Sáng 3/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 10 đang cách quần đảo Hoàng Sa 380 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Trong vòng 12 giờ qua, bão không mạnh lên.
Ngày và đêm nay, hình thái này đi theo hướng tây tây nam, vận tốc 10-15 km/h. Sáng 4/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 290 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.
Sau đó bão chủ yếu di chuyển theo hướng tây tây nam với vận tốc 10 km/h và không có khả năng mạnh thêm. Ngày 5/11, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi tiến vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Bão số 10 có hướng di chuyển chếch xuống phía nam, hướng vào đất liền Phú Yên nhưng khả năng suy yếu trước khi đổ bộ. Ảnh: VNDMS. |
Chuyên gia khí tượng cho biết nguyên nhân bão không có khả năng mạnh lên, giữ cường độ cấp 8-9 khi đi vào đất liền, là không khí lạnh tăng cường trong những ngày tới sẽ áp chế cường độ của bão.
Hiện, bão di chuyển ở một vùng biển ấm 28 độ C nên sức gió có thể nhích lên cuối cấp 8 và đầu cấp 9. Sau đó, khi tiếp cận vùng biển phía trong, nhiệt độ mặt nước biển giảm xuống, sức gió sẽ yếu dần.
Dù vậy, hoàn lưu bão vẫn gây một đợt mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ, trọng tâm là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong các ngày 4-7/11.
Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa 300-400 mm/đợt, trong khi khu vực Bình Định, Phú Yên và phía bắc Tây Nguyên mưa 100-200 mm.
Ảnh hưởng của mưa lớn, lũ trên các sông khả năng lên cao trở lại. Lũ trên sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi có thể lên báo động 2 và báo động 3.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông nằm từ vĩ tuyến 12,5 đến 17 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 111 đến 118 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.