Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trực thăng Việt Nam được 'độ' thêm gàu nước chữa cháy như thế nào?

Mi-172 là loại trực thăng được Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) cải tiến để cẩu gàu nước đến các đám cháy.

Việt Nam cải tiến trực thăng Mi-172 để chữa cháy Những chiếc Mi-172 được cải tiến để cẩu thêm gầu nước nặng 4 tấn. Khi bay đến đám cháy, phi công sẽ căn chỉnh quán tính, hướng gió nhằm thả "quả bom nước" trúng khu vực có lửa.

Theo Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Vietnam Helicopters - Bộ Quốc phòng), Mi-172 là một trong những dòng máy bay hệ Mi phổ biến nhất trên thế giới bởi tính linh hoạt, đa mục đích và có hiệu suất cao, hoạt động bền bỉ. Tổng công ty đã sử dụng máy bay này trong các chuyến bay dầu khí, bay chuyên cơ và gần đây nhất là cứu hỏa.

"Độ" gàu chứa nước cho trực thăng

Trực thăng vận tải - chiến đấu hệ Mi do Liên Xô sản xuất chiếm số lượng lớn trong dàn trực thăng của Việt Nam. Việt Nam sở hữu Mi-8 và các phiên bản cải tiến như Mi-17, Mi-171, Mi-172...

truc thang chua chay rung anh 1
Trực thăng Mi-172 trong một buổi huấn luyện cứu hỏa. Ảnh: Vietnam Helicopters.

Năm 2016, Vietnam Helicopters đã đưa máy bay Mi-172 sang Indonesia để chữa cháy rừng theo hợp đồng với nước bạn.

Những chiếc Mi-172 được cải tiến thiết kế để cẩu thêm gàu nước nặng 4 tấn. Khi bay đến đám cháy, phi công sẽ căn chỉnh quán tính, hướng gió để thả "quả bom nước" trúng những khu vực có lửa.

Dù ghi nhận sự hoạt động hiệu quả ở nước ngoài, trực thăng chưa được sử dụng phổ biến trong các đám cháy ở Việt Nam.

Mới đây, trong vụ cháy kéo dài 5 ngày tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã nhận được ý kiến về việc dùng phương tiện này để phục vụ cứu hỏa. Song theo ông, chữa cháy bằng trực thăng cần sử dụng từ 3 đến 5 chiếc dội nước liên tục cho một điểm, trong khi tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh. Vì vậy, việc huy động trực thăng là khó khăn.

truc thang chua chay rung anh 2
Các kỹ sư của Vietnam Helicopters cải tiến trực thăng Mi-172 để tăng sức tải của gàu nước từ 2,5 tấn lên 4 tấn. Ảnh: QPVN. 

Lần hỏa hoạn gần đây nhất có sự tham gia chữa cháy của trực thăng là vào năm 2010, khi vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn - Sapa thiêu rụi 1.000 ha rừng.

Bốn chiếc trực thăng được huy động bay lên Sa Pa, mỗi chuyến chở theo 4 khối nước. Máy bay tưới nước vào rừng như... muối bỏ bể, không đạt hiệu quả do gió mạnh và địa hình phức tạp.

Trao đổi với Zing.vn, đại tá Nguyễn Hữu Hùng (Phó cục trưởng Cục cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) cho rằng không phải vị trí hỏa hoạn nào cũng huy động được trực thăng.

"Trong vụ cháy ở Hà Tĩnh, chúng tôi đã tính đến phương án dùng trực thăng nhưng xét thấy lực lượng tại chỗ vẫn đảm bảo kiểm soát ngọn lửa", ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, các ao hồ, sông gần nơi hỏa hoạn phải có độ sâu tối thiểu 4,5 m mới vừa kích cỡ gàu múc.

"Nâng lên đặt xuống" kế hoạch mua trực thăng chuyên dụng 

Tính đến nay, Việt Nam có hàng trăm máy bay trực thăng các loại, có nguồn gốc từ Nga, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, nước ta chưa từng có trực thăng chữa cháy chuyên dụng.

Trên thế giới có nhiều dòng máy bay chuyên dụng được thiết kế dành riêng cho việc cứu hỏa. Nổi bật là dòng trực thăng Ka-32A11BC do Nga sản xuất. Theo đơn vị sản xuất, có tới 40 thiết bị chữa cháy kèm theo máy bay, bao gồm súng phun nước theo phương ngang, gàu chứa nước tối đa 5 tấn...

truc thang chua chay rung anh 3
Trực thăng Ka-32A11BC chữa cháy bằng súng phun nước. Nguồn: Kumape.

Dòng máy bay này không quá xa lạ với phi công Việt Nam. Chúng ta đã có kinh nghiệm vận hành trực thăng họ Kamov từ các dòng Ka-27 săn ngầm và Ka-32T vận tải - những phiên bản trước của Ka-32A11BC.

Đầu năm 2016, Cảnh sát PCCC TP.HCM đề xuất phương án mua trực thăng chữa cháy hiện đại với đơn giá có thể lên tới 1.000 tỷ đồng/chiếc.

Thời điểm xảy ra vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn - Sapa vào tháng 2/2010, Cục Kiểm lâm khi đó cũng tính tới việc mua máy bay chữa cháy chuyên dụng. Mỗi chiếc trị giá 20-30 triệu USD.

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những kế hoạch. Cục Cảnh sát PCCC cho biết toàn lực lượng vẫn chưa có trực thăng chữa cháy chuyên dụng nào.

Phó thủ tướng lý giải vì sao chưa huy động trực thăng chữa cháy rừng

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, chữa cháy rừng bằng trực thăng cần 3-5 chiếc dội nước liên tục tại một điểm, trong khi hỏa hoạn phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh.

Chặn quốc lộ 1, ngăn xe vào khu vực cháy rừng ở Hà Tĩnh

Rạng sáng 30/6, lửa tiếp tục bùng phát trở lại ở rừng thông phòng hộ huyện Nghi Xuân. Nhiều chốt chặn trên QL1 được lập nên để hướng dẫn phương tiện không đi vào khu vực cháy.


Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm