Rạng sáng 1/8, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa có sức gió vùng gần tâm mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và khả năng mạnh lên thành bão.
Rạng sáng 2/8, tâm bão nằm ngay trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ và cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120 km về phía Nam. Lúc này, vùng gần tâm bão có sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Ngay sau đó, bão giữ nguyên hướng đi, giảm vận tốc còn 10-15 km/h, đi vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão số 2 trong đêm nay. Ảnh: NCHMF. |
Cơ quan khí tượng Nhật Bản có cùng dự báo khi cho rằng áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Hình thái này sẽ đạt cường độ cực đại là 64 km/h (cấp 8) vào rạng sáng 2/8, trước khi đổ bộ vào đất liền.
Cơ quan khí tượng Hong Kong cho biết áp thấp nhiệt đới sẽ duy trì sức gió cấp 7 trong vòng 24 giờ tới và chỉ mạnh thành bão khi chuẩn bị đi vào Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, nhận định ban đầu cho thấy bão chưa thể giảm cấp ngay khi đi vào đất liền.
Theo bản đồ dự báo đường đi, tâm bão có thể hướng vào khu vực Ninh Bình - Thanh Hóa. Vùng ảnh hưởng của bão cũng rộng khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.
Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão, đi vào đất liền nước ta. Ảnh: Cơ quan dự báo Nhật Bản, Hong Kong. |
Cơ quan khí tượng cho biết ảnh hưởng của hình thái này sẽ gây ra một đợt mưa lớn trên 350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt cho Bắc Bộ trong các ngày 1-5/8. Đây có thể là đợt mưa lớn và kéo dài nhất tại khu vực kể từ đầu năm.
Trong khi đó, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa lớn trên 400 mm/đợt, có nơi trên 500 mm/đợt. Khu vực Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam có mưa trên 250 mm/đợt và phía bắc Tây Nguyên mưa 300 mm/đợt.
Hiện, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến Biển Đông có mưa dông mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao 3-4 m, biển động mạnh.
Trong khi đó, giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động tại khu vực này có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy.
Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ), gió mạnh dần lên cấp 6-7 trong sáng nay, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-4 m; biển động mạnh.
Để chủ động ứng phó với các hình thái thời tiết nguy hiểm, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, yêu cầu tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão.
Lực lượng chức năng phải kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.