Theo trang Pandit Football, cầu thủ nhập tịch là những bản hợp đồng hấp dẫn đối với các đội bóng ở Indonesia. Không chỉ ở cấp CLB, đội tuyển quốc gia cũng đã có xu hướng sử dụng "cầu thủ bản chất là nước ngoài" kể từ năm 2010.
Hiện tại, con số thống kê về cầu thủ nhập tịch ở Indonesia gia tăng theo từng năm. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội dành cho những tài năng bản địa ngày càng trở nên eo hẹp.
Làn sóng cầu thủ nhập tịch tràn lan tại Indonesia. |
Việc phân tích những ưu, nhược điểm khi sử dụng cầu thủ nhập tịch không chỉ là câu chuyện của bóng đá Indonesia. Ở các quốc gia khác, kể cả khu vực Đông Nam Á, tranh luận vẫn diễn ra hàng ngày.
"Nhưng những gì mà Việt Nam đang làm trước làn sóng cầu thủ nhập tịch có thể trở thành bài học cho liên đoàn bóng đá, những nhà điều hành giải đấu ở Indonesia để tránh khỏi cám dỗ lạm dụng tài năng nhập tịch", trang này viết.
Làn sóng nhập tịch ở Việt Nam
Giải bóng đá chính thức ở Việt Nam có từ năm 1980, nhưng kỷ nguyên bóng đá chuyên nghiệp mới bắt đầu vào năm 2000. Khi đó, bóng đá Việt Nam cho phép mỗi CLB có tối đa 4 cầu thủ nước ngoài (3 cầu thủ cho giải hạng hai).
Đồng Tâm Long An trở thành đội đầu tiên chiêu mộ cầu thủ nước ngoài, đó là Fabio dos Santos. Thủ môn người Brazil đã đưa đội bóng chủ quản bước lên nấc thang thành công với việc vô địch hạng nhất và thăng hạng lên chơi tại V.League.
Thành công của Santos mở đầu cho sự xuất hiện của nhiều cầu thủ nước ngoài đến với đất nước Việt Nam. Vai trò yêu thích được các CLB nhắm cho ngoại binh là vị trí tiền đạo.
Điều này đã khiến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhận hàng loạt đề xuất nhập tịch cho các cầu thủ. Santos là cái tên đầu tiên được nhập quốc tịch trong năm 2007.
Năm 2009 được đánh giá là "cao điểm" với 8 cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam. Thậm chí, 2 cựu tuyển thủ quốc gia Thái Lan đã quyết định nhập tịch để giữ vị trí ở Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mà không ảnh hưởng đến hạn ngạch sử dụng cầu thủ nước ngoài của đội bóng.
Dù khao khát, Hoàng Vũ Samson vẫn chưa từng được lên tuyển. Đồ họa: Minh Phúc. |
Sau một thời gian dài tranh luận để xây dựng quy định, VFF áp dụng luật mới cho phép mỗi đội bóng có tối đa 3 cầu thủ nước ngoài và 1 cầu thủ nhập tịch.
Sự thay đổi này trong năm 2010 đã làm thay đổi bản đồ sức mạnh trong lòng bóng đá Việt Nam. CLB Hà Nội ngay lập tức thành công, trong khi Đồng Tâm Long An xuống hạng chỉ 2 mùa sau khi quy định mới được áp dụng.
Kể từ năm 2015, rất hiếm có đội bóng V.League nào sở hữu nhiều hơn một cầu thủ nhập tịch. Thậm chí 4 năm qua, có đến 4-6 đội không có cầu thủ nhập tịch trong đội hình.
Cầu thủ nhập tịch không phải lựa chọn của tuyển quốc gia
Sau Fabio dos Santos (đã đổi tên thành Phan Văn Santos), có 27 ngoại binh khác đã mang quốc tịch Việt Nam. Nhưng trong số 28 cầu thủ đó, không ai trở thành ngôi sao trong đội tuyển quốc gia. Cụ thể, chỉ có 3 cầu thủ nhập tịch từng lên tuyển, đó là Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves và Đinh Hoàng Max.
Pandit Football nhận định: "VFF quyết tâm sử dụng các tài năng bản địa trong đội hình tuyển quốc gia. Đặc biệt vào năm 2008, họ đã giành chức vô địch AFF Cup với những tài năng mang quốc tịch Việt Nam đích thực. Thậm chí, từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã 2 lần vô địch và lọt vào 4 trận bán kết AFF Cup mà không hề có bóng dáng của một cầu thủ nhập tịch nào".
Sự quyết tâm VFF đứng trước nhiều tranh luận gắt gao khi nhiều cầu thủ nhập tịch có phong độ rất tốt tại V.League. Huỳnh Kesley là cầu thủ ghi bàn hàng đầu tại giải vô địch quốc gia năm 2005, anh ghi được tổng cộng 89 bàn thắng trong 12 mùa giải thi đấu ở Việt Nam.
Đỗ Merlo đến từ Argentina có tới 4 lần dẫn đầu danh sách vua phá lưới V.League và trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều thứ 3 trong lịch sử V.League với 118 bàn thắng.
Hay Hoàng Vũ Samson - cầu thủ ghi bàn số một trong lịch sử V.League (174 bàn thắng) và là nhân tố chủ chốt giúp CLB Hà Nội bay cao ở đấu trường quốc nội trong nhiều năm qua - vô cùng khao khát được một lần lên tuyển nhưng vẫn chưa thể thành hiện thực.
Năm 2011, khi Indonesia bắt đầu mở cửa cho các cầu thủ nhập tịch, Việt Nam đã là quốc gia có nhiều cầu thủ tịch nhập tịch nhất châu Á (15 người). Vào thời điểm đó, Indonesia mới chỉ có 3 cầu thủ nhập tịch, nhưng con số này hiện đã tăng lên 25 người, trở thành quốc gia có nhiều cầu thủ nhập tịch nhất cùng với Philippines.
Năm 2013, câu chuyện nhập tịch có dấu hiệu chững lại. Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF ngày đó phát biểu: "Nhiều CLB không sẵn sàng đối mặt với sự cạnh tranh là do vấn đề tài chính. Việc cắt giảm các cầu thủ nước ngoài cũng là một yếu tố để VFF phát triển các cầu thủ trẻ".
Công Phượng và Quang Hải là những tài năng sáng giá của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Theo Pandit Football, "cuộc khủng hoảng tài chính" đó đã mang lại may mắn cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Các đội bóng ở V.League hạn chế tuyển dụng cầu thủ nước ngoài, trọng dụng các tài năng địa phương.
Nhờ đó, khi Lê Công Vinh giã từ tuyển quốc gia, hàng loạt những cái tên mới xuất hiện như Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Văn Toàn,... mài sắc hàng công của đội tuyển Việt Nam.
"Do đó, Việt Nam vẫn có thể giành chiến thắng với những tài năng trứng nước, lần gần đây nhất là vô địch AFF Cup 2018 và lọt vào tứ kết Asian Cup 2019. Những người trong năm 2008 chỉ đứng thứ 172 trên bảng xếp hạng FIFA, 10 năm sau đã đua lên vị trí thứ 99. Trong bóng đá Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam xếp hạng cao nhất ở FIFA", Pandit Football khẳng định.
Chìa khóa đến từ lò đào tạo
Theo trang phân tích thể thao của Indonesia, việc hạn chế cầu thủ nước ngoài không phải là cách duy nhất để bóng đá Việt Nam tự lực đi lên. Từ đầu năm 2007, các CLB Việt Nam đã chú trọng đầu tư vào phát triển học viện.
Chẳng hạn, Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường là những tài năng tiêu biểu của đội tuyển Việt Nam, họ đều đã tốt nghiệp học viện HAGL - môi trường đào tạo bóng đá hợp tác với CLB Arsenal.
Không chỉ có HAGL, theo Scott McIntyre - chuyên gia người Australia đã quan sát bóng đá châu Á từ năm 2003 - các CLB khác ở Việt Nam cũng đang nghiêm túc đầu tư cho học viện để phát triển tài năng trẻ.
"Trong hơn nửa thập kỷ trở lại đây, các cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam không chỉ được sinh ra từ học viện HAGL, mà còn cả CLB Hà Nội và các đội bóng khác đã làm được những điều phi thường trong việc phát triển cầu thủ trẻ. Họ đã tạo ra một thế hệ bóng đá mới", McIntyre đánh giá.
Tựu trung lại, việc VFF không bị cám dỗ bởi chất lượng của các cầu thủ nhập tịch như Hoàng Vũ Samson hay Đỗ Merlo đã mang đến cơ hội mới cho những cầu thủ thuần Việt thể hiện năng lực ở đội tuyển quốc gia.
"Quyết định ấy được chứng minh bằng những thành công hiện tại. Đội tuyển Việt Nam đã thể hiện giá trị ở mọi cấp độ nhóm tuổi, trong đó đội tuyển quốc gia bắt đầu nhắm đến đấu trường World Cup mà không cần sự xuất hiện của bất kỳ cầu thủ nhập tịch nào", Pandit Football kết luận.