Ban tư vấn do cựu Giám đốc Điều hành Google Eric Schmidt điều hành đã kết thúc 2 ngày thảo luận công khai vào ngày 26/1. Các thành viên cho rằng Mỹ không nên tán thành cấm sử dụng hoặc cấm phát triển vũ khí tự hành mang trí thông minh nhân tạo.
Theo cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work, phó chủ nhiệm ban tư vấn, các loại vũ khí tự hành được kỳ vọng phạm sai lầm ít hơn con người trong chiến trận. Điều này dẫn đến viễn cảnh hạn chế thương vong lẫn giao tranh liên quan đến nhận diện sai mục tiêu.
Ông nhận định việc theo đuổi nghiên cứu để chứng minh giả thuyết trên là một phần "trách nhiệm đạo đức" với Mỹ.
Robot Skybot F-850 của Nga được thử nghiệm tại Kazakhstan vào tháng 7/2019. Ảnh: AFP. |
Theo Guardian, trong gần 8 năm qua, một liên minh các tổ chức phi chính phủ đã nỗ lực vận động quốc tế xây dựng hiệp ước cấm "robot giết người", sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho vũ khí.
Họ cho rằng yếu tố kiểm soát của con người là điều kiện cần thiết để phân xử về mức tương xứng giữa các bên trong xung đột, đồng thời giúp xác định trách nhiệm tội ác chiến tranh.
Khoảng 30 nước trên thế giới đang ủng hộ lệnh cấm. Một tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc đã bắt đầu thảo luận về vấn đề này kể từ năm 2014.
Ban tư vấn của Quốc hội Mỹ về trí tuệ nhân tạo và an ninh quốc gia ghi nhận tính rủi ro từ vũ khí tự hành. Một thành viên ban tư vấn, được mời từ Microsoft, cũng cảnh báo áp lực chạy đua chế tạo vũ khí phản ứng nhanh có thể khiến xung đột leo thang.
Dù vậy, kết luận chung của ủy ban vẫn phản đối phương án chống phổ biến vũ khí trí tuệ nhân tạo. Họ cho rằng điều này sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia và khó thực thi.
Dự thảo báo cáo còn đề xuất phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo cho thu thập dữ liệu tình báo, đầu tư 32 tỷ USD/năm cho nghiên cứu, đồng thời thành lập một lực lượng chuyên trách kỹ thuật số cho quân đội và hội đồng năng lực cạnh tranh công nghệ cho Nhà Trắng.