Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo lãnh dự án BĐS: Ngân hàng chỉ tìm doanh nghiệp lớn

Nửa tháng khi Luật kinh doanh BĐS năm 2014 có hiệu lực, các ngân hàng cấp tập tìm DN để ký hợp tác bảo lãnh dự án. Tuy nhiên, không phải đơn vị làm BĐS nào cũng có cơ hội.

Cuối tuần trước, có tới 5 ngân hàng (NH) đã cùng với Hưng Thịnh Corp ký kết hợp tác bảo lãnh các dự án của doanh nghiệp (DN) này, nhằm cam kết với người mua nhà độ an toàn tại các dự án đơn vị đang triển khai.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp cho biết, việc DN ký kết hợp tác bảo lãnh với 5 NH VietBank, SCB, Sacombank, VietinBank và BIDV, không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, mà còn tăng thêm niềm tin đối với khách hàng và các nhà đầu tư, giúp thị trường bất động sản (BĐS) phát triển bền vững. 

Ngoài ra, DN được các NH hợp tác bảo lãnh cũng giúp khẳng định thêm uy tín thương hiệu. Bởi NH phải thẩm định rất kỹ uy tín và năng lực của DN, cũng như tính thanh khoản các dự án mà mình bảo lãnh.

Thực tế những dự án đã được bảo lãnh trên địa bàn TP HCM là những dự án mà ngân hàng cấp tín dụng cho chủ đầu tư, và cả cho người mua nhà. Ảnh: N.Hữu.

Luật Kinh doanh BĐS 2014 chính thức có hiệu lực ngày 1/7. Trong đó Điều 56 quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được các DN, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Từ tháng 6, nhiều DN tại TP HCM đã bắt đầu thực thi quy định này, coi đây như “vũ khí” để bán hàng trong thời điểm địa ốc tan băng.  

Novaland được cho là đơn vị tiên phong khi bắt tay cùng VPBank ký hợp tác bảo lãnh cho người mua nhà đối với các dự án mà công ty này đang triển khai như The Sun Avenue, River Gate, Lucky Palace và The Tresor… từ đầu tháng 6.

Ông Bùi Hữu Phúc, Giám đốc đầu tư và phát triển Novaland cho biết, khách hàng khi mua nhà tại các dự án mà công ty này ký kết bảo lãnh sẽ được NH phát hành một chứng thư. Nếu chủ đầu tư chậm bàn giao nhà hoặc không triển khai dự án, khách sẽ được NH trả lại tiền.

Cùng thời điểm, Công ty Thảo Điền, chủ đầu tư dự án Masteri Thảo Điền (quận 2) cũng ký với Techcombank bảo lãnh dự án này. Tiếp đó, Sacomreal ký với 3 NH là ACB, HDBank, OCB bảo lãnh các dự án Jamona City (quận 7); Jamona Reverside và Carillon 3 (quận Tân Bình)… Địa ốc Gia Hòa cũng ký hợp đồng bảo lãnh tài chính với VietBank cho dự án căn hộ Trí Thức Trẻ (quận 9). Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền ký với Eximbank...

Doanh nghiệp nhỏ hẹp cửa

Thời điểm này, dự án được NH bảo lãnh hay không sẽ là một trong những tiêu chí để người mua xuống tiền. Do đó, những DN nhỏ có thể hẹp cửa khi tham gia vào thị trường BĐS.

Tổng giám đốc một DN địa ốc TP HCM cho rằng, quy định này sẽ khiến cho DN gặp khó khăn. DN không trường vốn sẽ phải bỏ thị trường, nếu NH chỉ chấp nhận bảo lãnh bằng thế chấp.

Bảo lãnh dự án nhà ở hình thành trong tương lai, ngân hàng sẽ làm nhiệm vụ hoàn trả tiền cho người mua nếu doanh nghiệp không giao nhà đúng tiến độ. Ảnh: N.Ý.

Ông này chia sẻ, để đầu tư một dự án, phần lớn vốn là DN đi vay. Mua đất vay khoảng 1/2 giá trị, và cũng mang dự án đi thế chấp, tiền xây dựng cũng vay, và lại thế chấp dự án này. Nay khi bán hàng, DN lấy gì thế chấp mong có được chứng thư bảo lãnh.

Thực tế, từ tháng 6 đến nay, tại TP HCM đã có nhiều DN và NH tìm đến nhau, tuy nhiên, đó mới là những dự án mà NH cấp tín dụng, chưa thấy NH nào bảo lãnh cho dự án "bên ngoài". Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, cho rằng, quy định bảo lãnh tài sản hình thành trong tương có cái hay là loại bớt nhà đầu tư kém năng lực, bảo vệ tuyệt đối quyền lợi cho người mua nhà, nhưng cũng nhiều hạn chế cho DN.

"Hiện nay, theo tôi thấy các NH mới ký hợp đồng bảo lãnh với chủ đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh. Nhưng nói đúng ra là các dự án mà NH bảo lãnh là dự án do NH đó cấp tín dụng cho chủ đầu tư thực hiện, cấp tín dụng cho cả người mua nhà. Tất nhiên, NH cũng phải 'thủ', để kiểm soát dòng tiền của mình", ông Châu nói.

Việc dự án được ngân hàng bảo lãnh là một trong những vũ khí để bán hàng của doanh nghiệp thời điểm này. Ảnh: H.Linh.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, chiếu theo những quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, cũng như quy chế của các NH thương mại, nếu cho vay tín chấp thì chỉ những DN lớn, uy tín, các chủ đầu tư có lịch sử tín dụng tốt mới được bảo lãnh. DN nhỏ, chưa có kinh nghiệm, năng lực tài chính chưa được chứng minh, hoặc DN lớn nhưng trong quá trình làm ăn "lỡ" chưa tốt với NH trong giai đoạn khó khăn nào đó, thì không có cơ hội.

Ông Phan Ngọc Hòa, Phó tổng giám đốc VPBank, cho biết, tiêu chí để ngân hàng này xem xét, bảo lãnh cho dự án rất khắt khe. "NH chịu áp lực trách nhiệm với sản phẩm/dự án mình bảo lãnh, do đó để an toàn, VPBank chỉ ưu tiên bảo lãnh đối tác truyền thống hoặc chiến lược", ông Hòa khẳng định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 07 (có hiệu lực tháng 8 tới) thay thế Thông tư 28/2012 liên quan đến việc bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. 

Theo các quy định hiện hành, ngân hàng thương mại và chủ đầu tư dự án BĐS tự thỏa thuận về mức phí bảo lãnh, dựa theo nguyên tắc của thị trường và tùy thuộc mức độ rủi ro, cũng như tính khả thi của dự án, phụ thuộc vào uy tín và xếp hạng tín nhiệm của chính chủ đầu tư.

Theo các DN BĐS, phí bảo lãnh cần được tính toán sao cho phù hợp với năng lực tài chính và điều kiện của DN. Các cơ quan quản lý cần xem xét xây dựng khung biểu phí, hoặc mức trần phí bảo lãnh để DN chủ động xây dựng phương án kinh doanh và cân đối tài chính cho dự án trước khi đưa ra thị trường.

Có thật giá nhà Việt Nam đang rẻ nhất thế giới?

Để khẳng định giá nhà Việt Nam rẻ hay đắt, phải dựa theo chuẩn phù hợp. Không thể mang ngôi nhà hay thu nhập của Thái Lan đặt vào Việt Nam, càng khập khiễng nếu so với Singapore.


H.Linh

Bạn có thể quan tâm