Hành động cải tạo và xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây căng thẳng trong khu vực. |
Malaysia lên tiếng
Các nhà quan sát đã bất ngờ khi Malaysia, một quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc nhưng luôn giữ im lặng trong nhiều năm qua lần đầu tiên đã lên tiếng phản đối trước sự hung hăng, lấn lướt của Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này ở phía bắc đảo Borneo.
Tuy nhiên, bất chấp việc Malaysia dọa sẽ kiện Trung Quốc lên tòa án cấp cao, Trung Quốc vẫn khẳng định rằng họ có quyền gửi tàu cảnh sát biển và thậm chí tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực này.
Malaysia đã không thể thể giữ im lặng lâu hơn nữa khi tàu cảnh sát biển của Trung Quốc neo đậu tại khu vực nước nông (bãi bồi) Lukoni – gần đảo nhỏ và cách rạn san hô khoảng 150 km về phía bắc của Kalimantan.
Bãi bồi này nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của Malaysia và cách Trung Quốc Đại lục khoảng 2.000 km.
"Đây không phải nơi mà mà các nước khác đòi hỏi yêu sách với Malaysia, bất kỳ tàu thuyền nước ngoài nào đến hoặc neo đậu tại khu vực này đều được xem là đang thực hiện hành vi xâm lược", Bộ trưởng An ninh Quốc gia của Malaysia, ông Shahidan Kassim, nhấn mạnh.
Trước đó, trong những năm 2013 và 2014, Trung Quốc từng đưa các tàu chiến đến diễn tập tại bãi James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chỉ khoảng 80 hải lý. Tuy nhiên, trong những lần đó, Kuala Lumpur đều im lặng.
Có thể, Malaysia không muốn làm xáo trộn các quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc. Lần này, theo Reuters, Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hải quân Mỹ theo dõi hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. |
Cộng đồng thế giới cũng không thể ngồi yên
Căng thẳng ở Biển Đông đã xuất hiện từ lâu, song các căng thẳng có chiều hướng ngày một gia tăng và kéo dài. Không chỉ có Việt Nam, Philippines, mà còn cả Mỹ và Nhật Bản cũng lên tiếng phản đối và bày tỏ sự lo ngại trước việc Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các hòn đảo nhân tạo trong vùng với mục đích quân sự quá rõ ràng.
Trung Quốc tuyên bố và có tham vọng sở hữu tới 90% diện tích mặt nước, tương đương khoảng 3,5 triệu km2, cơ sở pháp lý mà Trung Quốc đưa ra chính là các tấm bản đồ cũ nát, vốn không được quốc gia nào trong khu vực công nhận.
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông cũng đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) vừa diễn ra tại Đức hồi đầu tuần qua (7-8/6). Mặc dù vấn đề Trung Quốc không được đề cập trong nghị quyết chung của hội nghị G7 song, theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản, các đại biểu tham dự G7 đều bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và các hành động hung hăng của nước này trong thời gian gần đây.
Cũng theo Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố G7 cần phản đối kịch liệt những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông (ông Abe nói về hành động của Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo). Chính Nhật Bản cũng bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Hoa Đông.
Tờ báo Độc lập cho biết thêm, cùng với đối tác quân sự có truyền thống lâu đời là Washington, Nhật Bản, dự định sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc kiềm chế tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà lực lượng hải quân Nhật Bản và Philippines tuyên bố tiến hành cuộc tập trận chung thứ hai ở Biển Đông trong tháng 5 vừa qua. Trong tháng, hai tàu khu trục Nhật Bản và tàu Philippines hiện đại tuần duyên gần bãi cạn Scarborough, nơi Manila tuyên bố chủ quyền nhưng hiện nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Các cuộc tập trận chung chỉ là bước đi đầu tiên hướng tới tăng cường hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Philippines. Theo kế hoạch, trong tương lai, các máy bay quân sự của Nhật Bản như Lockheed Martin P3-C, hoặc các thiết bị do thám sẽ thực hiện các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông và được tiếp nhiên liệu tại các căn cứ quân sự của Philippines.
Để hợp thức hóa hoạt động này, Nhật Bản và Philippines đang chuẩn bị ký kết thỏa thuận song phương đặc biệt. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đạt được thảo thuận, theo đó, Tokyo sẽ chuyển giao cho Manila công nghệ và thiết bị quân sự.
Tàu chiến của Trung Quốc. |
Theo ông Xue Li Yangju, Tiến sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nước này đang tích cực thúc đẩy lợi ích của mình ở Biển Đông. Trước tình hình phức tạp, các quốc gia ngoài khu vực tranh chấp cũng đã lên tiếng phản đối và có những hành động (trong đó có Mỹ, Nhật Bản).
Mới đây, Nga và Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở vùng biển Địa Trung Hải. Cả hai nước đều cho rằng cuộc tập trận này không nhằm chống lại nước thứ ba và cũng không đe dọa đến nền hòa bình thế giới. Song, rõ ràng là Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác không phải không có lý do để quan ngại cho an ninh tại vùng Biển Đông. Bởi trong tương lai, không quân Trung Quốc có thể thực hiện các chuyến bay tới Vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ, chẳng hạn như gần các căn cứ San Diego và Newport. Điều đó có được coi là một mối đe dọa quân sự!?.
Cuối cùng, báo Độc lập kết luận, rõ ràng Bắc Kinh đã không đủ minh bạch để thuyết phục cộng đồng quốc tế và các đối tác trong khu vực về chiến lược của mình. Nhiệm vụ chiến lược của Trung Quốc - không phải để thiết lập quyền kiểm soát các vùng biển, mà thúc đẩy các ý tưởng hợp tác kinh tế giữa các quốc gia, được gọi là "Con đường tơ lụa"…, theo giải thích của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc thực sự mong muốn xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển", họ phải thuyết phục được các nước về sự chân thành trong ý tưởng hợp tác kinh tế đa quốc gia.
Báo Độc lập nhấn mạnh hãy chờ xem trong những tháng tới, lời nói của Trung Quốc có đi đôi với việc làm hay không.