Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo hiểm xã hội nói khó miễn lãi, khoanh nợ cho Mai Linh

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, việc khoanh và giảm nợ không thuộc thẩm quyền của cơ quan này nên văn bản kiến nghị của Tập đoàn Mai Linh khó thực hiện được.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) đã buổi với đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, liên quan đến văn bản cầu cứu của công ty này gửi các cơ quan thẩm quyền, xin được khoanh nợ, miễn lãi phát sinh mới.

Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết khoanh nợ, giãn nợ không thuộc thẩm quyền của BHXH. Cơ quan này làm việc với Mai Linh, để trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, Nhà nước xem xét. Thẩm quyền này là của Chính phủ áp dụng theo quy định tại Khoản 7, Điều 10 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2004.

“BHXH chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế về quỹ theo đúng quy định của pháp luật; không có thẩm quyền khoanh nợ, giảm nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị”, ông Liệu cho biết.

kho khoanh no cho Mai Linh anh 1
Theo BHXH, việc khoanh nợ cho Mai Linh không thuộc thẩm quyền của cơ quan này. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trong khi đó các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu đồng ý với kiến nghị của Mai Linh sẽ tạo nên tiền lệ xấu. Bởi cả nước có đến hàng nghìn doanh nghiệp khó khăn, phá sản, dừng hoạt động và buộc phải rời khỏi thị trường. Nếu doanh nghiệp nào gặp khó cũng đi xin như Mai Linh thì không đảm bảo tính công bằng và rất phức tạp để quản lý. Doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm với các hoạt động kinh doanh của mình.

Mai Linh lại nói mình có cơ sở để kiến nghị xem xét, vì việc khoanh nợ, giãn nợ này đã từng được áp dụng cho Vinashin vào năm 2010. Tuy nhiên, theo ông Liệu, việc đã quá thẩm quyền thì bây giờ chỉ chờ quyết định của các cấp cao hơn.

Với nợ thuế, Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, quy định việc gia hạn nộp thuế chỉ áp dụng đối với một số trường hợp. Như doanh nghiệp bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất - kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền...

Trước đó, với tình hình kinh doanh không khả quan, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội lớn, Tập đoàn Mai Linh gửi văn bản cầu cứu Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các cơ quan liên quan, xin được miễn lãi phát sinh với số tiền gốc và lãi gần 230 tỷ đồng và trả nợ chậm trong 20 kỳ. Số nợ này được Mai Linh giải thích là nợ cũ của các công ty con đã dừng hoạt động, nhưng tập đoàn phải trả thay. Số nợ này là gốc và lãi phát sinh từ năm 2012 về nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho rằng khoản nợ chỉ 84 tỷ đồng tính từ năm 2012, mà đến bây giờ cả tiền gốc, tiền lãi và phạt đã lên hơn 180 tỷ đồng. Tập đoàn cố gắng thanh toán một tháng khoảng 5 tỷ vẫn thấp hơn lãi cộng dồn. Từ đó nợ cứ chồng lên nợ, lãi chồng vào lãi và con số ngày một lớn.

“Hiện các khoản đóng mới của doanh nghiệp không được tính vào nợ gốc, mà chỉ để trừ lãi. Nếu Nhà nước cứ tính theo phương án tính lãi, tính phạt như vậy thì đến 100 năm sau Mai Linh cũng không trả hết khoản nợ này”, ông Hồ Huy chia sẻ.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm