Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo cáo Quốc hội về số cấp phó

Báo cáo trước Quốc hội sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, số Thứ trưởng tăng 9 so với đầu nhiệm kỳ.

"So với đầu nhiệm kỳ nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì số cấp phó giảm 5 người” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội.

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ.  Việc tăng số lượng cấp phó các đơn vị thuộc một số bộ, ngành chủ yếu do sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy nội bộ đối với những lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng.

Một số cơ quan tăng do sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ. Gần đây Bộ Chính trị điều động một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các Bộ, ngành

Theo thống kê, tính đến tháng 11/2015, có 131 Thứ trưởng và tương đương có 238 Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Như vậy, số Thứ trưởng tăng 9 so với đầu nhiệm kỳ. Với số Phó chủ tịch so với quy định vượt 9 người, sau khi đã trừ 27 người thuộc diện luân chuyển.

So với đầu nhiệm kỳ nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì số cấp phó giảm 5 người”, Phó Thủ tướng cho biết.

Ông cam kết, số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương sẽ giảm trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chấn chỉnh chuyện biên chế khống

Liên quan đến bộ máy nhà nước, Phó Thủ tướng thừa nhận việc tinh giản biên chế còn khó khăn. Bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Việc đổi mới chế độ công vụ, công chức còn chậm. Chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu.

Ghi nhận báo cáo của Chính phủ đã nêu khá đầy đủ các tồn tại trong công tác quản lý cán bộ, công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Cụ thể, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, trong đó tập trung vào việc ban hành hệ thống tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo quản lý.

Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến chức danh “hàm” để báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng một số bộ ngành, địa phương chưa xây dựng được vị trí việc làm, sử dụng chỉ tiêu, biên chế khống hoặc vượt chỉ tiêu, số lượng biên chế được giao.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo đầy đủ những ảnh hưởng, tác động của việc chia, tách, điều chỉnh địa giới hành chính ở một số đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh trong thời gian vừa qua.

Đơn cử, làm tăng thêm bộ máy, biên chế, dẫn đến tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước; những khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức...

Chính phủ cần chỉ rõ hướng xử lý các tồn tại của bộ, ngành, địa phương để xảy ra những tồn tại trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, thi nâng ngạch cán bộ, công chức.

 

Phương Loan

Bạn có thể quan tâm