80 - 90% là hàng Việt
Thói quen mua sắm trong các siêu thị đang ngày càng “ăn sâu” vào phong cách tiêu dùng của người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như trước đây, hàng hóa tại các siêu thị chủ yếu là hàng ngoại nhập, thì nay con số này đã có sự thay đổi.
Tại các siêu thị hiện nay, có 80 - 90% hàng hóa là hàng Việt. |
Tại hội nghị tổng kết 5 năm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra ngày 3/7, bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc sở Công Thương TP.HCM cho biết, tại TP.HCM trong các siêu thị, 80 - 90% hàng hoá là hàng Việt Nam. “Ở TP.HCM, khách hàng có thể dễ dàng tìm mua hàng hóa Việt Nam trong các siêu thị”, bà Đào nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó tổng giám đốc- tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tiết lộ rằng, trong những năm qua, Tổng công ty đã tăng cường tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc nội địa chiếm tỷ lệ khoảng 80% tổng cơ cấu hàng hóa kinh doanh trong toàn hệ thống bán lẻ của Tổng công ty. Doanh thu các mã hàng Việt Nam trong tổng doanh thu toàn hệ thống bán lẻ của TCT cũng đã tăng từ 30 - 50% so với những năm trước.
Các sản phẩm do các công ty thành viên của tổng công ty sản xuất như rượu Vodka Hapro, rượu Vang Thăng Long, kem Thủy tạ, xúc xích ngon,...các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả an toàn Hapro,…chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được trưng bày, bày bán tại tất cả các địa điểm kinh doanh trong hệ thống phân phối của tổng công ty.
Bên cạnh đó, tổng công ty cũng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong việc mua sắm trang thiết bị tài sản phục vụ cho văn phòng, sử dụng các nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm nội địa và các dịch vụ trong nước có chất lượng tốt, tương đương hàng ngoại nhập để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
Tương tự, ông Hoàng Vệ Dũng - Phó tổng giám đốc - Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX) cũng cho biết, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, tổng doanh thu nội địa của Tập đoàn tăng dần từ năm 2010 đạt 15.740 tỷ đồng, năm 2011 đạt 18.518 tỷ đồng tăng 18% so với năm 2010, đến năm 2012 đạt 19.700 tỷ đồng tăng 6,4% so với 2011, năm 2013 đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 6% so với 2012.
Doanh thu nội địa trong 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Dệt May Việt Nam ước đạt 11.086 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Trong cả năm 2014, doanh thu nội địa Tập đoàn ước tăng 6,3% so với năm 2013, đạt 22.200 tỷ đồng.
Bên cạnh việc mang tới các sản phẩm chất lượng cao, chiếm được sự tin tưởng của đông đảo người tiêu dùng, Vinatex còn không ngừng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc, đem đến cho người tiêu dùng những địa điểm mua sắm tin cậy, an toàn và thuận tiện nhất. Năm 2013, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.125, tăng 4% so với năm 2012 và dự kiến sẽ tăng 3,9% đạt tổng số 4.286 trong năm 2014.
Đặc biệt, thực hiện lộ trình phát triển mạng lưới phân phối và cũng để góp phần nâng cao hiệu quả cho hoạt động đưa hàng dệt may Việt Nam về nông thôn, Tập đoàn lấy nòng cốt là Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam (Vinatexmart) thực hiện việc mở rộng hệ thống phân phối đến 28 tỉnh thành trong cả nước, kinh doanh hơn 60.000 mặt hàng với tỷ lệ 100% hàng Việt Nam.
Nỗi lo hàng giả, hàng nhái
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng theo các doanh nghiệp, để phát triển được hàng Việt, vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó tổng giám đốc - tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, không ổn định trong khi nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng lớn, nhất là tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp...
Sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu chất lượng tốt sản xuất trong nước làm giảm tính linh hoạt, phản ứng nhanh của các các thương hiệu nội địa, đẩy giá thành sản phẩm nội địa lên cao hơn hơn hàng dệt may nước ngoài. “Hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng tràn lan trên thị trường lại được gắn mác hàng Việt Nam, gây ảnh hưởng uy tín của nhà cung cấp với người tiêu dùng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo ông Dũng, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt; đa dạng hóa các loại hình phân phối, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt bền vững, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, Bộ Công Thương phải phối hợp với các Bộ, ngành và các Hiệp hội chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và những hành vi gian lận thương mại.