Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bao giờ Việt Nam có trực thăng chữa cháy chuyên dụng?

Ý tưởng mua sắm trực thăng chuyên dụng phục vụ cứu hỏa được đưa ra nhiều năm nay, thậm chí có trong đề án quy hoạch của Hà Nội song đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Đã 9 năm trôi qua kể từ thời điểm chuyến trực thăng chở nước cuối cùng được Bộ Quốc phòng điều động lên rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn để cứu 1.000 ha rừng đang bị thiêu rụi. Bốn chiếc trực thăng được huy động bay lên Sa Pa, mỗi chiếc có sức tải 4 khối nước nhưng không thể khống chế được biển lửa.

Mới đây, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề cập đến việc trang bị máy bay chữa cháy tại Việt Nam. Ông cho biết hiện nay chưa có thang chữa cháy nào cao đến hết các tòa nhà cao tầng. Tại các tòa cao tốc phải có tầng chống cháy. Hoặc nếu áp dụng chữa cháy bằng máy bay thì phải tính toán sao cho hiệu quả.

Suốt nhiều năm chỉ đề xuất "miệng"

Trực thăng đã trở thành công cụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn phổ biến trên thế giới, nhưng vẫn còn là điều xa lạ người dân Việt Nam. Chủ đề này thỉnh thoảng lại được đưa ra bàn luận sôi nổi khi một địa phương, đơn vị nào đó đưa ra đề xuất mua sắm trực thăng chữa cháy chuyên dụng.

mua truc thang chua chay anh 1
Máy bay Ka-32 của Nga thực hành chữa cháy tại nhà cao tầng. 

Năm 2015, trong một cuộc trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết TP sẽ mua trực thăng chữa cháy. Tuy nhiên, việc này còn tính toán thời điểm và hiệu quả chữa cháy. Phát biểu ấy được đưa ra trong bối cảnh các vụ cháy nhà cao tầng phát sinh ngày càng nhiều.

UBND Hà Nội thậm chí đã phê duyệt một đề án quy hoạch tổng thể, trong đó nêu rõ thành phố sẽ mua một máy bay trực thăng cứu nạn, cứu hộ và một máy bay chữa cháy trong giai đoạn 2026-2030.

Trong cuộc họp tổng kết công tác năm 2016, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng cho biết đơn vị này đang làm đề xuất xin sử dụng trực thăng của quân đội phục vụ công tác chữa cháy ở các toà nhà cao tầng.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 60/2015, mở ra hành lang pháp lý cho việc trang bị máy bay chữa cháy và cứu hộ tại Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, mỗi địa phương thuộc đô thị loại đặc biệt và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp PCCC và cứu nạn cứu hộ quốc gia được trang bị tối đa 2 máy bay trực thăng chữa cháy, cứu hộ và 2 máy bay chữa cháy, niên hạn sử dụng 15 năm.

Trao đổi với Zing.vn, đại úy Nguyễn Tuấn Anh, quyền Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học Phòng cháy chữa cháy, cho biết các dòng xe thang chữa cháy của Hà Nội và TP.HCM chỉ có thể phun nước lên độ cao 32 m (tương đương tầng 10), trong khi nhiều cao tốc trong đô thị lên đến hàng chục tầng. Hạn chế này đặt ra yêu cầu phải có trực thăng chữa cháy trong đô thị.

mua truc thang chua chay anh 2
Những vụ hỏa hoạn ở tầng cao khiến lực lượng cứu hỏa gặp nhiều khó khăn dù đã có xe thang chuyên dụng. Ảnh: Việt Hùng.

Tuy nhiên, việc trang bị máy bay chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực gồm phi công, đội ngũ kỹ thuật viên phục vụ, đảm bảo cơ sở hạ tầng bay và được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Việc lái trực thăng chữa cháy không hề dễ dàng, phi công phải rất giỏi. Đám cháy với nhiệt độ cao sẽ tạo ra gió đối lưu, nếu không đảm bảo điều kiện về khí động học thì máy bay không thể tiếp cận, hoặc khói bốc lên có thể hạn chế tầm nhìn của phi công.

Theo quy định của Bộ Quốc phòng, hầu hết vùng trời nội thành thủ đô Hà Nội là vùng cấm bay (từ mặt đất đến vô cùng). TP.HCM là vùng cấm bay từ mặt đất đến 3.000 m. Đà Nẵng, Hải Phòng cũng có vùng cấm bay.

Tất cả chuyến bay thương mại đều phải hoạt động ở vùng ven thủ đô. Với một vùng trời được bảo an nghiêm ngặt, việc đưa trực thăng vào phục vụ các hoạt động PCCC, cứu hộ cứu nạn sẽ phải được cấp phép và giám sát rất chặt chẽ.

Cần trực thăng chữa cháy kết hợp cứu hộ

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng việc sử dụng trực thăng phục vụ các hoạt động dân sự trong đô thị sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam. 

Không chỉ chữa cháy, trực thăng còn được ứng dụng trong nhiều công việc như cứu hộ, cứu nạn, chống khủng bố, thậm chí trong tương lai là loại hình taxi trên không.

mua truc thang chua chay anh 3
Cảnh diễn tập cứu hộ ở quận 1 (TP.HCM) tháng 8/2013. Ảnh: Phạm An Dương.

"Nhiều đô thị ở Việt Nam có vùng cấm bay do Bộ Quốc phòng đặt ra để đảm bảo an ninh, nhưng trong tương lai nên cho phép trực thăng bay vào nội thành, chỉ tránh không đến gần những khu quân sự hay công trình trọng yếu", chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

Nói về hoạt động cứu nạn bằng trực thăng, đại úy Nguyễn Tuấn Anh cho biết có nhiều trường hợp cháy một tầng cao tốc ở giữa, chia cắt toàn bộ cư dân đang ở các tầng trên. Khi đó cần đưa người dân lên tầng thượng và dùng trực thăng cứu hộ để chở người ra khỏi đám cháy.

Theo khảo sát của Cảnh sát PCCC, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 10 sân đậu trực thăng trên các tòa nhà cao tầng. Trong đó, tòa nhà Diamond Plaza (quận 1) từng được sử dụng để diễn tập chữa cháy, cứu nạn cứu hộ năm 2013.

mua truc thang chua chay anh 4
Trực thăng cứu hộ được điều đến một vụ tai nạn ôtô tại quốc lộ 27 (New Zealand). Đội cứu hộ đã dùng trực thăng đưa một bé gái 12 bị thương nặng đến bệnh viện. Ảnh: Recue.org.nz.

Chữa cháy bằng trực thăng là một biện pháp đã được nhiều quốc gia cụ thể hóa, tuy nhiên vẫn còn khá xa vời với Việt Nam. Để hiện thực hóa thì điều kiện cơ sở vật chất, quy chuẩn, tiêu chuẩn đều phải thay đổi.

Hiện, Việt Nam chưa quy định cụ thể các tòa nhà từ độ cao bao nhiêu thì phải bố trí bãi đỗ trực thăng. Nhà cao tầng ở Hà Nội có xu hướng xây sát nhau khiến trực thăng khó tiếp cận.

Để loại phương tiện này có thể hoạt động, các đô thị như Hà Nội hay TP.HCM phải đảm bảo hệ thống sân bãi, bảo trì bảo dưỡng cho máy bay. Những tòa nhà cao tầng cũng phải bố trí bãi đỗ trực thăng để cứu người.

Đại úy Nguyễn Tuấn Anh cho biết hoạt động chữa cháy trên không tại các nước trên thế giới đã được áp dụng từ những năm 1940. Ba dạng máy bay được sử dụng kết hợp là trực thăng, thủy phi cơ và máy bay dùng động cơ phản lực (ví dụ Boeing 747 Supertanker, chứa được hàng chục khối nước để chữa cháy rừng).

Chất chữa cháy không chỉ có nước mà phải pha hóa chất tạo bọt. Loại trực thăng có kèm téc nước ở bụng thường chứa được từ 3 đến 4 khối nước, sau khi pha dung dịch có thể tạo ra 60-200 khối bọt.

Việt Nam có trực thăng chữa cháy, nhưng mới dừng ở dạng thả nước từ trên xuống, chủ yếu để chữa cháy rừng, không phù hợp với các đám cháy ở nhà cao tầng.

Việc chữa cháy bằng trực thăng đặc biệt hữu ích khi ngọn lửa bốc cao thành vệt, lan qua 3-4 tầng nhà. Tuy nhiên khi phun nước vào cửa sổ phải cân nhắc vì có thể tạo ra áp lực đẩy văng chất cháy vào các phòng nằm sâu bên trong, khiến đám cháy càng trầm trọng. Do đó, trực thăng chữa cháy không thể hoạt động độc lập mà phải kết hợp với lính cứu hỏa.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ kể chuyện điều trực thăng đi chữa cháy ở Fansipan

Năm 2010, Bộ Quốc phòng điều trực thăng chữa cháy ở Fansipan nhưng không hiệu quả vì nếu bay thấp thì cháy máy bay, bay cao thì “nước chưa xuống đến lửa đã bốc hơi hết rồi”.

Những mẫu máy bay chữa cháy chuyên dụng chưa có tại Việt Nam

Ngoài trực thăng Mi-172 được gắn thêm gàu chữa cháy, hiện Việt Nam chưa có loại máy bay cứu hỏa chuyên dụng nào dù ý tưởng mua sắm đã được nêu cách đây nhiều năm.



Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm