Những năm 1970, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam radar cảnh giới P-18. Đây là loại radar cảnh giới được phát triển từ radar P-12.
P-18, NATO đặt tên Spoon Rest D, là một radar cảnh giới 2 tọa độ cung cấp tham số về phương vị và tốc độ của mục tiêu. Tương tự như P-12, P-18 phải kết hợp với một radar đo độ cao để cung cấp đủ 3 tham số mục tiêu cho các hệ thống phòng không.
Xe ăng ten và buồng điều khiển của radar cảnh giới P-18. Ảnh Ausairpower |
P-18 do Cục thiết kế SKB phát triển. Radar được đưa vào biên chế lực lượng phòng không Xô Viết từ năm 1970.
Về cơ bản, P-18 có thiết kế tương tự như P-12 với ăng-ten dạng xương cá. Tuy nhiên, P-18 có đến 16 mảng ăng ten Yagi, với 8 ở trên và 8 ở dưới. Radar hoạt động ở băng tần VHF trong dải tần số từ 150-170MHz.
Hệ thống gồm một xe mang ăng-ten và trung tâm điều khiển, cùng được đặt trên khung gầm xe Ural-4320. Nhờ vậy, hệ thống này có khả năng cơ động cao.
P-18 có phạm vi trinh sát 250 km, độ cao 35 km. Radar có khả năng hoạt động trong điều kiện gió thổi với tốc độ 30 m/giây.
So với radar P-12, P-18 có phạm vi trinh sát xa hơn, độ chính xác và tin cậy tốt hơn. Tuy nhiên, độ kháng nhiễu của radar P-18 còn thấp. Đây là điểm yếu chung của các hệ thống radar do Liên Xô phát triển trước đây.
Bộ vi xử lý tín hiệu kỹ thuật số MTI được bổ sung trên radar cảnh giới P-18 trong gói nâng cấp P-18M. Ảnh: Wiki. |
Đến cuối những năm 1980-1990, P-18 đã bị coi là lạc hậu. Hệ thống trinh sát này gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các thủ đoạn tác chiến điện tử tinh vi.
Mặc dù tại Nga, P-18 đã bị loại bỏ nhưng đây vẫn là loại radar cảnh giới chủ lực của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phía Liên Xô/Nga đã giới thiệu gói nâng cấp P-18 được chỉ định là P-18M.
Gói nâng cấp trang bị bộ vi xử lý kỹ thuật số có khả năng phân biệt mục tiêu trong môi trường nhiễu điện tử.
Trong đó, hệ thống được lắp đặt một bộ kiểm tra tích hợp tự động phát hiện các lỗi bất thường của hệ thống. Ngoài ra, buồng điều khiển của hệ thống được trang bị các màn hình hiển thị đa chức năng cung cấp khả năng quát sát mục tiêu tốt hơn.
Dù bị coi là đã lạc hậu nhưng P-18 lại có khả năng bắt máy bay tàng hình tương đối tốt. Sở dĩ có điều này do các loại sơn hấp thụ sóng radar trên máy bay tàng hình không phát huy hiệu quả trước các tín hiệu điện từ ở băng tần VHF.
Trong chiến tranh Kosovo năm 1999, đài radar cảnh giới P-18 đã góp phần “vạch mặt” Chim ưng đêm tàng hình F-117A của Mỹ. Tuy là một máy bay chiến đấu hiện đại nhưng F-117A vẫn bị hệ thống tên lửa của những năm 1960 là S-125 bắn hạ. Sau thất bại trên bầu trời Nam Tư, Không quân Mỹ đã loại dần F-117A ra khỏi biên chế.
Mắt thần P-18 của Việt Nam canh giữ bầu trời tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: QDND. |
Theo một số thông tin mới nhất, đài radar cảnh giới P-18 của Việt Nam đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn P-18M. Radar nâng được trang bị bộ vi xử lý tín hiệu kỹ thuật số MTI, dải tần hoạt động được mở rộng từ 140-180MHz, máy phát được thiết kế dạng modun thuận lợi cho việc bảo trì và nâng cấp.
Sau khi được nâng cấp, phạm vi trinh sát của hệ thống tăng lên đến 360km. Thời gian triển khai sẵn sàng chiến đấu giảm từ 8 phút xuống còn 3 phút, mức tiêu thụ điện năng từ 10kW xuống còn 6kW.