Ước tính trong năm 2017 có tới 6,3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi tử vong, tức mỗi 5 giây lại có 1 trẻ qua đời, hầu hết do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được. Đây là con số mới nhất do UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ban Dân số Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới công bố.
Phần lớn các trường hợp tử vong này xảy ra trong năm năm đầu đời, trong đó trẻ sơ sinh chiếm khoảng một nửa số ca tử vong.
"Nếu chúng ta không hành động khẩn trương, từ nay đến năm 2030 sẽ có 56 triệu trẻ em dưới 5 tuổi không thể trưởng thành, một nửa trong số đó là trẻ sơ sinh", Laurence Chandy, Giám đốc Phụ trách Dữ liệu, Nghiên cứu và Chính sách của UNICEF, cho biết.
Ước tính trong năm 2017 có tới 6,3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi tử vong, tức mỗi 5 giây lại có 1 trẻ qua đời. Ảnh: UNICEF. |
“Từ năm 1990 đến nay, chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cứu chữa cho trẻ em, tuy nhiên hàng triệu trẻ vẫn thiệt mạng do hoàn cảnh sống cũng như điều kiện nơi trẻ sinh ra. Với những giải pháp đơn giản về y tế, nước sạch, điện và vắc-xin, chúng ta có thể thay đổi điều này”, ông Chandy cho biết.
Năm 2017, một nửa số ca tử vong của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu xảy ra ở vùng châu Phi cận Sahara và 30% ở Nam Á. Ở khu vực châu Phi cận Sahara, cứ 13 trẻ em thì có 1 em tử vong trước khi được 5 tuổi. Ở các nước thu nhập cao, con số này là 1/185.
Tại Việt Nam, năm 2016, cứ 45 trẻ em thì có 1 em tử vong trước khi 5 tuổi (22/1.000 trẻ sinh sống). Năm 1990, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 1/20 em (51/1000 trẻ sinh sống), mức giảm hàng năm (1990-2016) là 3,3% tính trên cả nước.
Tiến sĩ Princess Nono Simelela, Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách sức khỏe gia đình, phụ nữ và trẻ em của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: "Hàng triệu trẻ sơ sinh và trẻ em thiệt mạng mỗi năm chỉ vì không được tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý hoặc dịch vụ y tế cơ bản. Chúng ta phải ưu tiên cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cho mọi trẻ em, đặc biệt với các em mới sinh và trong những năm đầu đời, để mang lại cho trẻ cơ hội sống và phát triển tốt nhất".
Năm 2017, một nửa số ca tử vong của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu xảy ra ở vùng châu Phi cận Sahara và 30% ở Nam Á. Ảnh: UNICEF. |
Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng do những nguyên nhân có thể phòng ngừa hoặc điều trị được như biến chứng trong khi sinh, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết sơ sinh và sốt rét.
Trong nhóm trẻ em từ 5 đến 14 tuổi, tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tử vong, đặc biệt là tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ. Trong độ tuổi này, có sự khác nhau về mức độ rủi ro giữa các khu vực, và nguy cơ tử vong của trẻ em ở vùng châu Phi cận Sahara cao gấp 15 lần so với ở trẻ em ở châu Âu.
"Hơn 6 triệu trẻ em tử vong trước khi tròn 15 tuổi là một cái giá quá đắt", Timothy Evans, Giám đốc cấp cao và Giám đốc phụ trách dinh dưỡng sức khỏe và dân số toàn cầu tại Ngân hàng Thế giới, cho biết.
"Chấm dứt tỷ lệ tử vong ở trẻ vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được và đầu tư cho sức khỏe của những người trẻ tuổi là nền tảng cơ bản để xây dựng nguồn nhân lực của các quốc gia, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng và thịnh vượng", ông Evans nói.
Đối với trẻ em ở khắp mọi nơi, giai đoạn rủi ro nhất của cuộc đời chính là tháng đầu tiên sau khi sinh. Trong năm 2017, 2,5 triệu trẻ sơ sinh đã tử vong trong tháng đầu tiên. Một em bé sinh ra ở khu vực châu Phi cận Sahara hoặc ở Nam Á có nguy cơ tử vong trong tháng đầu tiên gấp chín lần so với một em bé sinh ra ở một nước có thu nhập cao.
Trong nhóm trẻ em từ 5 đến 14 tuổi, tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tử vong. Ảnh: UNICEF. |
Từ năm 1990, những tiến bộ trong việc cứu sống trẻ sơ sinh đã chậm lại so với tiến bộ trong việc cứu sống những trẻ em khác dưới năm tuổi.
Ngay cả trong một quốc gia cũng có sự chênh lệch về tỷ lệ. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực nông thôn trung bình cao hơn so với trẻ em ở thành thị tới 50%. Ngoài ra, con của những người mẹ không được học hành có khả năng tử vong trước 5 tuổi cao hơn gấp hai lần so với những em bé có mẹ được học trung học trở lên.
Mặc dù còn những thách thức như vậy, tỷ lệ trẻ tử vong mỗi năm trên toàn thế giới đã giảm đi. Số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể từ 12,6 triệu năm 1990 xuống còn 5,4 triệu vào năm 2017. Số ca tử vong ở trẻ từ 5 đến 14 tuổi giảm từ 1,7 triệu xuống dưới một triệu trong cùng thời kỳ.
“Báo cáo mới đây nêu bật những tiến bộ đáng kể từ năm 1990 đến nay trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên. Giảm bất bình đẳng bằng cách hỗ trợ trẻ sơ sinh, trẻ em và người mẹ".
"Đây là điều cần thiết để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững về chấm dứt tình trạng tử vong ở trẻ em vì những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được và đảm bảo rằng không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau", Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về kinh tế và xã hội Liu Zhenmin nói.