Chiếc máy bay tư nhân xuất phát từ Đức và mất liên lạc với kiểm soát không lưu. Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã triển khai các tiêm kích Typhoon để điều hướng cho chiếc máy bay đến sân bay Stansted ở London, Sky News cho biết.
Các nhân chứng cho biết họ đã nghe thấy tiếng nổ lớn ở London, Cambridge và các khu vực đông nam, khi những chiếc tiêm kích Typhoon vượt bức tường âm thanh ở tốc độ hơn 1.200 km/h.
Một số người đã đăng lên Twitter để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra sau khi họ nghe thấy những tiếng nổ lớn. Một nhân chứng ở hạt Essex đã tweet video từ camera an ninh trước cửa nhà cho thấy tiếng nổ lớn như thế nào.
Jenny Hao, một cư dân London đã tweet: “Có phải đã xảy ra vụ nổ nào đó ở Deptford hay không?. Tôi chỉ cảm thấy một tiếng nổ lớn dọc theo sông Greenwich và nhìn thấy khói”.
Tiêm kích Typhoon tạo ra những tiếng nổ lớn trên bầu trời London khi bay vượt tốc độ âm thanh. Ảnh: RAF. |
Một người dùng Twitter khác viết: “Tôi đang đi bộ qua Tu viện Waltham thì nghe thấy nó. Thành thật mà nói tôi nghĩ rằng một quả bom đã phát nổ, nhưng thật may đó chỉ là vụ nổ âm thanh ở Cambridge".
Một phát ngôn viên của RAF xác nhận việc triển khai các tiêm kích Typhoon từ căn cứ không quân Coningsby để đánh chặn một máy bay tư nhân mất liên lạc. "Nếu không lập tức tuân thủ chỉ dẫn, các anh sẽ bị bắn hạ", phi công tiêm kích nói trên điện đàm.
Liên lạc sau đó đã được nối lại và chiếc máy bay được hộ tống an toàn đến sân bay Stansted.
“Tiêm kích Typhoon được phép bay với tốc độ siêu thanh vì đang làm nhiệm vụ khẩn cấp”, vị phát ngôn viên nói.
Các tiêm kích Typhoon thường được triển khai để hộ tống các máy bay mất liên lạc, hoặc không phản hồi với kiểm soát không lưu. Theo RAF, Typhoon có thể tăng tốc lên 1.852 km/h chỉ trong 2 phút.
Các máy bay phản lực khi vượt qua tốc độ âm thanh đều tạo ra một tiếng nổ lớn, còn gọi là tiếng nổ siêu thanh. Nguyên nhân của hiện tượng này là do không khí bị nén lại xung quanh mũi máy bay tạo nên sóng xung kích lan tỏa ra môi trường xunh quanh.
Tiếng nổ siêu thanh là âm thanh nghe được khi sóng xung kích đi qua người quan sát đủ gần và các sóng này có nguồn gốc từ va đập vào không khí của các vật thể chuyển động nhanh hơn vận tốc âm thanh. Năng lượng của âm thanh có mật độ lớn trong sóng xung kích, khiến cho âm thanh được tạo ra giống như âm thanh một vụ nổ.