Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ kể chuyện điều trực thăng đi chữa cháy ở Fansipan

Năm 2010, Bộ Quốc phòng điều trực thăng chữa cháy ở Fansipan nhưng không hiệu quả vì nếu bay thấp thì cháy máy bay, bay cao thì “nước chưa xuống đến lửa đã bốc hơi hết rồi”.

Câu chuyện huy động trực thăng đi chữa cháy được Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/8, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018”.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, trên cả nước có 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỷ đồng và 6.462 ha rừng.

Trung bình mỗi năm 3.287 vụ cháy xảy ra, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1.600 tỷ và 1.615 ha rừng.

Phương tiện mặt đất không chữa cháy được thì tính phương tiện trên không

Cho ý kiến vào báo cáo giám sát, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị tăng cường đầu tư cho lực lượng chữa cháy tại chỗ. Theo ông, nếu lực lượng tại chỗ không đủ mạnh, thiết bị chữa cháy không kịp thời thì nguy cơ bùng phát rất lớn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác phối hợp giữa các lực lượng khi ứng phó với hỏa hoạn.

truc thang chua chay anh 1
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến dẫn câu nói “Nước xa không cứu được lửa gần” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư cho lực lượng chữa cháy tại chỗ, nhằm nâng cao hiệu quả của lực lượng này.

Ông cũng đề nghị đánh giá xây dựng họng nước, bể nước và bến nước chữa cháy. Nhiều vụ cháy xảy ra gần sông nhưng xe chữa cháy không xuống lấy nước được vì không có bến.

Trong khi đó, cháy rừng cũng liên tục xảy ra, kéo dài do chưa làm tốt các đường băng cản lửa. “Nhiều nước họ làm đường băng cản lửa tốt, chúng ta có những cánh rừng bạt ngàn nhưng không làm được đường băng cản lửa, đề nghị đánh giá thêm việc này”, ông Chiến nói.

Nêu thực tế ở đô thị mật độ dân cư rất đông nhưng sinh sống trong ngõ, ngách, khi xảy ra cháy, các phương tiện rất khó tiếp cận. Vì vậy, theo ông Chiến, khi phương tiện mặt đất không tiếp cận được thì phải nghiên cứu phương tiện trên không như trực thăng. Và cần có tầng “cứu hỏa” để trực thăng đậu phun nước chữa cháy.

Trực thăng chữa cháy không hiệu quả

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu thông tin 50% trang thiết bị PCCC cũ và lạc hậu. Thậm chí, có thiết bị trên 20 năm, khi xảy ra cháy mang đến lại không vận hành được.

Ông cũng băn khoăn trường hợp xe thang không vươn đến các tòa nhà cao tầng hay trung tâm thương mại để chữa cháy. “Không biết ta có trực thăng chữa cháy chưa, chứ hỏa hoạn ở đây rất nguy hiểm”, ông Thanh nói.

Hiện nay, có hàng nghìn công trình được đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm định PCCC, trong đó, nhiều tòa chung cư cao tầng tại Hà Nội cứ cho dân vào ở dù chưa nghiệm thu PCCC.

“Không hiểu khi xảy ra hỏa hoạn, chết người thì trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Thanh nói và đề nghị đoàn giám sát nêu rõ điểm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá kinh phí bảo đảm ngân sách cho công tác PCCC rất hạn chế, chỉ gọi là hỗ trợ và đặt câu hỏi làm sao cảnh sát PCCC tiến thẳng đến chính quy, hiện đại được.

truc thang chua chay anh 2
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ảnh: Quốc hội.

Làm rõ hơn vấn đề ông Thanh đặt ra, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói hiện nay chưa có thang chữa cháy nào cao đến hết các tòa nhà cao tầng, mà các tòa nhà này phải có tầng chống cháy.

Về vấn đề trực thăng chữa cháy, vị Phó chủ tịch Quốc hội từng giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định “không phải không có”.

“Nếu cần huy động thì quân đội sẵn sàng ngay”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông kể lại câu chuyện từng trực tiếp chỉ đạo thử dùng trực thăng chữa cháy một lần nhưng “không giải quyết được gì cả”.

Theo Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ, năm 2010, Bộ Quốc phòng huy động trực thăng lên chữa cháy ở khu vực Fansipan (Lào Cai). Khi trực thăng xuống hồ của Sa Pa hút được nước lên, nếu bay thấp sẽ cháy máy bay luôn nên buộc phải bay cao để phun nước xuống. Tuy nhiên, khi bay cao thì “nước chưa xuống đến lửa đã bốc hơi hết rồi”.

Ông Tỵ cho rằng nếu dùng máy bay thì phải dùng hóa chất  thì mới có thể dập được các đám cháy rừng, chứ không thể dùng nước.

“Cái này có thực tế rồi, cần dùng trực thăng bao nhiêu cũng có, đáp ứng được nhưng cái chính là có khắc phục được không”, ông Tỵ nêu vấn đề.

Theo ông, có hai vấn đề cần nghiên cứu. Trước hết Bộ Xây dựng phải nghiên cứu trong quá tình xây dựng, nhất định phải thiết kế tầng chống cháy. Hai là dùng trực thăng phải dùng chất gì chứ không thể dùng nước được, vì như thế không hiệu quả, và chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế.

Câu chuyện vì sao không dùng trực thăng để chữa cháy gần đây cũng được đặt ra khi liên tiếp các vụ cháy rừng xảy ra ở miền Trung vào tháng 7. Thị sát ở Hà Tĩnh lúc đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chữa cháy bằng trực thăng cần sử dụng từ 3 đến 5 trực thăng dội nước liên tục chữa cháy cho một điểm, trong khi đó tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh. Vì vậy, việc huy động trực thăng là khó khăn.

Không chỉ vậy, tình hình gió phơn thổi mạnh cũng ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy. Đặc biệt, phương án này ảnh hưởng tới an toàn bay trong bối cảnh trực thăng làm cả nhiệm vụ chữa cháy.

Phó thủ tướng lý giải vì sao chưa huy động trực thăng chữa cháy rừng

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, chữa cháy rừng bằng trực thăng cần 3-5 chiếc dội nước liên tục tại một điểm, trong khi hỏa hoạn phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh.

Trực thăng Việt Nam được 'độ' thêm gàu nước chữa cháy như thế nào?

Mi-172 là loại trực thăng được Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) cải tiến để cẩu gàu nước đến các đám cháy.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm