Trước đó, nhóm các bác sĩ thú y tại tổ chức môi trường Mata Ciliar ở thành phố Jundiaí, thuộc bang Sao Paulo, Brazil, còn ca ngợi sự ra đời của báo đốm con là thành tựu khoa học đột phá trong việc bảo tồn loài động vật quý, theo New York Post.
Báo đốm con ra đời vào ngày 16/2, 104 ngày sau khi báo đốm mẹ 5 tuổi có tên Bianca được thụ tinh nhân tạo.
Báo đốm con là giống cái, được sinh ra khỏe mạnh và báo mẹ Bianca đã chăm sóc con rất chu đáo cho báo con vào ngày đầu tiên, bác sĩ thú y cho biết.
"Thật không may sau hai ngày, báo con đã chết. Chúng tôi không biết tại sao và không dám chắc liệu nó có bị mẹ giết không. Camera không ghi lại được hình ảnh này", ông Samuel Nunes, phát ngôn viên của tổ chức Mata Ciliar, nói với FocusOn News.
"Đây là lần đầu tiên làm mẹ của Bianca và điều này có thể đã ảnh hưởng. Đội thú y không thể tiến hành xét nghiệm xác báo con vì nó đã bị ăn thịt", ông nói thêm.
Báo đốm mẹ Bianca. Ảnh: FocusOn News. |
Bianca là một trong năm con báo đốm cái được chọn tham gia dự án thụ tinh nhân tạo. "Trong vài năm qua, chúng tôi đã nỗ lực thụ tinh nhân tạo với báo đốm cái, nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, vào tháng 11/2018, chúng tôi đã đạt được kết quả tích cực", giáo sư Regina Paz, thuộc Đại học Mata Grosso Federal của Brazil, cho biết.
Sự ra đời của báo đốm con nói trên là cột mốc lịch sử quan trọng, tiếp thêm động lực cho hoạt động khoa học bảo tồn loài mèo lớn có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, dù có vẻ khá kinh khủng, việc báo đốm con bị mẹ ăn thịt không phải là hiện tượng hiếm gặp trong cả môi trường tự nhiên và điều kiện nuôi nhốt. Đây cũng là hiện tượng phổ biến đối với các loài động vật ăn thịt, theo các nhà khoa học.
Nhóm nghiên cứu cho biết dù báo đốm con đã chết, họ vẫn rất hài lòng với kết quả nghiên cứu. Các nhà khoa học dự định thực hiện nhiều ca thụ tinh nhân tạo trên báo đốm hơn trong năm nay.