Sáng 1/8, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với 21 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định trước tình hình áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và đổ bộ vào đất liền.
Hiện, nhận định ban đầu của cơ quan khí tượng cho thấy các hình thái cực đoan trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn tới thời tiết các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây ra đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày.
Bão đổ bộ vào đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết rạng sáng nay (1/8), áp thấp nhiệt đới ở vị trí ngang với tỉnh Quảng Bình, cách bờ biển nước ta 450 km về phía đông. Trong hôm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong 24 giờ qua, hình thái này di chuyển ổn định theo hướng tây tây bắc với bán kính hoàn lưu rất rộng. Vùng xoáy bên trong tâm lên đến hàng trăm km nên gây ra khó khăn cho cơ quan khí tượng trong việc xác định cấu trúc, hệ thống mây đối lưu của cơn này.
"Do cấu trúc của hệ thống này chưa ổn định nên các mô hình tính toán đều bị phân tán. Cường độ hiện ở giai đoạn cuối của áp thấp nhiệt đới và đầu cơn bão nên việc xác định cường độ tối đa và khả năng đổ bộ của bão sẽ khó khăn", ông Khiêm cho biết.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão trong những giờ tới của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Cơ quan dự báo Hong Kong. Ảnh: NCHMF và HKO. |
Theo Cơ quan dự báo Hong Kong, áp thấp nhiệt đới sau khi thành bão sẽ đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ. Khi đi vào đất liền, trọng tâm của bão có thể nằm tại khu vực Thanh Hóa giáp với phía nam đồng bằng Bắc Bộ. Thời gian đổ bộ vào chiều 2/8.
Sau khi tổng hợp thông tin từ 32 mô hình dự báo khác nhau, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định xác suất cao nhất là sau khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2, hình thái này sẽ đi vào đảo Hải Nam, sau đó tiến vào Vịnh Bắc Bộ và đổ bộ đất liền.
Vùng xoáy của tâm bão có thể nằm trên ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Trọng tâm bão đi vào được nhận định là khu vực từ Nam Định đến Thanh Hóa, đổ bộ vào 15h-18h ngày 2/8.
"Thời gian qua, tình hình nắng nóng kéo dài. Do đó, mặc dù vùng trung tâm bão có thể chưa tiến vào đất liền nhưng sẽ gây ra lốc xoáy, gió giật mạnh ngay từ đêm nay do hoàn lưu bên trong cơn bão tạo ra", ông Khiêm cho biết.
Rủi ro cao khi bão đổ bộ vào cuối tuần
Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết theo dự báo, phạm vi gió của áp thấp nhiệt đới đang bao trùm toàn bộ Biển Đông. Bão có thể đổ bộ đất liền vào chiều 2/8, trùng thời điểm đỉnh của triều cường tại Hòn Dáu lên cao nhất trong tháng. Đây là một trong những khó khăn của công tác ứng phó.
Ngoài ra, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên một phổ khá rộng với lượng mưa nhiều nơi có thể trên 500 mm/đợt. Trong khi đó, khu vực đổ bộ có hoạt động kinh tế, du lịch biển sôi động nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiện, 1.600 thuyền với hơn 8.000 lao động còn đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương và Tổng cục Thủy sản phối kết hợp để đảm bảo các phương tiện tàu thuyền này được neo đậu an toàn.
Về sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp yêu cầu các địa phương tập trung thu hoạch lúa và hoa màu đã đến độ chín, trước thời điểm bão đổ bộ để tránh ngập úng, gây thiệt hại nặng nề.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Mỹ Hà. |
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương tập trung đảm bảo an toàn trên biển. Ngoài các tàu thuyền đang hoạt động, lực lượng chức năng cần tập trung bảo vệ 25.000 lồng bè đang sản xuất.
"Làm thế nào để vừa bảo vệ sản xuất nhưng đồng thời phải bảo vệ tính mạng con người. Không được để trường hợp người dân ở trên các lồng bè vào thời điểm bão đổ bộ", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, các khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị là những nơi bão có thể đổ bộ trực tiếp, kinh nghiệm cho thấy thiệt hại về người tại đây không nhiều nhưng thiệt hại kinh tế rất lớn. Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương bảo vệ cho các công trình, trước hết là nhà ở của người dân và bảo đảm công trình công cộng như trụ sở cơ quan, công sở, nhà trẻ, nhà văn hóa.
"Điều quan trọng nhất là phải chủ động sơ tán người dân khỏi các khu vực không đảm bảo an toàn khi mưa lũ lớn xảy ra, mưa sau bão mới gây nguy hiểm. Đồng thời, công tác phòng chống thiên tai phải đi kèm phòng chống dịch bệnh", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định.
Cơ quan khí tượng cho biết ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sẽ gây ra một đợt mưa lớn trên 350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt cho Bắc Bộ trong các ngày 1-5/8. Đây có thể là đợt mưa lớn và kéo dài nhất tại khu vực kể từ đầu năm.
Trong khi đó, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa lớn trên 400 mm/đợt, có nơi trên 500 mm/đợt. Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam có mưa trên 250 mm/đợt và phía bắc Tây Nguyên mưa 300 mm/đợt.
Từ nay đến 5/8, Hà Nội có dông. Riêng các ngày 1-3/8, khu vực mưa to đến rất to với vũ lượng phổ biến 150-250mm/đợt.