Trong khi “bão thập kỷ” Harvey tàn phá ở Mỹ đang là tâm điểm chú ý, nhiều nước châu Á, châu Phi cũng phải chịu những trận bão lũ với hậu quả nghiêm trọng.
Ấn Độ đang phải hứng chịu hậu quả lớn từ đợt mưa lũ kéo dài suốt tháng 8. Mưa lớn trong nhiều ngày khiến tình trạng ngập lụt tại thành phố Mumbai, trở nên tồi tệ. Trung tâm tài chính và văn hóa của Ấn Độ bị tê liệt mọi hoạt động, các chuyến tàu hỏa bị hủy và một bệnh viện bị ngập nước. Ngày 29/8, chính quyền thành phố buộc phải sơ tán hàng nghìn người trước khi mực nước tiếp tục dâng cao. Ảnh: Reuters.
Mùa mưa ở Ấn Độ thường gây ra số thương vong lớn, nhưng năm nay tình hình còn trở nên tồi tệ hơn. Nước lũ tràn qua các tiểu bang Assam, Bihar, Odisha, Tây Bengal và các khu vực khác. Tính đến ngày 1/9, hơn 600 người đã thiệt mạng do mưa lũ ở quốc gia này. Ảnh: Reuters.
Mùa mưa ở Ấn Độ thường gây ra số thương vong lớn, nhưng năm nay đã trở nên tồi tệ hơn. Nước lũ tràn qua các tiểu bang Assam, Bihar, Odisha, Tây Bengal và các khu vực khác. Theo số liệu của Gada World, tính đến ngày 1/9, ít nhất 600 người đã thiệt mạng do mưa lũ ở quốc gia này. Trong ảnh, người dân phải dùng bè từ cây chuối để di chuyển ở làng Pokoria, phía đông bắc của bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: AP.
Trong khi đó, tại Nepal, lũ lụt nghiêm trọng khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Gần 80.000 ngôi nhà bị phá hủy, hàng chục người bị nước lũ cuốn trôi. CNN dẫn lời quan chức Nepal cho biết ít nhất 143 đã thiệt mạng kể từ ngày 11/8. Ảnh: AFP.
Voi thậm chí đã được huy động giải cứu người dân khỏi lũ lụt. Hiện vẫn còn nhiều người mất tích. “Đây là trận lụt khủng khiếp nhất trong nhiều năm qua”, ông Francis Markus, người phát ngôn của Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế, cho biết. Ảnh: Chitwan RSS.
Bangladesh cũng đang trải qua đợt lụt lịch sử khiến khoảng 1/3 lãnh thổ nước này bị ngập. Theo CNN, những cơn mưa lớn liên tiếp từ tháng 6 đang gây ra đợt lụt lớn nhất trong 40 năm qua ở nước này. Ảnh: Getty.
Những cơn lũ dâng mới đây tại Bangladesh đã cướp đi sinh mạng của 142 người, cuốn trôi hơn 700.000 ngôi nhà, ảnh hưởng tới cuộc sống của 8,5 triệu dân tại quốc gia Nam Á. Liên Hợp Quốc ước tính hơn 640.500 ngôi nhà bị phá hủy, ít nhất 106.000 người đang ở trong các khu trú ẩn khẩn cấp. Hàng chục triệu người đối mặt với nguy cơ chết đói. Ảnh: Getty.
Đồ họa cho thấy những khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng ở Nam Á. Ít nhất 41 triệu người ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal đã bị ảnh hưởng trực tiếp vì lũ lụt và sạt lở đất trong mùa mưa kéo dài từ tháng 6 và đến tháng 9, Liên Hợp Quốc cho hay. Đồ họa: Vox.
Ngày 23/8 vừa qua, siêu bão Hato với sức gió đỉnh điểm lên đến gần 168km/h đổ bộ vào khu vực Hong Kong và Macau của Trung Quốc gây ngập lụt. Tại Hong Kong, hơn 450 chuyến bay bị hủy, thị trường tài chính phải tạm dừng hoạt động và trường học buộc phải đóng cửa vì cơn bão cấp 10 đầu tiên ập đến thành phố này kể từ năm 2012. Ảnh: Reuters.
Cơn bão Hato khiến 18 người thiệt mạng ở đặc khu hành chính Macau và khu vực phía nam Trung Quốc. Hàng trăm người khác bị thương. Tại Macau, chính quyền đặc khu này đã ban hành cảnh báo lũ lụt mới trong bối cảnh thành phố vẫn chưa hồi phục sau bão Hato, được xem là cơn bão mạnh nhất từng quét qua Macau trong 53 năm qua. Ảnh: AFP.
Tại quốc gia châu Phi Sierra Leone, lũ lụt và lở đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng khoảng 500 người. Hàng trăm người đang mất tích. Sierra Leone được biết đến là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 60% dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khổ. Ảnh: Getty.
Tâm điểm chú ý của thế giới trong tuần qua là cơn bão Harvey hoành hành ở miền Đông Nam bang Texas, Mỹ từ hôm 25/8. Đây là cơn bão mạnh nhất Mỹ phải hứng chịu trong 12 năm kể từ siêu bão Charley năm 2004. Đây cũng là siêu bão mạnh nhất đánh vào bang Texas kể từ bão Carla năm 1961. Với lượng mưa kỷ lục lên tới gần 2.000 mm, siêu bão này đã trút khoảng 102 tỷ m3 nước mưa xuống Texas và Louisiana trong 6 ngày, nhấn chìm nhiều nơi trong biển nước. Ảnh: Getty.
"Cơn bão thập kỷ" khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, phá hủy hoặc làm hư hại 100.000 ngôi nhà. Số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng do nước lũ vẫn dâng cao tại nhiều nơi.
Theo Trung tâm Quản lý Thiên tai và Giảm thiểu Nguy cơ (CEDIM) của Đức, thiệt hại do bão Harvey có thể lên tới 58 tỷ USD, biến siêu bão này trở thành vụ thiên tai gây thiệt hại vật chất lớn thứ 9 trên thế giới kể từ năm 1900 đến nay. Trong ảnh, người dân thành phố Houston, Texas loay hoay tìm đồ đạc khi nước lũ ngập nhà. Ảnh: Getty.
Bangladesh đang trải qua đợt lụt lịch sử khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy và hàng chục triệu người đối mặt với nguy cơ chết đói.
Trong khi bang Texas tiếp tục đối phó với những hậu quả thảm khốc từ bão Harvey, nước Mỹ phải đối mặt với nguy cơ mới từ Irma, cơn bão nhiệt đới có khả năng mạnh tới cấp 4.
Chuyên gia Mỹ nhận định với Zing.vn rằng "cơn bão thập kỷ" sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng về hệ sinh thái, nguồn nước có khả năng nhiễm độc và dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.