Nhiều ngày gần đây, các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM xuất hiện tình trạng mù khô, làm giảm tầm nhìn khi tham gia giao thông cũng như gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Tiến sĩ Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP HCM đã trả lời phóng viên Zing.vn để làm rõ hiện tượng này.
- Thưa tiến sĩ, những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mù khô kéo dài những ngày qua tại miền Tây và Đông Nam Bộ?
- Tình trạng mù khô xuất hiện do bụi bẩn, chủ yếu là bụi than trong không khí cộng với độ ẩm dưới 75%, tồn tại trong nhiều thời điểm suốt cả ngày.
Tình trạng này xuất hiện trên diện rộng từ Cà Mau đến tận Bình Thuận. Trong đó, TP HCM có vẻ bị mù khô nặng hơn do mật độ xây dựng lớn, nhà cao tầng nhiều làm ngăn gió nên lượng bụi bị lưu giữ lâu và đặc hơn.
Ảnh vệ tinh của NASA chụp đảo Sumatra của Indonesia. Trong đó những chấm đỏ là khu vực xảy ra cháy, màu trắng là khói bụi từ vụ cháy lan đi. Ảnh: NASA. |
Trước đây có một số trận mù khô, nhưng chỉ kéo dài trong nửa ngày thì chấm dứt. Còn những ngày qua không có gió mạnh và mưa lớn nên không cuốn được lượng bụi gây mù khô này đi nên tình trạng kéo dài.
Theo những thông tin tôi nắm được, tình trạng mù khô ở nước ta gần như chắc chắn do khói bụi cháy rừng từ Indonesia gây ra.
7/10 là ngày thứ 3 tình trạng mù khô xuất hiện và kéo dài trên diện rộng từ các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Anh Lý Văn Của (TP Cà Mau) cho biết, hôm nay trên địa bàn vẫn còn hiện tượng sương mờ từ sáng, đến trưa thì giảm bớt nhưng vẫn làm giảm tầm nhìn người chạy xe.
Một người dân ở TP Mỹ Tho nói, đến trưa khu vực nội thành vẫn còn mờ mờ, nhiều người không hiểu thời tiết đang bị gì và ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nên khá lo lắng. “Đứng trên cầu Rạch Miễu nhìn xuống thành phố rất mờ ảo, không thấy rõ các công trình cao tầng như thường ngày”, người này cho biết.
Tại TP HCM, từ sáng sớm, mù khô vẫn xảy ra tại quận 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, Bình Thạnh. Đến 14h cùng ngày, sương mù đã tan bớt nhưng còn khiến người tham gia giao thông bị giảm tầm nhìn và khó chịu.
“Tôi chạy xe từ trung tâm thành phố ra quận 9, thường ngày không bị gì nhưng những ngày này cảm thấy mắt bị cay, đôi lúc phải dừng lại mua nước suối rửa mặt", anh Trần Thanh nói.
Nhiều người nghi vấn tình trạng mù khô là do biến đổi khí hậu hoặc ô nhiễm môi trường, đặc biệt là TP HCM có lượng xe cộ rất cao và nhiều khu công nghiệp, nhưng điều này chưa có cơ sở.
Khu công nghiệp và xe cộ ở TP HCM đông từ trước đến nay, nếu đó là lý do bị mù khô thì nó phải xuất hiện thường xuyên.
Nhưng hiện tượng lần này có tính chất nhất thời, không thể "gán" 2 chuyện vào nhau được.
- Vụ cháy rừng ở Indonesia ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
- Theo thông tin từ NASA, ảnh vệ tinh của cơ quan này chụp rõ vụ cháy rừng trên diện tích rất lớn tại đảo Sumatra của Indonesia khiến luồng khói dày đặc bay tản ra xung quanh các nước.
Không chỉ có chúng ta bị ảnh hưởng mà các nước xung quanh cũng đang chịu hậu quả từ vụ việc này.
Ngày 3/10, Singapore đã hủy khai mạc cúp bơi lội thế giới. Ngày 4/10 Malaysia buộc phải ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học do khói bụi từ cháy rừng của Indonesia. Đường phố Bangkok của Thái Lan cũng chìm trong làn khói mờ nhiều ngày.
Tiến sĩ Hồ Long Phi theo dõi tình hình cháy rừng tại Indonesia. Ảnh: Trường Nguyên. |
Do đó, tình trạng mù khô tại miền Nam nước ta xuất hiện và kéo dài chắc chắn có nguyên nhân từ Indonesia. Tình trạng này làm giảm tầm nhìn của người tham gia giao thông và gây ra một số bệnh đường hô hấp.
- Thưa tiến sĩ, tình trạng này kéo dài bao lâu?
- Chưa thể xác định được tình trạng này kéo dài đến bao giờ vì muốn chấm dứt chúng thì nguồn phát sinh (cháy rừng) phải được ngăn chặn. Hiện Indonesia đã huy động hơn 20.000 người dập lửa và tạo mưa nhân tạo.
Nếu trong thời gian này tại miền Nam xuất hiện mưa lớn và gió mạnh có thể cuốn khói bụi đi, làm giảm mù khô. Tuy nhiên, gió mưa cũng không chắc sẽ chấm dứt được tình trạng này, nếu cháy rừng vẫn còn và khói bụi cứ tràn vào.
Tình trạng mù khô tùy theo khu vực, nơi nào thoáng, nhiều cây xanh sẽ nhanh hết hơn chỗ nhiều nhà cao tầng; khu ngoại ô sẽ tan nhanh hơn trung tâm thành phố.
Ngày 7/10, TP HCM vẫn còn hiện tượng mù khô nhưng nhẹ hơn ngày hôm qua. Ảnh: Trường Nguyên. |
- Ông có những khuyến cáo nào đối với người dân trong những ngày xuất hiện mù khô?
- Trong những ngày này, người đi xe máy nếu không mang đồ bảo hộ như kính mắt, khẩu trang thì dễ bị cay mắt và khó thở cũng như giảm tầm quan sát.
Để hạn chế ảnh hưởng, nếu không cần thiết nên tránh ra đường, tránh những khu vực bị mù khô nặng, nhất là đối với người bị bệnh hen suyễn, phổi, tim…
Ra đường nên mang kính và sử dụng khẩu trang chất lượng, chạy chậm và quan sát kỹ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình.
Nguyên tắc sống chung với mù khô:
- Đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường.
- Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể.
- Khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay.
- Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn.
- Hạn chế đi ra ngoài.