Vào tháng 5/2019, thi thể mất đầu của một con báo đốm được tìm thấy tại một bãi rác ở phía nam Cộng hoà Belize. Sự kiện này, cùng nhiều vụ việc tương tự khác, đã khiến người dân địa phương vô cùng phẫn nộ. Chính quyền đã phối hợp với các công ty, trao phần thưởng lên tới 8.000 USD cho người cung cấp thông tin về kẻ giết hại báo đốm.
Không chỉ là vấn đề gây nhức nhối ở riêng Belize, các vụ săn bắt và giết hịa trái phép báo đốm đang ngày càng xảy ra nhiều hơn trên phạm vi hoạt động của loài vật này, từ Mexico tới Argentina.
Báo đốm Nam Mỹ đang bị đe doạ, với ngày càng nhiều vụ bắt giữ các bộ phận của chúng được phát hiện. Nhu cầu với răng nanh và móng để làm trang sức từ thị trường Trung Quốc được cho là nguyên nhân của tình trạng này. Ảnh: Minden Pictures. |
Báo đốm đang bị đe dọa
"Tôi cho là trong một thời gian dài, việc này không được chú ý vì đơn giản nhà chức trách không quan tâm. Cho tới tận gần đây, việc xử lý vấn nạn buôn bán động vật hoang dã không phải là ưu tiên ở hầu hết quốc gia Mỹ Latin", bà Pauline Verheij, chuyên gia về động vật hoang dã, người theo dõi nạn săn bắt trái phép báo đốm ở Suriname và Bolivia, nhận định.
Nhiều năm qua, bà Verheij và nhiều chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã khác đã cảnh báo rằng hoạt động săn bắn và buôn bán bất hợp pháp báo đốm Nam Mỹ đang gia tăng. Hiện tại, nhiều loài mèo lớn trên thế giới cũng đang bị đe doạ tuyệt chủng, chủ yếu do mất sinh cảnh và bị trả thù vì giết gia súc của người dân.
Các chuyên gia về buôn bán động vật hoang dã cũng phát hiện nhiều trường hợp báo đốm bị giết có liên quan đến công dân hoặc điểm đến ở Trung Quốc. Tại Bolivia, nhà chức trách đã chặn một bưu kiện gửi tới Trung Quốc bên trong chứa hàng trăm răng nanh báo đốm, nhiều khả năng sẽ được chế tác thành trang sức phục vụ thị trường này.
Giờ đây, nghiên cứu mới được công bố tháng này trên tạp chí khoa học Conservation Biology đã cung cấp cái nhìn tổng quan, đầy đủ hơn về tình hình buôn bán trái phép báo đốm, tập hợp dữ liệu từ các quốc gia Trung và Nam Mỹ. Nghiên cứu phát hiện rằng ngày càng có nhiều vụ bắt giữ các bộ phận của báo đốm trên khắp khu vực, và sự đầu tư tư nhân từ Trung Quốc có mối tương quan với thị trường buôn lậu này.
"Lần đầu tiên, chúng ta có một bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra ở Trung và Nam Mỹ liên quan đến việc buôn bán trái phép các bộ phận cơ thể của báo đốm", cô Thais Morcatty, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành nhân chủng học tại Đại học Oxford Brookes, đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ.
Các phát hiện cho thấy một sự tương đồng giữa tình hình buôn bán động vật hoang dã ở Nam Mỹ với những gì xảy ra ở Đông Nam Á và châu Phi, trong đó sự hiện diện ngày càng tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc trong các dự án phát triển lớn của vùng cũng làm tăng tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, bao gồm những loài mèo lớn.
"Những gì chúng ta nhìn thấy là mô hình ở châu Á và sau đó là châu Phi đang xuất hiện ở Nam Mỹ. Chỉ cần có nhu cầu, nó sẽ được đáp ứng, ngay cả khi bạn phải đi tới một lục địa khác trên thế giới", ông Vincent Nijman, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
"Nếu chúng ta có thể nắm bắt được điều này từ đầu, khi việc buôn bán bắt đầu gia tăng, chúng ta có thể thay đổi tiến trình đó trước khi quá muộn", cô Morcatty nói thêm.
Một cửa hàng bán các sản phẩm từ động vật hoang dã, trong đó có xương sọ của báo đốm tại Peru. Ảnh: Alamy. |
Báo đốm gần như đã tuyệt chủng do săn bắt quá mức trong thế kỷ 20. Nhu cầu cao dành cho bộ da của loài này khiến chúng gần như biến mất. Mỹ là nước tiêu thụ lớn nhất, với 23.000 bộ da báo đốm được nhập khẩu trong mỗi năm 1968 và 1969. Do dân số báo đốm giảm mạnh ở Nam Mỹ, thậm chí cả ở những vùng hẻo lánh của Amazon, giới chức đã cấm buôn bán sản phẩm từ loài này vào năm 1975.
"Trong quá khứ, chúng ta suýt mất loài báo đốm vì sự săn bắn quá mức trong một khoảng thời gian ngắn. Phải mất hàng thập kỷ và rất nhiều nỗ lực bảo tồn của nhiều quốc gia để phục hồi quần thể loài này", cô Morcatty cho biết.
Mối tương quan đáng lo ngại
Dân số báo đốm dần tăng trở lại, với ước tính có khoảng từ 60.000 đến 170.000 cá thể trong tự nhiên. Nhưng hiện nay sự hồi phục này đang bị đe doạ, vì chúng đang suy giảm số lượng ở phạm vi sinh sống trên khắp lục địa. Mặc dù săn bắt trái phép có thể không phải là nguyên nhân chính khiến dân số báo đốm suy giảm, nhưng nó sẽ giúp làm trầm trọng hơn tình hình.
Theo cô Morcatty, để bảo vệ gia súc, nông dân sẽ có xu hướng giết báo đốm nhiều hơn nếu biết họ có thể kiếm được tiền từ xác con vật.
"Chúng ta không nên để mối đe doạ này kết hợp với các mối đe doạ khác đã có từ trước", cô Morcatty nói.
Dấu hiệu sớm nhất xuất hiện vào năm 2003, khi một người đàn ông Trung Quốc làm việc ở siêu thị tại Paramaribo, Suriname, tiếp cận một nhân viên kiểm lâm và hỏi rằng liệu anh này có thể mang một con báo đốm đến không.
Bà Verheij cho biết nhân viên kiểm lâm nói trên đã bị sốc khi thấy có người đến hỏi anh ta làm việc phạm pháp một cách rất tự nhiên.
Đến năm 2003, các thợ săn bản địa ở Suriname bắt đầu được người Trung Quốc đặt hàng cho răng và móng vuốt của báo đốm. Sau đó những bộ phận này sẽ được chế tác thành mặt dây chuyền để bán tại cửa hàng trang sức thuộc sở hữu Trung Quốc, hoặc đưa chúng tới đại lục.
Để xác định mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cô Morcatty và đồng nghiệp đã tìm kiếm các thông tin trên báo chí và dữ liệu của cảnh sát tại 19 quốc gia Trung và Nam Mỹ trong giai đoạn 2012-2018. Tổng cộng có 489 vụ bắt giữ sản phẩm động vật hoang dã được phát hiện, với khoảng 1.000 cá thể mèo lớn, hầu hết là báo đốm nhưng cũng có báo đen và mèo gấm. Chỉ trong vòng 5 năm, số vụ bắt giữ bộ phận của báo đốm đã tăng gấp 200 lần.
Brazil là nước có nhiều vụ bắt giữ nhất, tiếp theo đó là Bolivia, Colombia, Peru và Surinam. Hầu hết hồ sơ các vụ bắt giữ không cho biết đích đến cuối cùng của bộ phận từ báo đốm, nhưng cô Morcatty có thể liên kết 34% số vụ việc với nhu cầu Trung Quốc.
Những bộ da báo thu được trong một vụ bắt giữ tại Brazil. Ảnh: Science Source. |
Nhóm của cô Morcatty phân tích dữ liệu dựa trên nhiều biến số khác nhau để xác định yếu tố làm gia tăng hoạt động buôn bán trái phép báo đốm. Đầu tiên, nếu một quốc gia có nhiều báo đốm, những vụ bắt giữ ở đó sẽ nhiều hơn. Sau đó, mức độ tham nhũng và nghèo đói của một quốc gia cũng tác động đến tình trạng săn bắn trái phép ở quốc gia này.
Biến số quan trọng thứ 3 chính là sự xuất hiện của những công ty và dòng tiền Trung Quốc, vốn tăng gấp 10 lần ở Trung và Nam Mỹ trong một thập kỷ qua, chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng.
"Dường như các quốc gia có dòng tiền mới từ Trung Quốc là những nước mà chúng ta thấy được sự gia tăng buôn bán và săn bắt trái phép báo đốm", tiến sĩ Nijman nhận định.