan chức năng và từ chối đưa ra ý kiến.

Đối với biệt thự 31 Lý Tự Trọng, vào tháng 5/2020 đã được đưa vào nhóm 2. Trong khi đó, biệt thự 25 Nguyễn Thị Minh Khai chưa được phân nhóm, hiện ngăn phòng cho thuê, tường bong tróc, rìa mái ngói bị hư hỏng...

Nhiều biệt thự tại các khu vực đất giá trị trong thành phố, tình trạng nhếch nhác về hình thức, tùy tiện, xao nhãng trong bảo tồn, lãng phí trong sử dụng cũng diễn ra tương tự.

Lãng phí...

Nói về căn biệt thự tại địa chỉ 201 Võ Thị Sáu (quận 3), chị Nguyễn Trần T.M., người dân sống gần đó, tiếc nuối: "Căn biệt thự cổ từng rất đẹp, nằm mặt tiền đường trung tâm thành phố, nói như bây giờ là đất vàng, mà lại bỏ hoang lâu như vậy, ai muốn ra vào cũng được, đó là một sự lãng phí".

Còn tại số 305/5 Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận), công trình không tạo điểm nhấn so với những kiến trúc xung quanh khiến ngay cả nhiều người dân ở khu vực cũng không biết đây là biệt thự cũ cần được bảo tồn. Theo bà Lê T.H. (có nhà gần căn biệt thự), nhà nước cần có cách quản lý, bảo tồn phù hợp để người dân thấy được giá trị của kiến trúc, không gian đô thị xưa, từ đó hiểu biết hơn về lịch sử kiến trúc và có ý thức chung tay gìn giữ. Ngoài ra, nếu làm tốt việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và chăm chút cho biệt thự cũ cũng là điểm nhấn phục vụ cho du lịch của thành phố.

https://nld.com.vn/thoi-su/bao-ton-biet-thu-cu-chua-on-20220522200606605.htm

Theo Quốc Anh/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm