Bảo Anh có một đặc điểm khá giống với Tóc Tiên: Cả 2 đều là những nữ ca sĩ sở hữu các bản hit ở hai dòng nhạc gần như trái ngược - ballad và dance. Nếu như Tóc Tiên có Em không là duy nhất thì Bảo Anh cũng có Sống xa anh chẳng dễ dàng đều là những ca khúc có giai điệu chậm, khi Tóc Tiên lột xác bùng nổ với Vũ điệu cồng chiêng thì Bảo Anh cũng từng gây sốt với Như lời đồn - những bản dance mạnh mẽ hợp thời.
Và tới khi thực hiện EP đầu tiên trong sự nghiệp, cả Bảo Anh lẫn Tóc Tiên đều lựa chọn ballad - là hướng đi an toàn hơn trong 2 dòng nhạc sở trường - để xây dựng tổng thể sản phẩm.
Xác định được rõ nội dung
Một trong những điểm đáng khen nhất của EP Không biết nên vui hay nên buồn là sự thống nhất trong cả 4 track. Tất nhiên, việc sử dụng ballad với những tiếng piano êm đềm cho cả 4 bài không phải là điều quá khó hay đột phá. Tuy nhiên, do sử dụng đồng bộ các sáng tác của Kai Đinh, mạch cảm xúc của EP cũng cho thấy một sự tương đồng.
Các bài hát trong EP đều tập trung khắc họa tâm trạng của cô gái sau khi chia tay nhưng vẫn chưa quên được mối tình cũ. Ở Không biết nên vui hay nên buồn, đó là khoảnh khắc khi cô gái gặp lại người cũ khi trong lòng vẫn còn tình cảm, vẫn ngổn ngang cảm xúc nhưng chẳng thể gọi tên “Gặp lại chỉ thấy/ Nỗi trống rỗng trong tim này/ Giờ không biết phải nên vui hay buồn đây”.
Sang đến Cô ấy của anh ấy, Bảo Anh lại nhớ lại về những kỷ niệm đẹp từng có giữa 2 người “Ngày mà mình nằm hàng giờ/ Nhìn mây bay trên trời xanh/ Ngày mà một lời tỏ tình/ Rơi theo mưa nhanh nhanh”, sau đó là nỗi buồn của hiện tại vẫn chưa nguôi ngoai “Cô ấy giờ là cô ấy của anh/ Cô ấy của anh giờ không phải em”.
Bảo Anh giữ được sự thống nhất trong mặt cảm xúc xuyên suốt EP Không biết nên vui hay nên buồn. |
20 25 30 lại cho thấy sự khác biệt, trưởng thành sau khi chia tay khi ở từng độ tuổi khác nhau, có lúc “Lòng tôi đau tơi bời/ Trái tim này tan vỡ rồi ai ơi”, khi lại “Ngày như không có gì/ Mà đêm về đau tưởng chết”. Đến khi 30 tuổi, cô gái mới có sự bình tâm hơn, dù nỗi buồn cũng không vơi đi “Khóc xong dành đôi ba ngày đi trốn/ Cuộc đời sẽ dành cho mình/ Biết bao nhiêu nhân duyên lung linh”.
Ở track cuối favorite liar, Bảo Anh hóa thân thành một chàng trai để mô tả cảm xúc đến từ một góc độ khác, nhưng vẫn mang một nỗi buồn đặc trưng “Dù cho em có làm tan nát/ Trái tim này biết bao lần trên đời/ Thì anh cũng chẳng thể nào hết yêu”.
Kai Đinh vốn có thế mạnh trong mảng ballad. Với 4 ca khúc trong EP Không biết nên vui hay nên buồn, Kai giữ được phong độ ổn định khi các ca khúc có giai điệu dễ nghe dễ nhớ, dù cho chưa có được sự đột phá cần thiết và một ca khúc trong số đó còn vướng lùm xùm. Tuy nhiên, điểm nhấn trong mặt ca từ vẫn được Kai đan cài một cách khéo léo, như cách sử dụng từ “Cô ấy” trong bài Cô ấy của anh ấy, cách chơi chữ thú vị “Lúc bắt đầu ấy là tim nhanh nhanh đỏ mặt/ Rồi kết thúc tim vẫn nhanh nhưng đỏ mắt” trong ca khúc Không biết nên vui hay nên buồn. Quan trọng nhất, Kai duy trì được một sự “lửng lơ” khá rõ ràng trong tâm trạng của nhân vật xuyên suốt các bài, có buồn, có đau khổ, có lúc hy vọng nhưng cũng có lúc lại trống rỗng.
Thiếu độc đáo nhưng vẫn đủ chữa lành
Sự “lửng lơ” trong mặt cảm xúc, ca từ được Bảo Anh và ekip thể hiện tương đối tốt, tuy nhiên khi họ đem sự “lửng lơ” đó vào cả mặt sản xuất và xây dựng bài hát thì lại khiến tổng thể EP trở nên chậm chạp.
TDK là một nhà sản xuất đã chứng minh được khả năng của mình qua nhiều sản phẩm âm nhạc tốt cho AMEE, Hoàng Yến Chibi,... Ngay cả ở EP Không biết nên vui hay nên buồn, khi tách từng bài đặt riêng rẽ cũng có sự thú vị riêng trong không gian ballad kết hợp với lo-fi. Tuy nhiên, khi cả 4 bài đặt chung với nhau thì các ca khúc dường như trở nên lẫn vào nhau, không có sự khác biệt và làm cho trải nghiệm nghe bị lê thê.
Một phần khác tạo nên sự thiếu đột phá đến từ giọng hát của Bảo Anh. Cô vốn không phải là một vocalist quá sắc sảo, các bản hit của cô từ trước đến nay khi ở địa hạt ballad đều đặt yếu tố “Cảm xúc” lên đầu, còn các bản dance thì có các yếu tố EDM nâng đỡ.
Tuy nhiên, khi nghe 4 bài liên tiếp với không gian âm nhạc tương đồng, Bảo Anh chưa đủ lực để tạo ra sự khác biệt giữa những nét cảm xúc gần như nhau nhưng không hoàn toàn giống. Khi cô hát về nỗi buồn trong Cô ấy của anh ấy hay sự trống rỗng trong Không biết nên vui hay nên buồn, cả 2 nghe tương tự và đều đều.
Chầm chậm, đều đều và thiếu đột phá, Bảo Anh và ekip chưa tạo được khoảnh khắc thật ấn tượng trong mặt sáng tạo. |
Kai Đinh cũng chưa đưa ra được những góc nhìn khác biệt trong 4 ca khúc. Xuyên suốt cả 4 bài tuy cảm xúc có lúc lên lúc xuống, nhưng chủ điểm vẫn là nỗi nhớ nhung những cảm xúc cũ, đôi khi điểm thêm chút hy vọng nhưng chưa đủ mạnh. Ngay cả ca khúc favorite liar khi Kai để cho Bảo Anh thể hiện tâm trạng của người nam, sự khác biệt với 3 ca khúc còn lại không đáng kể, ngoài việc thay đổi ngôi xưng ra thì sự vẫn là sự sướt mướt như thế.
Tuy nhiên, không đột phá không phải là không hay. Với một nghệ sĩ đã hoạt động 10 năm và vẫn luôn coi trọng yếu tố cảm xúc trong âm nhạc như Bảo Anh, EP Không biết nên vui hay nên buồn vừa vặn và khắc họa được khá rõ chân dung âm nhạc của cô. Sản phẩm không quá ấn tượng về mặt sáng tạo nghệ thuật, nhưng nó vừa đủ để dành cho những tâm trạng lửng lơ, trống rỗng cần được chữa lành.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.