Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV vừa trình Bộ Giao thông vận tải đề cương lập báo cáo F/S giai đoạn I Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hai phương án.
Phương án I – thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam, có mục tiêu là hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 1 dự án, nhằm thực hiện nghiên cứu khả thi, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài trợ quốc tế và quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/HQ13, Nghị định 59/2015/NĐ – CP.
Thời gian lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành là 15-18 tháng. |
Phạm vi nghiên cứu gồm 2 phần, trong đó phần 1 là thu thập dữ liệu, khảo sát hiện trường bổ sung; xem xét lại nhu cầu giao thông hàng không; lập dự báo giao thông hàng không đến năm 2020, phân chia công suất giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, để kiến nghị phương án đầu tư phù hợp nhất; nghiên cứu về quy trình rút ngắn thời gian thực hiện dự án; nghiên cứu quy mô dự án và phân kỳ đầu tư, nghiên cứu về tài chính và đánh giá khả năng hoàn vốn.
Phần 2 của Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ phân chia nhóm hạng mục công việc và lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Các nội dung công việc của Nghiên cứu khả thi gồm: cập nhật nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế cơ sở cho các công trình do ACV làm chủ đầu tư, thiết kế cơ sở cho các công trình do các doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư.
Theo ACV, khái toán chi phí thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn I Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cần khoảng 35,1 triệu USD, được huy động từ nguồn vốn đầu tư phát triển của đơn vị, với thời gian thực hiện khoảng 18 tháng.
Phương án 2 – nghiên cứu trên cơ sở như phương án, tuy nhiên chỉ dừng ở bước thiết kế khái niệm.
Phương án này để sử dụng trong trường hợp vay vốn ODA, vì chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ quốc tế nhưng chưa đầy đủ theo quy định của luật pháp Việt Nam. Ước tính chi phí phương án 2 vào khoảng 6,9 triệu USD, dự kiến do JICA tài trợ, được thực hiện trong vòng 15 tháng.
Do quy mô dự án rất lớn và phức tạp, nếu thực hiện theo quy trình thông thường có thể mất tới 10 năm để hoàn thành, ACV đề nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu song song với việc lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong trường hợp đơn vị trúng tuyến thiết kế là đơn vị khác với nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thì phải yêu cầu hai đơn vị kết hợp để đảm bảo tiến độ chung Dự án.
“Sau khi phê duyệt F/S, cho phép ACV tiến hành tổ chức triển khai thiết kế kỹ thuật và thi công ngay các hạng mục như là các hạng mục độc lập”, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV ACV đề xuất.