Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bão số 12 suy yếu, miền Trung mưa rất lớn

Chuyên gia nhận định các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục hứng mưa lớn và gió mạnh những giờ tới khi bão số 12 đi sâu vào đất liền.

Trưa 10/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 12 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Lúc 10h, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền. Sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. 12 giờ tới, hình thái này đi theo hướng tây, vận tốc 10-15 km/h, tiến sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Sáng 10/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 12 chuẩn bị vào đất liền và cơn bão Vamco sắp vào Biển Đông.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết lúc 8h sáng, tâm bão nằm sát bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây gió mạnh và mưa rất lớn cho khu vực. Hiện, bão duy trì sức gió cấp 8, giật cấp 10.

Theo chuyên gia, 12 giờ qua, nhiều nơi đã xuất hiện mưa lớn nhưng do bão còn ở phía ngoài nên mưa chỉ tập trung ở ven biển, vùng núi có mưa phổ biến 50-70 mm. Từ sáng nay, địa phương miền núi bắt đầu có mưa to dần.

bao so 12 vao dat lien anh 1

Trong khi bão số 12 chưa vào đất liền, cơ quan khí tượng cảnh báo thêm về cơn bão Vamco sắp vào Biển Đông. Ảnh: VNMDS.

Ảnh hưởng của bão số 12, mưa lớn tiếp tục gia tăng trong ngày 10-11/11, trải rộng từ Quảng Trị đến phía bắc Khánh Hòa. Tổng lượng mưa trong hai ngày phổ biến 150-300 mm, trọng tâm mưa dồn về Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Với lượng mưa này, ông Khiêm cảnh báo nguy cơ xuất hiện một đợt lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và phía bắc Tây Nguyên. Mực lũ ở báo động 2-3, có sông trên báo động 3. Thời gian lũ lên cao từ đêm 12/11 đến ngày 13/11.

“Khu vực miền Trung đã mưa lũ rất lâu, nhiều nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm trong các bản tin dự báo về những vị trí thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất thời gian qua, để các địa phương có phương án ứng phó”, ông Khiêm nói.

Chuyên gia cho biết trạm quan trắc ở An Nhơn (Bình Định) đã ghi nhận gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Sông Cầu (Phú Yên) có gió cấp 7, giật cấp 9. Trong khi đó, Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 8. Sáng nay, gió mạnh bao trùm Phú Yên - Khánh Hoà.

“Chiều nay, khi cơn bão đi sâu vào đất liền, do tương tác với địa hình, đô thị có thể xảy ra gió giật”, ông Khiêm lưu ý.

Ngoài bão số 12, đại diện cơ quan khí tượng cũng cho biết cơn bão Vamco chuẩn bị vào Biển Đông có nhiều điểm gần giống bão số 9 (Molave) với điều kiện nhiệt lực, động lực lớn và tiềm năng mạnh lên rất cao. Hiện, bão ở cấp 8-9 và tăng nhanh trong 2 ngày tới, khả năng đổ bộ vào Philippines với sức gió mạnh cấp 13.

Sau đó, bão Vamco giữ sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 đi vào Biển Đông sáng 12/11. Chuyên gia đánh giá đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh với hoàn lưu rộng.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương cần lên phương án cụ thể trong việc ứng phó, không chỉ khi bão đổ bộ mà còn ứng phó với hoàn lưu sau bão gây mưa lớn.

Phó thủ tướng lưu ý địa phương phải rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đề phòng lũ quét, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà cửa và tính mạng.

“Tôi đề nghị các địa phương gấp rút triển khai phương án ứng phó với bão số 12, mưa lũ sau bão và cần sớm lên kế hoạch ứng phó với cơn bão số 13 sắp tới”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Dự báo đường đi của cơn bão sắp vào Biển Đông Sau khi bão số 12 đổ bộ vào Nam Trung Bộ, một cơn bão khác tiến vào Biển Đông ngày 12/11 và tiếp tục gây mưa lớn cho Trung Bộ cuối tuần này.

Khánh Hòa mưa to, nhiều nơi mất điện trước khi bão số 12 đổ bộ

Nhiều nơi ở Khánh Hòa mưa rất to khiến một số khu vực ở huyện Vạn Ninh ngập cục bộ. Sáng nay, 5 xã ở huyện Vạn Ninh mất điện do sự cố nổ trạm biến áp.

TP.HCM se lạnh

Ảnh hưởng của khối không khí lạnh tăng cường, thời tiết TP.HCM se lạnh vào sáng sớm, chiều có mưa.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm