Trong bản đồ dọc mới của Trung Quốc do nhà xuất bản Hồ Nam tung ra vài hôm trước, ngoài phần lục địa của Trung Quốc, phạm vi mà Bắc Kinh đòi "chủ quyền" kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò. Nó cũng ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tỷ lệ vùng biển và các đảo trên Biển Đông tương đương với phần đất liền.
Wall Street Journal thể hiện thái độ mỉa mai đối với bản đồ "nuốt trọn" Biển Đông của Trung Quốc khi nói rằng tấm bản đồ dọc là vũ khí mới nhất của Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông.
Một bản đồ cũ của Trung Quốc với đường lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông. Ảnh: Foreign Policy |
"Dư luận trên các mạng xã hội phản đối ấn phẩm của Trung Quốc. Nếu Anh và Pháp muốn tuyên bố chủ quyền đối với những lãnh thổ hải ngoại, chẳng lẽ họ chỉ việc ban hành tấm bản đồ thế giới. Trung Quốc có thể đạt được gì khi họ đặt những hòn đảo vào bản đồ không?", tờ báo lập luận.
International Business Times cho rằng dư luận không nên ngạc nhiên nếu thấy bản đồ mới của Trung Quốc chứa một phần mênh mông của Biển Đông. Tờ báo cho hay Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hơn 90% diện tích Biển Đông và mục đích của Trung Quốc khi phát hành bản đồ mới là làm rõ những vùng biển tranh chấp với các nước lân cận một cách mạnh mẽ hơn.
"Bản đồ dọc mà Trung Quốc mới phát hành giống tấm bản đồ Đông Nam Á, chứ không giống bản đồ Trung Quốc", International Business Times bình luận.
Tạp chí Foreign Policy dùng một bài viết có tựa đề khá lạ để phê phán bản đồ mới của Trung Quốc: Hey Beijing, is that a map in your pocket? (Tạm dịch: Này Bắc Kinh, đó là bản đồ trong túi các vị hả?). Tác giả khẳng định rằng, Trung Quốc bắt đầu xây một số đảo nhân tạo trên nhiều bãi đá nhỏ ở Biển Đông trong năm 2014. Hành động của họ khiến Philippines, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá ấy, đệ đơn kiện Trung Quốc hai lần.
Cư dân mạng Trung Quốc mô tả hình thù bản đồ mới bằng hình vẽ hài hước. Ảnh: Foreign Policy |
"Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từng tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 25/6 rằng bàn luận ầm ĩ về tấm bản đồ là việc không cần thiết, bởi nó không thay đổi bất kỳ điều gì trong quan điểm của Trung Quốc đối với Biển Đông. Nói theo cách khác, việc Bắc Kinh phát hành bản đồ mới không phải sự kiện lớn", tác giả lập luận.
Có thể đó không phải sự kiện lớn, song hình dáng của bản đồ mới, chứ không phải kích thước, đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc, Foreign Policy cho hay. Một nhà bình luận xã hội và nhà văn Trung Quốc viết trên mạng xã hội Weibo rằng bản đồ mới của Trung Quốc không còn giống gà trống - hình vẽ quen thuộc đối với học sinh, đồng thời đặt câu hỏi về hình thù của bản đồ mới. Những người khác nói bản đồ mới giống con đại bàng hay lục địa châu Phi. Thậm chí một người còn tuyên bố nó giống một bộ phận nhạy cảm của nam giới.