Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo chí cần khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói báo chí cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

hoi bao Viet Nam anh 1

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại lễ Khai mạc Hội báo toàn quốc 2023. Ảnh: Thụy Trang.

Zing News giới thiệu toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tại lễ Khai mạc Hội báo toàn quốc 2023, sáng 17/3.

Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội - “Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng”, tôi rất vui mừng, phấn khởi đến dự Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023 - một sự kiện quan trọng, ý nghĩa của báo giới cả nước.

Tôi hoan nghênh Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội báo toàn quốc năm 2023. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí, quý đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Sự kiện lớn của báo chí cả nước

Báo chí cách mạng Việt Nam là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó, đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, các cơ quan báo chí và những người làm báo cả nước đã thường xuyên đề cao sứ mệnh và trách nhiệm chính trị, bám sát định hướng của Đảng, nắm bắt thực tiễn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó, đã dành nhiều thời lượng tuyên truyền sâu đậm việc nghiên cứu, quán triệt và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; tích cực, chủ động, hiệu quả, phản ánh trung thực, khách quan, góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thông tin, tuyên truyền về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, những thành tựu của công tác đối ngoại; tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…

Báo chí phải luôn đề cao thành tố văn hóa, tính nhân văn và lợi ích quốc gia - dân tộc trong sáng tạo tác phẩm, góp phần gìn giữ, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa

Để có được những kết quả đó, bên cạnh nỗ lực đáng ghi nhận của chính các cơ quan báo chí và những người làm báo, không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí và của Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của những người làm báo cả nước, nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên để từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí.

Hội báo toàn quốc được tổ chức thường niên vào mùa xuân là sự kiện lớn của báo giới cả nước, là hoạt động giàu ý nghĩa chính trị - xã hội và văn hóa, giàu chất trí tuệ, làm sinh động phong phú thêm đời sống báo chí, là dịp để biểu dương lực lượng báo chí cách mạng, tạo không khí thi đua giữa các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo và những người làm báo cả nước, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động báo chí.

Với chủ đề "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo", Hội báo toàn quốc năm nay là hoạt động thiết thực chào mừng các sự kiện lớn diễn ra trong năm, thông qua đó, nêu bật những thành tích to lớn, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam.

Đây cũng là hoạt động quảng bá những sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước; là dịp để những người làm báo, cơ quan báo chí gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm báo, công nghệ làm báo mới, đồng thời tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, qua đó khích lệ giới báo chí thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

Tôi vui mừng được thấy tại Hội báo năm nay được chuẩn bị chu đáo với quy mô lớn và phong phú, các ấn phẩm báo Xuân và báo chí tiêu biểu năm 2022, đầu năm 2023 được trưng bày rất đa dạng, sinh động.

Ngoài các ấn phẩm đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão, Hội báo cũng dành khu trưng bày trung tâm cho các gian trưng bày theo chuyên đề, theo các khối báo chí Trung ương, địa phương, cơ sở đào tạo… Bắt kịp xu hướng chuyển đổi số báo chí, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, Hội báo toàn quốc năm nay đã dành diện tích xứng đáng để một số đơn vị trưng bày trang thiết bị sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, truyền thông đa phương tiện hiện đại…

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Hội báo như tọa đàm về nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của các cấp Hội; hội thảo “Báo chí kiến tạo”; các tọa đàm về Văn hóa báo chí; hội ngộ giải A Báo chí quốc gia; Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay... là những nội dung rất thiết thực, chất lượng, phong phú, gắn trực tiếp với đời sống báo chí nước nhà…

Qua các tác phẩm tiêu biểu được trưng bày trong Hội báo, những sự kiện bên lề, công chúng báo chí có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh về báo chí trong suốt một năm qua cũng như sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Một lần nữa, tôi hoan nghênh ban tổ chức đã tổ chức một sự kiện rất ý nghĩa; hoan nghênh các cơ quan báo chí, những người làm báo, với lòng say mê, tâm huyết với nghề nghiệp, đã nỗ lực cống hiến, sáng tạo nên những tác phẩm báo chí đặc sắc, không gian trưng bày trang trọng và gần gũi, đóng góp cho Hội Báo toàn quốc hôm nay.

hoi bao Viet Nam anh 2

Các đại biểu tham quan nhiều gian trưng bày của các cơ quan báo chí tại hội báo. Ảnh: Thụy Trang.

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, chúng ta đang hướng đến những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn. Trong đó, với những người làm báo, chúng ta hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Để xứng đáng với vai trò, sứ mệnh vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tôi đề nghị các cơ quan báo chí, những người làm báo cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng; các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; cần quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quy hoạch, quản lý phát triển báo chí, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bám sát thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước, phát hiện, phản ánh, biểu dương điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước; khẳng định các điểm sáng, chuyển biến, kết quả tích cực, triển vọng của nền kinh tế... góp phần tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.

Các cơ quan báo chí cần tập trung với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa

Với vai trò là một thành phần của văn hóa, đồng thời là một trong những phương tiện chủ lực phổ biến các loại hình văn hóa đến toàn xã hội, các cơ quan báo chí cần tiếp tục tham gia, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo phải luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa, tính nhân văn và lợi ích quốc gia - dân tộc trong sáng tạo tác phẩm, góp phần gìn giữ, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Các cấp hội nhà báo cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.

Hội Báo toàn quốc các năm tới đây cần tiếp tục không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy kết quả và kinh nghiệm đã có được để tổ chức theo hướng ngày càng thiết thực, chất lượng, hiệu quả, tạo nên một ngày hội ý nghĩa đối với báo giới cả nước và công chúng; tạo nên không khí thi đua sôi nổi giữa các cơ quan báo chí, các cấp hội và người làm báo cả nước, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động báo chí và các sản phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

Một lần nữa, tôi xin chúc các đồng chí đại biểu và đội ngũ những người làm báo cả nước có nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thêm nhiều thành công mới trong nhiệm vụ tự hào và vinh quang của mình. Chúc Hội báo toàn quốc của chúng ta thành công tốt đẹp!

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về cách để sách đến hàng triệu người

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng làm xuất bản giờ đây là làm ra nhiều phiên bản của sách phù hợp với mỗi loại nền tảng. "Vô hình vạn tướng" là tương lai của sách.

Kế thừa và phát huy Đề cương về văn hóa Việt Nam trong thời đại mới

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng các giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Bạn có thể quan tâm