Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạo lực, máu, giải trí khiêu dâm trong chuyện của đầu bếp huyền thoại

Tự truyện "Bí mật nhà bếp" của Anthony Bourdain phơi lộ thế giới chật chội và nóng bức, nơi tình yêu nấu nướng ám bóng tham vọng với đầy sắc thái "bạo lực".

Áo sơ-mi trắng không cài nút trên cùng, cà vạt đen để hở không thắt, tay trái cầm ly vang đỏ kiểu cách và tay còn lại, một chiếc đầu lợn còn nguyên lông lá đặt trên một chiếc đĩa men trắng - đó là Anthony Bourdain sau lúc đã thành công trong sự nghiệp và chu du khắp thế giới thưởng ngoạn của ngon vật lạ.

Điều gì đã làm nên một Anthony nổi tiếng toàn cầu, một Bourdain được yêu mến và kính trọng đến vậy? Không phải là một cuốn sách bí quyết thành công, nhưng tự truyện Bí mật nhà bếp (tên gốc: Kitchen Confidential) có câu trả lời cho nguyên nhân dẫn tới sự nổi tiếng của Bourdain.

Một cuộc đời phi thường

Anthony Bourdain là một ví dụ điển hình cho kiểu chàng trai chăn cừu Santiago đi tìm kho tàng trong truyện Nhà Giả Kim của Paulo Coelho. Chỉ vì lúc còn nhỏ được thưởng thức một bát súp mát lạnh, một con hàu tươi rói... sau này anh nhen nhóm trở thành một đầu bếp.

Anthony bước vào con đường tay dao, tay chảo như nhiều người khác. Anh bắt đầu với một công việc rẻ mạt và thấp hèn - rửa bát chỉ để có tiền mua cần sa; bị xỉ nhục là “thịt thối” - một trải nghiệm cay đắng mà không một đầu bếp nào muốn… Nhưng với sự ngông cuồng trẻ trai và tham vọng muốn xưng vương trong ngành ẩm thực, anh quyết định đi học nấu nướng đàng hoàng tại Học viện ẩm thực Mỹ và trở lại nhà hàng cũ để chứng tỏ mình.

Cuoc doi phi thuong cua Anthony Bourdain anh 1
Thành công của đầu bếp được đo bằng bao nhiêu vết sẹo trên tay, bao nhiêu viên giảm đau anh ta nhai rau ráu.

Trong cuốn tự truyện dài hơn 400 trang, Anthony Bourdain đã thuật lại cuộc đời phi thường của mình. Anh từng là một đứa trẻ trai nổi loạn và lãng mạn, sinh ra trong một gia đình trung lưu, bỏ học lêu lổng, một kẻ nghiện ngập… muốn tìm chỗ đứng trong một gian bếp. Sự nghiệp làm bếp của Anthony, một lần nữa, cũng giống như bao người khác, "lên voi xuống chó" lần này lượt khác. Tuy nhiên, vì đam mê nấu nướng và ẩm thực, cùng tham vọng nổi tiếng trong chuỗi dây chuyền nghề bếp, anh đã tìm thấy thành công.

Và để thành công, Anthony không chỉ biết nấu những món ăn Pháp bình dân mà ngon nhức nhối, không chỉ rành ẩm thực Italy mà còn là sự ranh ma, những âm mưu để có thể giữ ngôi vị bếp trưởng càng lâu càng tốt. Nó khác với làm bếp nhưng đó là một phần của chuyện bếp núc. Nếu không ma mãnh, không lường gạt, không sống như một thằng “chó chết” (Bourdain tự gọi mình), rất khó để tồn tại trong ngành ẩm thực, nhất là khi bạn làm bếp chính, bếp phó và đặc biệt là bếp trưởng của một nhà hàng.

Thông qua câu chuyện của mình, Bourdain cho thấy những bí mật ẩn trong căn bếp. Đó là nơi làm việc của cơ bắp, định lượng, và cả những tâm hồn bay bổng. Đó là nơi bạo lực đi kèm sự khéo léo. Là nơi sau giờ làm căng đét, những kẻ hùng hục nấu nướng trước đó có thể lao vào nhau làm tình trong kho lạnh...

Thành công trong nghề bếp mà Anthony Bourdain đạt được, theo như anh nói, không phải là sự nổi tiếng (thậm chí anh còn từng ghét mấy tay đầu bếp nổi tiếng trên truyền hình) mà được đo bằng số bao thuốc lá hút trong một ngày, nhai rau ráu bao nhiêu viên thuốc giảm đau, tay có bao nhiêu sẹo, nấu bao nhiêu phần ăn trong một ca làm việc cuối tuần... Điều này có thể khác xa với trí tưởng tượng của độc giả về sự thành công của nghề bếp. Vì thế, suy cho cùng, hình ảnh Anthony Bourdain bóng bẩy trên tạp chí trong phần trên, chỉ là một hình ảnh thành công được thi vị hoá và nhuốm màu tưởng tượng nhiều hơn là sự thât.

Một tự truyện xuất sắc

Xin nhắc nhỏ, cuốn Bí mật nhà bếp của Anthony Bourdain xuất bản tại Mỹ vào năm 2000, tức là gần 20 năm trước đây. Tuy nhiên, sách chỉ mới được chuyển ngữ và xuất bản đầu tiên tại Việt Nam đầu năm 2019. Và để tránh gây hiểu nhầm, chính Anthony Bourdain cũng nhắc nhở độc giả rằng, giới nhà hàng và ẩm thực tại New York hay rộng hơn là nước Mỹ đã có nhiều thay đổi so với trước đây.

Và xin nhắc nhỏ lần thứ 2, trước khi cuốn tự truyện Bí mật nhà bếp ra đời, Anthony từng viết văn chương hư cấu, gồm các tiểu thuyết Bone In The Throat (1995) và Gone Bamboo (1997). Điều này chỉ để nói rằng, Bourdain thực sự là một tài năng viết, cầm bút giỏi chẳng kém gì cầm dao hay “quạt chả” làm bít-tết hay các món hải sản tuyệt vời.

Cuoc doi phi thuong cua Anthony Bourdain anh 2
Cuốn tự truyện đầy lôi cuốn không chỉ về nghề bếp của Anthony Bourdain.

Ai từng đọc qua cuốn tự truyện này đều dễ hiểu tại sao nó bán chạy, ăn khách đến thế. Tác phẩm được viết đầy thú vị, sinh động, hấp dẫn người đọc một cách tự nhiên. Tờ Sunday Times có thể đã nói quá lên một chút khi cho rằng cuốn sách “hấp dẫn hơn cả một cuốn tiểu thuyết của Stephen King” nhưng không thể phủ nhận, Anthony viết rất lôi cuốn và được biên tập một cách sắc sảo.

Bí mật nhà bếp có đầy đủ mọi yếu tố có thể làm thoả mãn độc giả. Nó là tổng hoà của một cuộc đời phi thường, của những bí mật động trời về giới làm bếp, những lời khuyên ăn uống và cả nấu nướng. Chưa kể, Anthony Bourdain còn khéo léo kể câu chuyện của mình với những sắc thái “tội phạm”: bạo lực, máu me, giải trí khiêu dâm, ma tuý với những nhân vật trong giới bếp núc đáng tôn kính, lẫn những kẻ đầu óc không mấy bình thường.

Xét cho cùng, Bí mật nhà bếp của Anthony Bourdain cũng giống như 99 F (cuộc tiểu thuyết vạch trần hậu trường ngành quảng cáo) của nhà quảng cáo, nhà văn người Pháp Frederic Beigbeder. Đó không chỉ là những chuyện "hậu trường", "bếp núc" mà người trong nghề muốn giấu nhẹm đi. Đó còn là một giọng văn có phần hào hứng và cứng rắn, không hổ thẹn, đã lột tả một thế giới ẩm thực khốc liệt, hào nhoáng nhưng không kém phần bầy nhầy, đỉnh cao nghệ thuật nhưng không thiếu bạo lực; cũng như đưa ra những lời khuyên cốt tử nhất cho người đọc, vốn bắt buộc phải ăn mỗi ngày và xem quảng cáo một cách đầy thụ động. Và cũng chính cái khẩu vị ưa thích chuyện hậu trường, tò mò, tọc mạch của độc giả đã tiếp thêm cho sự thành công của những cuốn sách này.

Di sản Anthony Bourdain để lại…

Tháng 6/2018, Anthony Bourdon đã tự tử bằng cách treo cổ tại một khách sạn ở London (Anh) khi đang quay chương trình ẩm thực của ông phát trên kênh CNN. Đó là một sự kiện gây chấn động, khiến nhiều người vô cùng nuối tiếc. Nhưng với một cuộc đời phi thường, những trải nghiệm cùng đáy xã hội và vinh quang trên đỉnh, những khám phá mới lạ và nguồn truyền cảm hứng bất tận… liệu còn điều gì ngăn cấm ông đến với sự bất tử?!

Cuoc doi phi thuong cua Anthony Bourdain anh 3
Cuốn sách cho thấy những hình ảnh như này chỉ là phù phiếm.

Di sản mà Anthony Bourdain để lại là rất nhiều. Đó là một sự nghiệp làm bếp có thể gọi là lẫy lừng, một giải Emmy, nhiều đầu sách tự truyện và văn chương hư cấu, các chương trình truyền hình về ẩm thực và du lịch… Và có một di sản lớn hơn và quan trọng hơn, mà theo như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng chia sẻ: “Anh ấy đã khai sáng cho chúng ta về ẩm thực, nhưng quan trọng hơn là khả năng gắn kết chúng ta lại với nhau của anh ấy. Tony khiến chúng ta đỡ e sợ hơn trước những thứ mình chưa biết”.

Xin trích dẫn một đoạn mà Bourdain viết trong cuốn Bí mật nhà bếp với một chiêm nghiệm sâu sắc thay cho lời kết: “Tôi đã dành nửa đời người của mình để quan sát mọi người, chỉ bảo cho họ, cố gắng dự đoán suy nghĩ, tâm trạng, động lực và hành động của họ, rồi bỏ chạy khỏi họ, cố gắng điều khiển họ và bị họ điều khiển. Như thế vẫn chưa đủ để tôi hiểu hết. Con người là một bí ẩn đối với tôi. Họ làm tôi phân vân […] Ai mà biết quá khứ của ông ấy đã diễn ra những sự kiện gì để mà bây giờ, khi thấy món ăn này, ông lại trào nước mắt? Ai mà thèm quan tâm? Tôi chỉ biết những gì tôi đang thấy. Và tôi hiểu ngay không cần giải thích. Chỉ thế thôi”.

Bí mật nghề bếp trong tự truyện của Anthony Bourdain

Cuốn tự truyện đưa Anthony Bourdain thành ngôi sao đại chúng, trong đó không chỉ kể chuyện đời tác giả mà còn chứa đựng những bí mật nghề bếp.





Nhã Linh

Bạn có thể quan tâm