Khi còn giữ chức Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, ông James Dong - Tổng giám đốc Tập đoàn Lazada hiện tại - từng ví von chiến lược phát triển của nền tảng này là một cuộc chạy marathon. Ở đó, việc giữ pace (nhịp độ của cuộc chạy) ổn định mang tính “sống còn” hơn “đốt sức” để chạy thật nhanh.
Hình ảnh ẩn dụ này phần nào nói lên chiến lược phát triển bền vững mà nền tảng đang theo đuổi. Gần đây nhất, Lazada tiếp tục minh chứng cho cam kết phát triển bền vững khi tiên phong triển khai và công bố Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) 2022 với nhiều thông tin đáng chú ý. Đây có thể coi là động thái mạnh mẽ khẳng định hướng đi riêng biệt được nền tảng này lựa chọn, thay vì chạy theo các chỉ số tăng trưởng nóng.
Cam kết phát triển bền vững
ESG (Environmental - Social - Governance) là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Báo cáo ESG của doanh nghiệp cho thấy chỉ số và cách xử lý, vận hành, cũng như mức độ quan tâm, đầu tư đối với các yếu tố về môi trường, xã hội, quản trị. Các dữ liệu được đưa ra trong báo cáo ESG giúp người đọc hình dung toàn cảnh bức tranh kinh doanh và tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với thế giới.
Báo cáo ESG 2022 được Lazada xây dựng dựa trên bốn trụ cột chính: Trao quyền và hỗ trợ cộng đồng; thúc đẩy lực lượng lao động số tài năng cho tương lai; quản lý trách nhiệm với môi trường, quản trị nền tảng hiệu quả.
Trong đó, với mục tiêu trao quyền và hỗ trợ cộng đồng, Lazada tạo ra tác động tích cực cho kinh tế - xã hội toàn khu vực với 1,1 triệu cơ hội việc làm trong hệ sinh thái, bao gồm: Nhà bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ TMĐT, đối tác hậu cần bên thứ ba và các nhân viên chuyên trách. Lazada cũng thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng trong nỗ lực phục hồi và xây dựng xã hội bền vững, bao gồm hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 cùng hoạt động cứu trợ thiên tai trên khắp 6 nước nền tảng có mặt.
Báo cáo còn nêu rõ những nỗ lực của Lazada trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trên môi trường số và tạo ra các chương trình tiếp cận, nghiên cứu về ngành dành cho nhân viên của công ty cũng như những đối tượng có hứng thú với TMĐT. Cụ thể, nền tảng này tiên phong phối hợp các bên liên quan tại nhiều nước để phát triển những chương trình hỗ trợ nữ giới, tạo điều kiện cho nhà bán hàng nữ kinh doanh dễ dàng hơn trên TMĐT, đồng thời mang đến nhiều cơ hội làm việc và phát triển sự nghiệp xứng đáng cho lao động nữ làm việc trong tập đoàn. Điều này giúp số lượng lao động nữ trong tập đoàn chiếm đến 43% tổng lực lượng lao động. Đây là con số ấn tượng khi cao hơn tỷ lệ lao động nữ trung bình ở ngành công nghệ tại khu vực hơn 10%.
Yếu tố quản trị - trụ cột trong bộ ba ESG - cũng được Lazada thể hiện đầy đủ qua báo cáo, rõ nhất phải kể đến mảng tăng cường các biện pháp an ninh mạng trên nền tảng. Sàn thuộc số ít nền tảng TMĐT ở Đông Nam Á được chứng nhận theo tiêu chuẩn bảo mật thông tin ISO 27001:2013. Đồng thời, tập đoàn thực hiện nhiều sáng kiến trong quy trình bảo vệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (IPR), nhằm kiểm soát, loại bỏ tối đa trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi kinh doanh trên TMĐT.
Một trong những điểm nổi bật nhất mà Lazada cam kết trong báo cáo ESG là quản lý môi trường. Tại Việt Nam, Chính phủ đã cam kết giảm phát thải ròng tại COP26, tiến tới bằng 0 vào năm 2050, thể hiện sự cần thiết của việc kinh doanh đi đôi với bảo vệ môi trường. Thế nên, khi bước chân vào thị trường đầy tiềm năng là Đông Nam Á, Lazada cũng nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính bằng cách đưa ra bản kiểm kê carbon để xác định nguồn phát khí thải nhà kính (KNK) chính trong các hoạt động của mình, nhằm đẩy nhanh lộ trình giảm carbon từ quy trình vận hành. Tại Singapore, nền tảng thành công trong việc cắt giảm 30 tấn nhựa nguyên sinh thải ra môi trường bằng cách đổi từ chai nước nhãn hiệu RedMart sang chất liệu nhựa PET tái chế 100%.
Lazada đổi chai nước nhãn hiệu RedMart sang chất liệu nhựa PET tái chế 100% |
Giải pháp thực tế triển khai tại thị trường Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, Lazada tiên phong đưa ra loạt sáng kiến nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG trên hành trình xây dựng hệ sinh thái TMĐT của mình. Trong đó, sáng kiến không thể bỏ qua là chiến lược logistics xanh (xe điện/ thùng hàng cắt giảm nilon), vừa phục vụ tốt người tiêu dùng, vừa thể hiện trách nhiệm với môi trường.
Nhằm giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, tháng 6/2017, Lazada tiên phong triển khai thí điểm dự án Go Green, sử dụng xe đạp điện giao hàng tại TP Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Tiếp đó, vào năm 2018, sàn ra mắt “biệt đội” giao hàng bằng xe điện với khối lượng đơn hàng xử lý gấp 3 lần xe máy. Đây là quyết định không dễ dàng khi chưa có nhiều quy định để quản lý và hỗ trợ xe điện, cũng như thiếu nhà phân phối chất lượng trên thị trường thời điểm đó.
Chia sẻ về câu chuyện này, ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Logistics - từng cho biết: “Xe đạp hay xe máy đã khá phổ biến rồi, nhưng khi hỏi về giao hàng bằng xe điện thì lúc bấy giờ gần như chưa ai làm. Chúng tôi phải mất nhiều thời gian để thử nghiệm, tìm hiểu những chức năng khác nhau của xe điện rồi họp với các đối tác để tìm hướng đi. Rất may sau đó, chúng tôi đã tìm được đơn vị hợp tác làm sản phẩm cho Lazada Logistics".
Chính từ những nỗ lực không ngừng nghỉ để vừa sáng tạo mạng lưới giao hàng rộng khắp, đảm bảo tính nhanh chóng, thuận lợi, vừa giữ được mục tiêu cắt giảm khí thải carbon, Lazada ghi nhận phản hồi tích cực trong việc sử dụng xe điện giao hàng.
Chia sẻ về trải nghiệm giao hàng bằng xe điện, chị Nguyễn Phương Dung - nhà bán hàng trên sàn TMĐT Lazada - bày tỏ: “Một trong những điều tôi luôn ấn tượng và hài lòng với dịch vụ của Lazada là tốc độ giao hàng rất nhanh. Đặc biệt, tốc độ này ngày càng cải thiện và luôn đảm bảo khi triển khai giao hàng bằng xe điện”.
Đây được xem là dấu hiệu khả quan cho chiến lược “chậm mà chắc” này của Lazada - vừa đảm bảo trách nhiệm với môi trường trong quá trình kinh doanh, vừa mang đến cho nhà bán hàng và người tiêu dùng trải nghiệm giao nhận thuận tiện, chất lượng.