“Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) không đơn phương đưa ra quyết định đặt giàn khoan. Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã phê chuẩn việc khoan dầu trên Biển Đông từ đầu năm nay”, báo Asahi của Nhật Bản dẫn lời một nhà nghiên cứu ngày 29/5.
Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Ảnh: Asahi |
Theo nhà nghiên cứu, CNOOC đã yêu cầu khoan dầu tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Quân đội Trung Quốc, vốn luôn tìm cách tăng cường lợi ích quốc gia, ủng hộ lời kêu gọi của CNOOC.
Mặc dù vậy, các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc lo ngại về các mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia ASEAN và Mỹ nếu Bắc Kinh khoan dầu tại thềm lục địa của Việt Nam.
Trong một thời gian dài, Trung Quốc chưa thể hành động vì họ trình độ kỹ thuật của họ chưa đủ cao để khoan dầu tại vùng nước sâu gần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, vào năm 2008, CNOOC rót 983 triệu USD để sản xuất các thiết bị khoan tại vùng biển sâu. Quá trình sản xuất các thiết bị đó hoàn thành vào tháng 5/2011.
Ngày 2/5, CNOOC của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại thềm lục địa của Việt Nam, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và thế giới.
Trả lời phỏng vấn với phóng viên Christiane Amanpour của CNN, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: “Trung Quốc đang cố biến một khu vực không có tranh chấp trở thành tranh chấp. Đó là hành động không thể chấp nhận”.
Trong chương trình Dòng Sự kiện (News Stream) do CNN truyền hình trực tiếp, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh hôm qua cũng khẳng định việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành động leo thang căng thẳng trong khu vực. Thứ trưởng Vinh gọi đó là những hành động vô nhân đạo và Trung Quốc phải chấm dứt chúng trong tương lai. Trung Quốc tiến hành hàng loạt những hành động đe dọa các tàu Việt Nam, gây mất ổn định an ninh hàng hải và tự do đi lại ở Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trong khi đó, tại Đối thoại Shangri La 2014, diễn đàn an ninh uy tín bậc nhất khu vực, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ bài phát biểu quan trọng vào tối nay.
Theo Sankei Shimbun, Nhật Bản sẽ tận dụng bài phát biểu tại hội nghị để tạo đối trọng với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh và gây căng thẳng trên Biển Đông. Ông Abe sẽ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và kêu gọi "các cuộc thảo luận mang tính xây dựng" để giảm căng thẳng.