Việc ứng dụng các công nghệ tàng hình trong thiết kế, chế tạo các hệ thống vũ khí, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không quân sự, đang trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển vũ khí.
Kỹ thuật tàng hình cho phép các máy bay tiếp cận vùng không phận đối phương một cách bí mật và có thể tung đòn tấn công khiến đối phương không kịp trở tay.
Đài thu tín hiệu của hệ thống trinh sát thụ động Kolchuga được đánh giá là một trong những hệ thống phát hiện máy bay tàng hình hiện đại nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Ausairpower. |
Các radar cảnh giới hoạt động theo nguyên tắc phát sóng điện từ vào không khí sau đó nhận tín hiệu phản xạ lại để xác định mục tiêu. Tuy nhiên, phần lớn sóng điện từ do các radar phát đi sẽ bị tán xạ trong không khí do thiết kế khí động học của máy bay hoặc bị hấp thụ bởi lớp sơn đặc biệt.
Do đó, máy bay trở nên “tàng hình” trước các biện pháp trinh sát điện từ chủ động. Các radar chủ động gặp bất lợi lớn trong việc phát hiện các máy bay có khả năng tàng hình từ xa.
Trong các cuộc chiến ở Nam Tư, Iraq, chiếc B-2 Spirit của Mỹ có thể xuyên thủng mạng lưới phòng không của các nước này một cách dễ dàng như đi vào “chốn không người”.
Buồng điều khiển trung tâm rất hiện đại của hệ thống trinh sát thụ động Kolchuga. Ảnh: Ausairpower. |
Tuy nhiên, máy bay tàng hình cũng có không ít điểm yếu. Khi bay trong đội hình biên đội, máy bay phải trao đổi thông tin liên lạc với nhau, mở radar phát sóng để tìm kiếm mục tiêu tạo nên những bức xạ điện từ trong không khí. Đây chính là lúc máy bay tàng hình lộ diện. Đó cũng chính là thời cơ để hệ thống trinh sát thụ động Kolchuga bắt lấy mục tiêu.
Kolchuga là sản phẩm hợp tác phát triển giữa Cục thiết kế các thiết bị radar đặc biệt, Đại học kỹ thuật quốc gia Donetsk, công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Ukraine Ukrspetsexport và công ty đầu tư công nghệ. Các kỹ sư phải mất 8 năm (1993-2000) để nghiên cứu, phát triển các thuật toán xử lý cũng như các thử nghiệm cho hệ thống này.
Hệ thống trinh sát thụ động này hoạt động theo nguyên lý “đạc tam giác” bằng cách bố trí 3 đài thu tín hiệu cách nhau tới 10 km. Tín hiệu thu nhận được từ 3 đài thu này sẽ được giao hội với nhau tại đài điều khiển trung tâm để xác định mục tiêu.
Kolchuga có thể bám sát tín hiệu của 32 mục tiêu cùng lúc với đủ 3 tham số (phương vị, tốc độ, độ cao). Các đài thu và trạm điều khiển trung tâm đều được đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã Kraz 6x6 mang lại khả năng cơ động rất cao.
Hệ thống có tầm trinh sát tối đa tới 800 km. Như vậy, Kolchuga có thể hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm tầm xa hiệu quả. Mặt khác, do không chủ động phát sóng mà chỉ thu nhận tín hiệu điện từ phát ra từ máy bay đối phương nên nó “miễn nhiễm” với các loại tên lửa chống bức xạ hoạt động theo nguyên lý bám theo cánh sóng radar.
“Kính chiếu yêu” Kolchuga sẽ cho phép lực lượng radar cảnh giới Việt Nam phát hiện sớm bất kỳ mục tiêu đường không nào kể cả những mục tiêu bay tàng hình. Kolchuga kết hợp với các hệ thống radar cảnh giới khác tạo nên mạng lưới cảnh báo sớm đường không trên mặt đất hiệu quả giúp tổ quốc không bị bất ngờ.