"Quy hoạch đô thị ở TP.HCM đang coi nhẹ không gian cho người đi bộ, mà quan tâm kinh doanh vỉa hè hơn. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy trong quản lý đô thị", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định về nguyên nhân khiến các giải pháp quản lý vỉa hè được triển khai lâu nay nhưng vẫn không đạt hiệu quả.
Ghi nhận của Zing trên các tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh (quận 7), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng (quận 3)... tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn. Hàng quán, bãi đậu xe sắp xếp lộn xộn khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Các cơ sở kinh doanh chỉ thực hiện nghiêm túc khi cơ quan chức năng kiểm tra, sau đó lại "đâu đóng đấy".
Vỉa hè để đi bộ hay bán hàng?
Trao đổi với Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận việc coi nhẹ không gian đi bộ đã trở thành thói quen xấu trong quản lý đô thị ở TP.HCM. Đây là trở ngại lớn cho việc phát triển giao thông công cộng hay xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.
"Khi làm giao thông công cộng, một trong những ưu tiên hàng đầu là đưa người đi bộ đến nơi có phương tiện. Nếu người đi bộ không thể đi trên vỉa hè, làm sao họ lựa chọn giao thông công cộng? Thậm chí, nếu kinh tế vỉa hè xâm phạm không gian cần thiết cho người đi bộ thì cũng không nên giữ", chuyên gia nêu quan điểm.
Theo ông Sơn, một phần dẫn đến tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm là do khâu quản lý còn hạn chế. Để khắc phục, công tác quản lý phải siết chặt lại trong việc xây dựng, quy hoạch các dự án, công trình đô thị.
Xe máy lấn chiếm vỉa hè trên đường Hoàng Sa, quận 1 khiến người dân phải đi xuống lòng đường. Ảnh: Chí Hùng. |
Ở góc nhìn khác, ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan, nguyên Phó trưởng khoa Đô thị học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), cho rằng việc quy hoạch vỉa hè cần xác định giá trị kinh tế từ các hoạt động khai thác và sử dụng vỉa hè mang lại. Đây là nguồn thu cho ngân sách địa phương để tái đầu tư công trình nâng cấp và cải tạo.
TP.HCM phải quy hoạch đồng bộ về chức năng và thiết kế vỉa hè. Việc quy hoạch cần xác định giá trị kinh tế từ các hoạt động khai thác và sử dụng vỉa hè mang lại.
ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan
"Chính quyền không thể cấm hoàn toàn hoạt động mua bán trên vỉa hè. Bên cạnh sự tiện lợi, đây là nét đặc trưng với du khách nước ngoài. Hoạt động buôn bán trên vỉa hè cũng là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ dân thu nhập thấp", bà Lan chia sẻ.
ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan nhìn nhận công tác quản lý và hoạt động sử dụng vỉa hè tại TP.HCM chưa đạt hiệu quả.
Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng triển khai không đồng bộ trong hoạt động quản lý và khai thác vỉa hè. Ngoài ra, địa phương cũng không còn được chủ động trong việc bố trí ngân sách cho các công trình cải tạo hoặc sửa chữa vỉa hè như trước đây.
Ngoài ra, chuyên gia đề xuất TP.HCM cần có quy định rõ ràng việc phối hợp giữa các địa phương trong công tác quản lý và khai thác vỉa hè, đặc biệt là những nơi có cùng ranh giới hành chính.
Nên thu phí vỉa hè ra sao?
Đầu tháng 2, Sở GTVT báo cáo UBND TP.HCM việc rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông công cộng để xây dựng đề án thu phí vỉa hè, lòng đường. Thành phố dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm kinh doanh, quảng cáo... nhưng phải đảm bảo dành ít nhất 1,5 m cho người đi bộ. Nếu vỉa hè hiện hữu không đảm bảo chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Đồng tình với phương án trên, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển TP.HCM, cho rằng nhu cầu sử dụng vỉa hè ở thành phố rất lớn, không thể hoàn toàn làm trống không gian này.
Ông Hòa lấy dẫn chứng từ đầu năm 2022, quận 3 (TP.HCM) đã tiến hành thu phí sử dụng vỉa hè trên các tuyến đường lớn như Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám... Hay trước đó, những quận trung tâm ở Hà Nội cho thuê vỉa hè với giá 45.000 đồng/m2, hợp đồng có thời hạn 6 tháng. Các địa phương đã áp dụng và đem lại dấu hiệu tích cực.
Cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện thu phí. Chính quyền có thể áp dụng công nghệ để hạn chế tiêu cực.
TS Trương Hoàng Trương
Theo chuyên gia, trước khi tiến hành thu phí, TP.HCM phải khảo sát được số lượng và hiện trạng các tuyến vỉa hè, nhu cầu sử dụng của người dân, không gian thực tế đang diễn ra thế nào.
Đề án thu phí cần giải đáp được các vấn đề: Khu vực nào được thu phí? Mức thu theo tháng/quý/năm là bao nhiêu? Nguồn thu được sử dụng thế nào? Các đơn vị liên quan (bên thuê và bên cho thuê) có trách nhiệm ra sao trong việc tu sửa, bảo dưỡng không gian vỉa hè?
"Thành phố có thể nhìn từ bài học của Bangkok và Singapore. Hai nơi trên đã áp dụng rất thành công thu phí vỉa hè, trong đó mức thu dựa trên bốn tiêu chí: Vị trí, doanh thu từ việc kinh doanh, diện tích mặt bằng sử dụng, khoảng thời gian dùng", Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển TP.HCM lưu ý.
Theo chuyên gia, cần phải khảo sát được tình trạng vỉa hè, nhu cầu sử dụng của người dân trước khi tiến hành thu phí khu vực công cộng này. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó, TS Trương Hoàng Trương, khoa Đô thị học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), cho rằng không phải tuyến đường nào cũng có thể áp dụng thu phí vỉa hè. Cụ thể, thành phố chỉ nên áp dụng với những nơi có vỉa hè rộng, người dân thực sự có nhu cầu. Chính quyền có thể nghiên cứu phương án cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè với mục đích đỗ xe, kinh doanh... ở khung giờ nhất định.
"Quan trọng là cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện thu phí. Chính quyền có thể áp dụng công nghệ để hạn chế tiêu cực", chuyên gia cho biết.
Góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh chỉ cho phép phát triển kinh tế vỉa hè ở những khu vực đủ rộng. Theo ông Sơn, không thể phủ nhận những giá trị kinh tế vỉa hè đem lại, song đây không phải là ưu tiên số một. Quan trọng là chính quyền phải làm tốt quy hoạch, sắp xếp lại trật tự vỉa hè.
Vị KTS cho rằng thu phí vỉa hè không phải nguồn thu quan trọng, chỉ bổ sung vào ngân sách chỉnh trang đường phố. Nếu không tính toán hợp lý, có thể để lại nhiều hệ lụy trong công tác quản lý đô thị.
"Trước khi thu phí, phải tính toán rõ chỗ nào được buôn bán, chỗ nào không. Không nên để đoạn vỉa hè nào được trả phí cũng đều có thể buôn bán. Nếu không làm rõ quan điểm này, việc quy hoạch rất dễ phản tác dụng", ông Sơn lưu ý.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh vấn đề căn cơ nhất trong quản lý và sử dụng vỉa hè phải là công tác quy hoạch. Từ quy hoạch, thành phố sẽ chỉ rõ và xác định khu vực vỉa hè nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào và cơ chế, quy chế quản lý ra sao.
Ông Mãi cho biết đề án mới về quản lý vỉa hè mà TP.HCM đang xây dựng được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập hiện hữu trong lĩnh vực đô thị.
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.