Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết trong báo cáo giám sát 110 trang, chỉ có 3 dòng nói về kit test và Việt Á. Ảnh: Phạm Thắng. |
Trong ngày làm việc thứ hai của phiên họp thứ 22 sáng 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực chống dịch Covid-19.
Đề nghị làm rõ việc huy động nguồn lực chống dịch
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là một chuyên đề giám sát tối cao nhằm giám sát kết quả thực hiện chính sách pháp luật, làm rõ thực trạng và phân tích những tồn tại, yếu kém để từ đó chỉ ra những nguyên nhân. Vì vậy, việc giám sát phải gắn được trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Huệ cho rằng báo cáo này chỉ nêu chung chung, tổng kết các vấn đề mà chưa có kết quả và chỉ ra sự vụ cụ thể. Việc này khiến các cơ quan khó hậu kiểm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ việc huy động nguồn lực tham gia chống dịch, thanh quyết toán các nguồn bao gồm ngân sách Nhà nước, Trung ương, địa phương và nguồn viện trợ.
"Quá trình giám sát có thấy khúc mắc gì không? Lãnh đạo cấp cao đi nước ngoài về chỉ bàn giao vaccine tại sân bay, quá trình tiếp nhận, phân phối, quản lý, sử dụng thế nào, nhất là về hiện vật thì không biết được", ông Huệ đặt vấn đề.
Cùng với đó, ông cho rằng chuyến bay giải cứu và kit test Việt Á cũng là huy động nguồn lực, cũng là phòng chống dịch chứ không phải nằm ngoài cuộc giám sát. Nhưng cả báo cáo và dự thảo nghị quyết không nhắc đến hai việc này.
Đồng thời, ông đề nghị làm rõ các nguồn lực viện trợ và đặt câu hỏi về việc quản lý với những địa phương được tài trợ hàng trăm tỷ đồng để mua vaccine.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở một số vấn đề liên quan báo cáo giám sát chuyên đề về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Thắng. |
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết báo cáo dài 110 trang nhưng chỉ có 3 dòng nói về kit test và Việt Á. "Nếu đưa nội dung này ra Quốc hội, nhiều đại biểu sẽ đặt câu hỏi", ông Thanh nói.
Vì vậy, ông đề nghị đoàn giám sát bổ sung nội dung liên quan vấn đề này để đáp ứng sự quan tâm của cử tri.
Cùng với đó, ông đề nghị làm rõ kết quả thực hiện cùng những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, trách nhiệm về số tiền 4,6 tỷ đồng được ngân sách chi ra để nghiên cứu vaccine.
Cần nhân lực ngành y chuyên sâu
Ở góc độ khác, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng nguồn lực trong phòng chống dịch Covid-19 không chỉ là tài chính, mà còn là nhân lực. Trong khi đó, bài học từ việc huy động nguồn lực chống dịch bộc lộ vấn đề trong tổ chức và nhân lực ngành y tế.
Theo ông Hải, đây là dịch bệnh đặc biệt, ngay cả thế giới cũng nan giải trong việc chỉ đạo nên thời gian đầu, chúng ta ứng phó bị động là hoàn toàn khách quan.
Dù vậy, ông nhìn nhận một trong những nguyên nhân của sự bị động đến từ việc thiếu đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia chuyên sâu.
Theo ông, dịch bệnh đặt ra vấn đề nguồn nhân lực, cụ thể là nhân lực chất lượng cao ở các bệnh viện tuyến đầu.
"Vì lúc khó khăn và khẩn cấp thì trình độ của bác sĩ, cũng như định hướng điều trị, đưa ra phác đồ chuyên sâu rất quan trọng. Ngay như các giáo sư hàng ngày nói trên truyền hình cũng tạo sự yên tâm cho người dân, tạo sự tin tưởng về hệ thống y tế của chúng ta", ông Hải nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho ý kiến về nguồn nhân lực tham gia chống dịch. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo ông Hải, thời điểm điều phối lực lượng chi viện cho miền Nam khi dịch bệnh căng thẳng, một số người trong ngành y cũng nói là không phải cứ chi viện vào là tốt.
Bởi lẽ, một máy thở rất phức tạp và một bệnh viện chỉ có 1-2 bác sĩ chuyên sâu về gây mê, hồi sức; muốn có thêm người thì phải đào tạo rất lâu mới sử dụng được.
Từ những điều trên, ông Hải cho rằng cần làm rõ vấn đề đào tạo nhân lực chuyên sâu cho ngành y tế để đáp ứng được những dịch bệnh, thảm họa có thể xảy ra trong tương lai. Việc này đòi hỏi phải làm rất công phu bằng cách đào tạo bác sĩ chuyên sâu từ các trường y, các viện nghiên cứu.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.