Sáng 10/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 12 có xu hướng mạnh lên khi đạt sức gió cấp 9, giật cấp 12. Lúc 4h, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.
Những giờ tới, bão đi theo hướng tây, vận tốc 10-15 km/h và tiến vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, tâm bão quét thẳng qua Khánh Hòa. Sau đó, hình thái này suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 16h ngày 10/11, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực phía nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Ảnh hưởng của bão số 12, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và An Nhơn (Bình Định) đã quan trắc được sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Tại khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, mưa lớn suốt đêm qua với lượng 50-150 mm.
Hình ảnh vệ tinh của bão số 12 cho thấy rìa ngoài của bão đã chờm lên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, khu vực này đang có mưa lớn. Ảnh: Windy. |
Hiện, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 4-6 m, biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Ngãi và Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến ngày 12/11, từ Quảng Trị đến phía bắc Khánh Hòa có mưa lớn với lượng phổ biến 200-400 mm/đợt, có nơi trên 450 mm. Riêng Quảng Bình, phía nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt.
Cơ quan khí tượng cho biết sau khi bão số 12 đổ bộ, một cơn bão mới tiếp tục vào Biển Đông và gây mưa lớn cho Trung Bộ trong các ngày 14-16/10.
Trước tình hình này, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố cùng bộ, ngành và cơ quan chức năng, tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó với 2 cơn bão.
Đối với tuyến biển, lực lượng chức năng bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực nguy hiểm khẩn trương di chuyển, tránh trú đảm bảo an toàn.
Địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, kể cả các tàu thuyền đã neo đậu tại khu vực tránh trú và cần lưu ý đối với các tàu vận tải biển, tàu vãng lai neo đậu ở các cửa sông đề phòng lũ lớn.
Trên đất liền, đơn vị chức năng tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các nhà cao tầng, nhất là các nhà kính dễ xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ.
Các tỉnh, thành phố ven biển thông tin đầy đủ, kịp thời cho khách du lịch, nhất là khách quốc tế về diễn biến của bão bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh. Trong thời gian bão đổ bộ, du khách cần được khuyến cáo hạn chế di chuyển hoặc ra đường khi không cần thiết.